Sự khác nhau giữa LDL và VLDL cholesterol

Sự hình thành của cholesterol chủ yếu đến từ thức ăn được gan tổng hợp từ các chất béo bão hòa. Hiện nay có một số thuật ngữ liên quan đến cholesterol như LDL cholesterol, VLDL cholesterol. Vậy LDL và VLDL cholesterol là gì? và sự khác nhau giữa chúng là như thế nào?

1. Cholesterol là gì?

Cholesterol là một chất béo cần thiết cho màng tế bào. Nó được tạo ra nhờ quá trình tổng hợp của gan, đây là một quá trình vô cùng phức tạp. Triglyceride là một loại chất béo được sử dụng để đem đến năng lượng cho các tế bào. Hai chất này là vô cùng cần thiết cho sức khỏe của con người.

Cholesteroltriglyceride được chuyên chở bằng lipoprotein. Lipoprotein là sự kết hợp của 2 thành phần protein và mỡ.

Nếu trong lipoprotein, protein chiếm tỷ trọng lớn hơn thì được gọi là HDL hay còn gọi là cholesterol tốt. HDL cholesterol càng nhiều thì càng tốt cho sức khỏe tim mạch.

Nếu trong lipoprotein, hàm lượng protein ít hơn, mỡ nhiều hơn thì lipoprotein tỷ trọng thấp, cholesterol mà nó mang theo gọi là LDL cholesterol hay còn gọi là cholesterol xấu.

Nếu trong lipoprotein chứa phần lớn là chất béo triglyceride , tỷ trọng rất thấp thì được gọi là VLDL, chuyên chở chất béo triglyceride.

VLDL và LDL cholesterol đều là các loại cholesterol xấu. Mặc dù cholesterol và triglyceride đều là những chất mà cơ thể cần, tuy nhiên việc tích tụ quá nhiều trong động mạch máu của cơ thể bạn có thể khiến bạn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ.


Tích tụ quá nhiều Cholesterol trong cơ thể có thể gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ
Tích tụ quá nhiều Cholesterol trong cơ thể có thể gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ

2. Sự khác nhau giữa LDl cholesterol và VLDL cholesterol

LDL và VLDL cholesterol đều là những loại cholesterol xấu đối với cơ thể. Sự khác biệt chính giữa VLDL và LDL cholesterol là chúng có tỷ lệ phần trăm các thành phần của cholesterol, protein và triglyceride tạo nên mỗi lipoprotein. VLDL cholesterol chứa nhiều chất béo trung tính còn LDL chứa nhiều cholesterol.

  • VLDL cholesterol được tạo nên bởi các thành phần và tỷ trọng các thành phần như sau: cholesterol (10%), chất béo trung tính ( 70%), protein ( 10%), các chất béo khác (10%).

Các chất béo trung tính có trong VLDL cholesterol được sử dụng để mang năng lượng tới các tế bào trong cơ thể. Ăn nhiều thực phẩm có chứa nhiều carbohydrate hoặc đường quá mức tiêu thụ dẫn đến tình trạng chất béo trung tính vượt quá mức cho phép, làm nồng độ VLDL cao trong máu. Chất béo trung tính sẽ được giải phóng khi cơ thể cần năng lượng.

  • LDL cholesterol được tạo nên bởi các thành phần và tỷ trọng của các thành phần như sau: Cholesterol ( 26%), chất béo trung tính (10%), protein ( 25%), chất béo khác ( 15%).

Quá nhiều cholesterol trong cơ thể dẫn đến lượng LDL cholesterol ở mức cao. Lượng LDL ở mức cao dẫn đến tình trạng tích tụ các mảng bám trong động mạch của bạn.

Hầu hết để kiểm tra mức độ LDL cholesterol và VLDL cholesterol thường sẽ thực hiện xét nghiệm cholesterol. Không có một xét nghiệm cụ thể nào về VLDL cholesterol, nó được ước tính dựa trên mức độ chất béo trung tính của bạn.


Xét nghiệm để kiểm tra mức độ LDL cholesterol và VLDL cholesterol
Xét nghiệm để kiểm tra mức độ LDL cholesterol và VLDL cholesterol

3. Những đối tượng nên theo dõi nồng độ cholesterol

LDL được kiểm tra như một phần của việc xét nghiệm cholesterol. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, tất cả những đối tượng trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol từ 4-6 năm một lần. Nếu bạn có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao thì cần theo dõi nồng độ cholesterol thường xuyên hơn.

LDL và VLDL cao đều dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ ở người bệnh.

Việc thực hiện các xét nghiệm để tìm mức VLDL ước tính sẽ được thực hiện khi bạn yêu cầu hoặc có những biểu hiện sau:

  • Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch
  • Cholesterol bất thường
  • Bệnh tim khởi phát sớm.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch gồm:

  • Tuổi cao
  • Tăng cân, béo phì
  • Bệnh nhân bị tiểu đường hoặc cao huyết áp
  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch
  • Hút thuốc
  • Ít vận động
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh.

Tăng cường việc tập thể dục thường xuyên và xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, thay đổi lối sống chính là phương pháp để giảm lượng VLDL và LDL cholesterol của bạn. Nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để có được phương pháp điều trị thích hợp nhất, tránh nguy cơ biến chứng về sau.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe