Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.
Hút thuốc lá là thói quen xấu khó bỏ không chỉ ở cánh mày râu mà cả ở phụ nữ. Khói thuốc lá ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe đặc biệt là phổi. Có thể gây các bệnh lý về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi, đặc biệt là ung thư phổi.
1. Tác hại của khói thuốc lá
Khói thuốc lá có chứa rất nhiều chất độc hại có thể làm tổn thương hệ hô hấp.
- Các chất độc hại này là các hóa chất khi được hít trực tiếp vào phổi sẽ dẫn đến tình trạng phổi sản xuất dịch nhầy quá mức kèm theo khả năng đào thải các chất dịch nhầy ra cơ thể kém hơn người bình thường.
- Do đó, niêm mạc phế quản của người hút thuốc nhiều năm có sự thay đổi cấu trúc, tăng sinh các tuyến chế nhày làm niêm mạc đường thở dày lên, tăng tiết đờm gây hẹp đường thở.
- Ngoài ra, phổi không thể làm sạch lượng chất nhầy dư thừa hiệu quả, sẽ là điều kiện thuận lợi gây nhiễm trùng hô hấp. Biểu hiện bằng ho, viêm phế quản và các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn, ung thư phổi,...
- Phổi của người hút thuốc lá lâu năm có thể chuyển sang màu đen, trong khi ở người khỏe mạnh hồng hào. Đồng thời, bộ phận không thể bơm khí đầy căng như người không hút bởi khói thuốc làm cho phổi cứng, giảm độ đàn hồi, gây ảnh hưởng đến chức năng phổi.
Ngoài ra, tác hại của thuốc lá còn gây ra:
- 90% trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi là người sử dụng thuốc lá
- Thuốc lá cũng là nguyên nhân gây ra 75% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh gấp 66 lần so với người không hút.
- Khói thuốc làm tăng khả năng bị viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, hen phế quản ở người lớn.
- Ở trẻ em, hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng bệnh hô hấp như ho, khò khè, khó thở, làm chậm tăng trưởng phổi, gây suy giảm sớm chức năng phổi.
Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến người hút thuốc trực tiếp mà những người hút thuốc lá thụ động cũng bị tổn thương như người sử dụng trực tiếp.
Trắc nghiệm: Làm thế nào để có một lá phổi khỏe mạnh?
Để nhận biết phổi của bạn có thật sự khỏe mạnh hay không và làm cách nào để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm sau đây.2. Sự khác biệt giữa phổi của người hút thuốc lá và phổi của người bình thường trên Xquang
Thông thường, phổi của người bình thường khỏe mạnh sẽ hồng hào, không có dấu hiệu gì bất thường.
Đối với người hút thuốc lá hình ảnh phổi trên phim chụp Xquang đặc trưng. Tuy nhiên ở mỗi người không giống nhau, do thời gian hút thuốc là liều lượng hút khác nhau nên sự tác động của thuốc lá tới phổi có sự khác biệt. Nhưng về cơ bản thì các biểu hiện đều giống nhau, chỉ khác về mức độ.
Hình ảnh chụp Xquang phổi của người hút thuốc cho thấy:
- Bao bọc bên ngoài phổi là một lớp màng đen kịt. Người hút thuốc lá càng lâu năm thì lớp màng đen này càng thể hiện rõ.
- Phổi có thể tăng kích thước hơn bình thường, nhiều chấm đen là các vị trí bị viêm...
- Có thể thấy hình ảnh giãn phế nang trên phim chụp Xquang biểu hiện phổi hình thùng, các khoang liên sườn giãn rộng, có các vùng tăng sáng tương ứng với các vùng giãn phế nang.
- Chụp X quang phổi có thể nghi ngờ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giúp phát hiện các nguyên nhân gây đợt cấp: Viêm phổi, tràn khí màng phổi, các dấu hiệu của tắc mạch phổi...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.