Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Nhật An - Giám đốc Trung tâm Nhi kiêm trưởng khoa nội trú Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Mặc dù phần lớn trẻ em khỏe mạnh có thể tự khỏi bệnh cúm, hồi phục nhanh. Tuy nhiên một số ít sẽ tiến triển các biến chứng có thể đe dọa tới tính mạng. Để giúp người chăm trẻ trẻ biết cách chăm sóc trẻ và phòng ngừa trẻ bị bệnh cúm. Dưới đây là hướng dẫn của Giáo sư Tiến sĩ Phạm Nhật An - Giám đốc Trung tâm Nhi tại bệnh viện Vinmec Times City.
1. Những tình huống lây bệnh cúm thường gặp
- Khi người bệnh ho/hắt hơi làm phát tán virus vào tay, chân, quần áo, các đồ vật xung quanh; tay trẻ vô tình tiếp xúc với người bệnh hoặc các vật dụng nói trên, sau đó tay trẻ lại tiếp xúc với mắt, mũi, miệng của mình tạo điều kiện cho virus cúm xâm nhập vào cơ thể.
- Khi người bệnh ho/hắt hơi làm phát tán virus vào không khí và có thể xâm nhập trực tiếp vào đường hô hấp của những trẻ gần đó khi hít phải.
2. Triệu chứng bệnh cúm ở trẻ
- Sốt trên 38 độ C, có thể kèm theo ớn lạnh và đổ mồ hôi.
- Ho khan, nghẹt mũi, chảy nước mũi.
- Nhức đầu, đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, tay và chân.
- Cảm giác mệt mỏi và yếu.
3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ khi bị cúm
- Áp dụng các biện pháp cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho người khác, hạn chế ra khỏi phòng bệnh, khi ra khỏi phòng cần đeo khẩu trang cho trẻ.
- Hạn chế người vào thăm hỏi, tiếp xúc với trẻ nếu không thực sự cần thiết. Người chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang ngoại khoa.
- Phối hợp dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho (nếu có) và/hoặc thuốc kháng sinh cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
- Theo dõi thân nhiệt, nhịp thở, tình trạng tăng tiết, sự tím da, môi và đầu ngón tay.
- Nuôi dưỡng: Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, bột, sữa và uống nhiều nước nhất là nước hoa quả có nhiều vitamin C.
- Vệ sinh khay ăn, thau chậu, bô, và các vật dụng của trẻ bằng xà phòng.
- Giữ ấm cho trẻ, nhất là khi trời lạnh.
- Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.
4. Hướng dẫn phòng bệnh cúm ở trẻ
Hiện nay chưa có vắc xin chống lại tất cả các chủng Cúm. Tuy nhiên, các biện pháp đơn giản sau đây có thể giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm virus cúm cho trẻ:
- Tiêm chủng: Tiêm phòng cúm được dành cho nhiều lứa tuổi, nhất là với những trẻ dưới 5 tuổi.
- Giữ vệ sinh miệng họng nhất là sau khi cho trẻ ăn, sau khi trẻ ho, hắt hơi, thường xuyên vệ sinh tay chân cho trẻ.
- Tránh cho trẻ dùng chung đồ chơi, tiếp xúc hay đến thăm những người bị cúm.
- Cho trẻ ăn nhiều hoa quả và rau xanh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Riêng trong tháng 12/2019, Vinmec miễn phí tiêm Vắc-xin Viêm gan B sơ sinh (tiêm ngay sau khi sinh) cho bé khi đăng kí Gói tiêm chủng trọn gói dành cho trẻ từ 0-1 tuổi hoặc từ 0-2 tuổi.
Để đăng ký tiêm phòng cho trẻ, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đặt hẹn trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.