Bài viết được tư vấn chuyên khoa bởi Thạc sĩ Trần Ngọc Ly - Chuyên viên Tâm lý - Trung tâm Y học tái tạo và Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Trẻ sẽ khám phá đồ vật, thế giới, xây dựng và giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi hoàn cảnh, mỗi đối tượng mà trẻ gặp lại ứng xử khác nhau. Cùng tìm hiểu sự khác biệt khi trẻ chơi với người lớn và trẻ chơi với nhóm bạn cùng lứa tuổi qua bài viết dưới đây.
1. Hoạt động chủ đạo của trẻ trước 6 tuổi
Trước 6 tuổi, hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động vui chơi. Thông qua vui chơi, trẻ sẽ khám phá đồ vật, khám phá thế giới, xây dựng và giải quyết các tình huống trong cuộc sống, giúp trẻ tiếp thu những kinh nghiệm xã hội, giúp trẻ phát triển nhận thức, phát huy trí tưởng tượng, phát triển ngôn ngữ, tăng tính sáng tạo, phát triển vận động tinh vận động thô tăng sự khéo léo của toàn cơ thể cũng như sự phối hợp tay mắt và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trẻ dưới 6 tuổi sẽ trải qua các giai đoạn chơi như sau:
- Giai đoạn chơi khám phá (thường trẻ ở lứa tuổi 0 – 18 tháng sẽ chơi theo cách này): Trẻ trong giai đoạn này thường thích khám phá đồ chơi qua các giác quan như: nhìn, ném, lắc đồ chơi, bóp, xoay đồ chơi một cách thích thú, ngậm hoặc liếm nó. Trẻ chủ yếu thích nhìn đồ vật và lắng nghe các âm thanh được phát ra từ đó. Trẻ nhỏ thì sẽ chơi theo hình thức này nhiều, sau đó việc khám phá giác quan giảm dần theo độ tuổi.
- Giai đoạn chơi đúng chức năng: Nghĩa là trẻ thích chơi các đồ chơi vận động thể chất và chơi/ đúng với mục đích của đồ chơi. Một số trò chơi vận động thể chất có thể kể đến như chạy, nhảy, đuổi bắt, vật lộn, leo trèo, cưỡi ngựa nhong nhong, kéo cưa lửa xẻ, đạp xích lô, đạp xe đạp, ném bóng.... Chơi đúng chức năng của đồ chơi là khi trẻ bắt đầu hiểu về cấu trúc và chức năng của các loại đồ chơi và chơi đúng mục đích của nó, chứ không chỉ nhìn, ném rồi nghe âm thanh. Ví dụ: với bộ xếp hình, trẻ biết ghép vào nhau và tạo ra các hình khác biệt, với bộ cắt hoa quả thì trẻ biết dùng dao để tách các quả ra, biết chơi thả khối vào hình tương ứng... Giai đoạn chơi này bắt đầu xuất hiện từ khi trẻ được 12 tháng và kéo dài cả đến khi trẻ sau 3 tuổi.
- Giai đoạn chơi xây dựng: Ở giai đoạn này, kỹ năng chơi của trẻ phát triển thêm một bậc. Từ những chi tiết nhỏ, trẻ có thể lắp ráp hoặc xây lên các mô hình như tòa nhà, xe buýt, trường học, cắt giấy, xé giấy thành các hình khác nhau, nặn đất sét... Giai đoạn chơi này bắt đầu từ khi trẻ được khoảng 18 tháng và kéo dài về sau. Các trẻ 5 – 6 tuổi vẫn thích chơi như thế này.
- Chơi giả vờ sớm: Trẻ bắt đầu ghi nhớ và bắt chước các hành động của người lớn, của các bạn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Một số hoạt động có thể thấy ở trẻ như: giả vờ nghe và nói chuyện điện thoại, giả vờ ăn uống, cho em bé ngủ, cho búp bê ăn uống và tắm rửa... Trẻ từ 18 tháng đã bắt đầu hình thức chơi này, và sẽ phát triển hơn khi trẻ được 2 tuổi
- Giai đoạn chơi giả vờ muộn, thay thế đồ vật: Hình thức chơi ở giai đoạn này phát triển hơn một bậc so với giai đoạn chơi giả vờ sớm. Trẻ bắt đầu tưởng tượng ra các đồ vật thay thế những vật thật, và. Ví dụ như trẻ lấy giấy hoặc lấy bút vo lại trở thành nến để chơi bánh sinh nhật, có thể thổi nến sinh nhật mọi lúc mọi nơi. Trẻ cũng có thể lấy điện thoại gọi điện và nói chuyện giả vờ với người khác, xây dựng đoạn hội thoại như đang nói chuyện trực tiếp với ai đó. Trẻ có thể lấy giấy hoặc cặp tóc giả vờ làm son môi, làm cây trang điểm và tự trang điểm cho nhau. Trẻ từ 3 tuổi đã có những năng lực chơi như thế này
- Giai đoạn chơi đóng vai: Trẻ bắt đầu biết phân vai trong các câu chuyện. Biết sắm vai và thể hiện lại các câu chuyện được nghe. Bắt chước những nhân vật mà trẻ thấy hằng ngày. Trẻ có thể là bác sĩ nhưng bệnh nhân là ba mẹ, anh chi em của trẻ hoặc trẻ làm đầu bếp và giả vờ nấu ăn cho các thành viên trong gia đình thưởng thức.
- Giai đoạn chơi theo quy luật: đây là kiểu chơi này hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi tiểu học, manh nha từ thời điểm trẻ 4 – 5 tuổi. Trẻ biết tính toán và tuân theo các quy tắc của các trò chơi như là cờ cá ngựa, domino, cờ tỉ phú, ...
