Sự khác nhau giữa nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ

Nhiễm độc thai nghén là bệnh lý xuất hiện trong thời kỳ mang thai, đặc biệt ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Các triệu chứng, biểu hiện của nhiễm độc thai nghén ở mỗi thời kỳ là khác nhau. Do vậy, mẹ bầu cần chú ý các triệu chứng để được chẩn đoán và điều trị sớm.

1. Biến chứng nguy hiểm từ nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén là một hội chứng bệnh lý mạch thận có liên quan tới tình trạng thai nghén thường xuất hiện ở 3 tháng đầu thai kỳ3 tháng cuối thai kỳ. Tình trạng nhiễm độc thai nghén dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe cũng như tính mạng của cả mẹ bầu và thai nhi.

1.1 Sản giật, tiền sản giật

Tiền sản giật và sản giật là 2 biến chứng xảy ra phổ biến ở nhiễm độc thai nghén. Nếu tiền sản giật không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến sản giật.

Mẹ bầu khi bị tiền sản giật sẽ gặp các triệu chứng như: Choáng váng, mắt mờ, có khi buồn nôn, nước tiểu có protein tăng cao nhưng chưa có cơn giật.

Vào thời kỳ cuối của thai nghén, khi có dấu hiệu chuyển dạ và sau đẻ, sản phụ có thể bị sản giật. Lúc này các cơn co giật có thể xuất hiện, kèm theo phù, tăng huyết áp, protein niệu,... thậm chí là hôn mê.

Giai đoạn sản giật nếu không được điều trị nhanh chóng sẽ khiến sản phụ gặp nguy hiểm: Suy tim, phù phổi, chảy máu não thậm chí tử vong. Dựa vào các triệu chứng, chúng ta có thể nhận biết khi nào mẹ bầu đang bị sản giật:

  • Toàn thân co cứng, mắt đảo
  • Giật run, co giật toàn thân
  • Sùi bọt mép, mặt xám xịt
  • Hôn mê
  • Mạch nhanh.

Sản giật là biến chứng nguy hiểm của nhiễm độc thai kì ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi
Sản giật là biến chứng nguy hiểm của nhiễm độc thai kì ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và thai nhi

1.2 Sinh non

Sản giật trước khi sinh có thể khiến thai nhi bị đẻ non hoặc tử vong. Ngoài ra, nhiễm độc thai nghén thường có nguy cơ cao ở những mẹ bầu mang song thai, đa thai, nhiều nước ối, viêm thận mãn tính, tiểu đường, loét dạ dày, thời tiết chuyển mùa,...

2. Nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu

Thông thường ở 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu xuất hiện các triệu chứng của “ốm nghén”; Biểu hiện của ốm nghén là sự mệt mỏi, cáu gắt, buồn nôn, sợ ăn,... thậm chí là sụt cân. Tuy nhiên, nhiễm độc thai nghén nặng ở 3 tháng đầu kỳ thai lại khiến các tình trạng này trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Triệu chứng nhiễm độc thai nghén ở mỗi mẹ bầu là khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết mẹ bầu sẽ phải trải qua các triệu chứng sau:

  • Nôn mửa nhiều, ăn gì nôn đó
  • Nôn ra nước dãi
  • Mất nước
  • Gầy sút trông thấy.

Đối với tình trạng nhiễm độc thai nghén nhẹ, thai phụ chỉ cần nghỉ ngơi, nên ăn nhẹ và chia ra làm nhiều bữa trong ngày.


Nôn mửa nhiều là dấu hiệu phổ biến của nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu
Nôn mửa nhiều là dấu hiệu phổ biến của nhiễm độc thai nghén 3 tháng đầu

3. Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối thai kỳ

Nhiễm độc 3 tháng cuối thai kỳ là bệnh lý nguy hiểm đối với mẹ bầu. Nếu như ở 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nhiễm độc thai nghén có thể bị mất nước. Thì ở 3 tháng cuối, mẹ bầu nhiễm độc thai nghén có thể đe dọa đến tính mạng của cả sản phụ và thai nhi. Phù nề, tăng huyết áp, protein nước tiểu, tăng cân... là những triệu chứng mà mẹ bầu có thể gặp phải.

  • Phù nề có thể xảy ra ở 2 chân hoặc toàn thân. Khi ấn vào mắt cá chân có dấu hiệu lõm của ngón tay.
  • Protein niệu: Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu cho protein niệu lớn hơn 0,3g/l sẽ là dấu hiệu của nhiễm độc thai kỳ.
  • Tăng huyết áp: Ở 3 tháng cuối thai kỳ , mẹ bầu có thể thường xuyên bị choáng váng, mệt mỏi, ... đó là dấu hiệu của tăng huyết áp. Khi đi đo huyết áp cho kết quả trên 140/90mmHg, mẹ bầu cần được theo dõi và điều trị nhiễm độc thai nghén.

Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối thai kỳ gây phù nề ở mẹ bầu
Nhiễm độc thai nghén 3 tháng cuối thai kỳ gây phù nề ở mẹ bầu

4. Phòng ngừa nhiễm độc thai nghén

  • Nhằm đảm bảo mẹ bầu được vượt cạn thành công, mẹ bầu cần khám thai định kỳ. Khám thai định kỳ giúp theo dõi, quản lý thai nghén tốt.
  • Chú ý nghỉ ngơi, tránh lao động làm việc nặng
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như: đường, đạm, vitamin, các chất vi lượng, uống bổ sung viên sắt, axit folic...
  • Nếu thấy có dấu hiệu phù, lên cân quá nhanh hay các dấu hiệu bất bình thường phải tới ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe