Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Cholesterol là một chất quan trọng, được cơ thể con người sản xuất từ gan. Bên cạnh sự sản xuất tự nhiên, cholesterol cũng được cơ thể hấp thu từ thức ăn. Cholesterol không có trong thực vật, chỉ có trong thức ăn có nguồn gốc từ động vật như thịt và sữa.
1. Vai trò của Cholesterol là gì?
Vai trò của cholesterol trong cơ thể là:
- Nguyên liệu cho quá trình sản xuất các mô tế bào.
- Hỗ trợ quá trình sản xuất nội tiết tố sinh dục.
- Hỗ trợ quá trình bài tiết mật trong gan.
Cả ba vai trò của cholesterol trên đều rất quan trọng, và tất cả đều cần sự có mặt của cholesterol. Nhưng khi cholesterol tăng cao cũng là nguồn gốc của nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh tim mạch.
Trắc nghiệm: Muối trong thực phẩm, natri, huyết áp và sức khỏe của bạn
Muối, natri là chất khoáng cần thiết cho cơ thể để duy trì hoạt động ổn định. Tuy nhiên, chế độ ăn thừa muối có nguy cơ cao dẫn tới các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Cùng làm bài trắc nghiệm sau đây để hiểu hơn về những ảnh hưởng của các khoáng chất này tới huyết áp và sức khỏe bạn thế nào nhé.
Nguồn tham khảo: webmd.com
2. LDL cholesterol và HDL cholesterol
Cholesterol là chất không tan trong nước, nó cần gắn với một chất khác để có thể vận chuyển trong máu, chất đó là lipoprotein. Lipoprotein gồm hai loại chính là LDL và HDL.
LDL cholesterol là lipoprotein tỉ trọng thấp (low density lipoprotein), thường được coi là cholesterol xấu.
HDL cholesterol là lipoprotein tỉ trọng cao (high density lipoprotein), và được coi là cholesterol tốt.
3. Tại sao LDL lại là cholesterol xấu?
LDL là cholesterol xấu bởi nếu nồng độ của nó quá cao lâu ngày, lắng đọng lại trọng thành mạch máu và có thể gây hiện tượng xơ vữa động mạch.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, LDL dẫn tới hình thành các mảng vữa xơ trên thành mạch. Khi các mảng vữa xơ lớn dần, sẽ có hai hậu quả xấu xảy ra: thứ nhất, lòng mạch sẽ bị hẹp lại, làm hạn chế lưu lượng của dòng máu; thứ hai, các cục máu đông sẽ được hình thành, trôi đi theo dòng máu và có thể gây nghẽn mạch, dẫn tới nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Chỉ số LDL cần được duy trì càng thấp càng tốt, tối ưu nhất là giữ ở mức dưới 100 mg/dL.
4. Tại sao HDL lại được coi là tốt?
HDL giúp duy trì hệ tim mạch khỏe mạnh. Trên thực tế nó giúp sức trong quá trình loại bỏ LDL khỏi mạch máu. HDL đưa LDL quay trở lại gan để phân giải và đào thải khỏi cơ thể.
Nồng độ HDL cao cũng giúp đẩy lùi nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, và hiển nhiên, nồng độ HDL thấp sẽ làm tăng các nguy cơ trên.
Theo Học viện Sức khỏe quốc gia của Hoa Kỳ, nồng độ HDL từ 60 mg/dL trở lên có tác dụng bảo vệ sức khỏe, trong khi đó nếu nồng độ xuống dưới 40 mg/dL sẽ trở thành yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.
5. Mức cholesterol toàn phần mục tiêu
Khi kiểm tra nồng độ cholesterol, kết quả sẽ trả về các chỉ số của HDL, LDL và hai chỉ số nữa là cholesterol toàn phần và triglyceride.
Nồng độ cholesterol toàn phần lí tưởng là dưới 200 mg/dL, nếu nằm trong khoảng 200 - 239 mg/dL là mức giới hạn, và sẽ là cao nếu trên 240 mg/dL.
Triglyceride là một loại chất béo khác có trong máu. Giống như cholesterol, nếu nồng độ triglyceride quá cao sẽ mang lại hậu quả xấu.
Nồng độ triglyceride cao thường đi kèm với nồng độ cholesterol cao và thường có mối liên hệ với việc tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
6. Hãy duy trì nồng độ cholesterol ở mức tối ưu
Nồng độ cholesterol bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, và một số yếu tố trong đó có thể kiểm soát được.
Thực hành chế độ dinh dưỡng cân bằng và lối sống lành mạnh là một trong những cách tốt để có nồng độ cholesterol tối ưu.
Nên ăn những thức ăn có chứa ít cholesterol và chất béo bão hòa, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lí đều góp phần giữ nồng độ cholesterol ở mức tối ưu cũng như giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Healthline.com