2. Những lợi ích của trẻ khi chơi với người lớn
Vì hoạt động chủ đạo của trẻ dưới 6 tuổi là hoạt động chơi, nên khi những người thân trong nhà chơi với trẻ, sẽ có rất nhiều lợi thế. Có thể kể đến những lợi ích dưới đây:
- Khi bố mẹ chơi cùng trẻ, sẽ có cơ hội để tạo mối quan hệ thân tình giữa bố mẹ - con cái, bố mẹ có thể dạy trẻ nhiều kỹ năng hơn: tự giải quyết vấn đề, óc sáng tạo, cách ứng xử trong những tình hướng phát sinh khi chơi,... Sợi gây gắn kết này sẽ giúp trẻ được vui vẻ, và sẽ tạo thói quen chia sẻ các thông tin hàng ngày với bố mẹ.
- Trẻ sẽ được phát triển nhiều kỹ năng về thể chất: Hiện giờ, khá nhiều gia đình cho con đi chơi ở các trang trại, khu vui chơi, hoặc công viên thay vì chỉ chơi ở nhà. Tại đây, trẻ sẽ được trải nghiệm các bộ môn thể thao hoặc các hoạt động vui chơi mạnh mẽ, đòi hỏi phải sử dụng các cơ lớn trên cơ thể, như là đá bóng, bập bênh, cầu trượt, chui ống.... Điều này giúp trẻ tăng cường hoạt động và phát triển thể chất khỏe mạnh hơn.
- Ngoài ra, khi chơi cùng người lớn, bố mẹ cũng sẽ hướng dẫn con để trẻ tuân thủ nguyên tắc tốt hơn - ví dụ như nhường bạn, chia sẻ, chờ đợi khi đến lượt, hoặc cất đồ sau khi chơi xong.
Tuy nhiên, có một điều cần lưu ý, bố mẹ sẽ tranh thủ dạy con các kiến thức và vô tình nhồi nhét nhiều kỹ năng, mong muốn con học được nhiều nhất có thể, thay vì chỉ quan sát và chơi với con một cách đồng đẳng.
3. Những lợi ích của trẻ khi chơi với nhóm bạn cùng lứa tuổi
Bên cạnh việc được người lớn chơi cùng, thì việc trẻ nhỏ chơi với các bạn cùng lứa tuổi là một điều cần thiết để trẻ học được các kỹ năng xã hội.
Ví dụ đơn giản, khi trẻ chơi với bố mẹ hoặc người chăm sóc, trẻ luôn là tâm điểm của sự chú ý, sẽ được nhường nhịn, nhưng khi chơi với bạn, trẻ sẽ cần hòa nhập và phải e dè, hoặc để ý đến người khác . Đây là một sự khác biệt quan trọng trong các môi trường chơi của trẻ, là cơ hội để trẻ thể hiện mình nhiều hơn. Trẻ không chỉ thoát khỏi vùng an toàn của mình mà còn có cơ hội tương tác, mở rộng mối quan hệ xã hội.
- Khi chơi với bạn cùng tuổi, trẻ sẽ học được cách giải quyết mâu thuẫn, hoặc cách quan sát, chia sẻ cho bạn, vì lúc đó không còn được bố mẹ bênh như ở nhà. Đây là thời điểm phù hợp để trẻ học giải quyết vấn đề, kỹ năng chia sẻ và chờ đợi
- Các bạn cùng độ tuổi với nhau (hoặc lớn hơn 1 – 2 tuổi khi chơi với nhau), sẽ học nhau cách khám phá đồ chơi - đây là điều mà người lớn khó có thể hướng dẫn cho trẻ (bởi cách nhìn nhận của người lớn khác với trẻ, cách khám phá đồ chơi của người lớn sẽ không phù hợp với độ tuổi của trẻ). Ngoài ra, khi trẻ con chơi và trò chuyện cùng nhau, trẻ sẽ học được rất nhiều từ vựng mới mẻ cũng như nhiều cách diễn đạt khác nhau. Ngôn ngữ của trẻ cùng lứa tuổi sẽ phù hợp để trẻ lặp lại và bắt chước theo. Đây cũng là cách trẻ tiếp thu từ ngữ và phong cách thể hiện một ngôn ngữ cụ thể, vì cách nói chuyện của trẻ con sẽ khác so với người lớn
- Bên cạnh đó, bố mẹ không phải lúc nào cũng có thể thời gian để chơi với con, vì vậy việc trẻ tự chơi được với nhau sẽ là một sự lựa chọn hợp lý hơn là trẻ tự khám phá đồ đạc hoặc xem ti vi, điện thoại
- Trẻ sẽ phát triển ý thức về ranh giới cá nhân: Khi chới với nhóm bạn, trẻ có thể biết những gì được thực hiện và không được thực hiện. Ví dụ: trẻ có thể lấy đồ của bố mẹ, nhưng khó có thể tự ý lấy đồ của các bạn khác.
Qua đó, ta thấy được rằng, hoạt động chơi rất cần thiết cho trẻ. Và cấn nhấn mạnh rằng khi trẻ được chơi và được hoạt động với nhiều đối tượng khác nhau, ở nhiều môi trường khác nhau, trẻ đều học được rất nhiều điều về cuộc sống. Nếu như trẻ không có đám bạn chơi cùng, hoặc không được người lớn hướng dẫn, thì trẻ chưa có đủ môi trường để học tập nhiều kỹ năng nhất có thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.