Sử dụng vắc-xin và Globulin miễn dịch ở những người bị suy giảm miễn dịch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Tiêm chủng vắc xin là phương pháp giúp hệ miễn dịch phòng ngừa bệnh tật hiệu quả nhất. Việc sử dụng vắc-xin và Globulin miễn dịch ở những người bị suy giảm miễn dịch cần tuân thủ theo đúng phác đồ và bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo lượng kháng thể phòng bệnh cao nhất.

1. Suy giảm hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là tập hợp của các tế bào bạch cầu, lympho trong máu, hạch, tủy xương và lá lách có cùng nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi trùng. Suy giảm miễn dịch là khi cơ thể giảm hay hoàn toàn không có khả năng đề kháng với sự tấn công của các tác nhân vi trùng từ bên ngoài. Từ đó, cơ thể rất dễ nhiễm trùng với mức độ nặng nề hơn người bình thường, thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng.

2. Các nguyên nhân gì gây ra suy giảm hệ miễn dịch?

Bất cứ nguyên nhân nào làm hệ miễn dịch bị tổn thương, không còn đảm bảo được chức năng này sẽ gọi là hội chứng suy giảm hệ miễn dịch. Hội chứng suy giảm miễn dịch có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi với nhiều cơ chế khác nhau. Nhìn chung, hội chứng này có thể được chia thành hai nhóm nguyên nhân: Suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh và suy giảm hệ miễn dịch mắc phải.

2.1. Suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh

Những bất thường trong bộ gen được thừa hưởng từ cha hoặc mẹ có suy giảm hệ miễn dịch cũng khiến đứa trẻ sinh ra dễ mắc nhiễm trùng hơn những đứa trẻ sinh ra từ cha mẹ bình thường. Các rối loạn trong việc sản xuất các tế bào miễn dịch như bệnh thiếu hụt tế bào B, thiếu hụt tế bào T, thiếu hụt kết hợp cả hai loại tế bào B và tế bào T, khiếm khuyết thực bào, thiếu hụt bổ thể, giảm gamma globulin trong máu... và không xác định (vô căn).


Vắc-xin sẽ được chỉ định riêng cho từng nhóm bệnh nhân khác nhau
Vắc-xin sẽ được chỉ định riêng cho từng nhóm bệnh nhân khác nhau

2.2.Suy giảm hệ miễn dịch mắc phải

  • Nhiễm HIV/AIDS: Không như các loại virus khác, HIV lại chọn kí sinh và gây tổn thương trực tiếp trên hệ miễn dịch của con người. Số lượng tế bào miễn dịch suy giảm nghiêm trọng, cơ thể không chống đỡ được các bệnh lý nhiễm trùng tưởng chừng rất nhẹ nhàng nên dễ suy kiệt, tử vong.
  • Dùng corticoid, thuốc chống thải ghép, thuốc hóa trị ung thư: Các loại thuốc này làm ức chế khả năng hoạt động của các tế bào miễn dịch cũng như khả năng kích hoạt xảy ra phản ứng chống lại quá trình viêm nhiễm.
  • Mắc bệnh đái tháo đường: Tình trạng tăng đường huyết kéo dài hoặc bệnh lý đái tháo đường không kiểm soát tốt là yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng kéo dài.
  • Hội chứng thận hư, sau phẫu thuật cắt lách, suy dinh dưỡng, suy kiệt: Đây là các tình trạng làm suy giảm nghiêm trọng số lượng tế bào miễn dịch trong máu, với cơ chế không được tạo ra, tạo ra không đủ số lượng, không hiệu quả, không đảm bảo chức năng hoặc bị thất thoát mất ra ngoài.

3. Những người suy giảm miễn dịch có nên tiêm vắc xin không?

Người có biểu hiện suy giảm miễn dịch có thể được chia thành ba nhóm sau:

  • Nhóm A: Người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng nhưng không phải do nhiễm HIV gây ra.
  • Nhóm B: Người nhiễm HIV.
  • Nhóm C: Người có tình trạng thiếu hụt miễn dịch hạn chế (ví dụ, giảm cân, suy thận).

Ở mỗi nhóm sẽ có các khuyến nghị khác nhau trong việc sử dụng vắc-xin virus sống giảm độc lực. Vắc-xin không được sử dụng đối với những bệnh nhân thuộc nhóm A. Bệnh nhân thuộc nhóm B có thể sử dụng một số loại vắc-xin phù hợp. Vắc-xin không chống chỉ định đối với những bệnh nhân thuộc nhóm C.

3.1.Suy giảm miễn dịch không phải do nhiễm HIV

Ức chế miễn dịch mà không liên quan đến HIV có thể là kết quả của suy giảm miễn dịch bẩm sinh, bệnh bạch cầu, ung thư hạch, bệnh ác tính tổng quát hoặc bệnh nhân đang điều trị với các tác nhân kiềm hóa, chống chuyển hóa, phóng xạ hoặc một lượng lớn corticosteroid.

Đối với nhóm bệnh nhân này, một khi tiêm vắc-xin sống vào cơ thể, sẽ tạo cơ hội cho các virus sống được nhân lên. Do đó, tiêm vắc-xin chống chỉ định cho tất cả những bệnh nhân thuộc nhóm này, trừ trường hợp ngoại lệ. Nên tránh tiêm vắc-xin trong quá trình hóa trị hoặc xạ trị vì nó có thể gây ra các phản ứng kháng thể không mong muốn.

Thời gian để tiến hành tiêm vắc-xin là 2 tuần trước khi điều trị ức chế miễn dịch và tiêm lại ít nhất 3 tháng sau khi ngừng điều trị. Điều trị miễn dịch thụ động với globulin có thể được chỉ định cho bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch cùng với các vắc-xin tiêm chủng phổ biến khác như vắc-xin phòng ngừa sởi.

3.2.Người nhiễm HIV


Người nhiễm HIV là đối tượng bị suy giảm miễn dịch
Người nhiễm HIV là đối tượng bị suy giảm miễn dịch

Các loại vắc-xin sống hoặc vi khuẩn sống không được khuyến cáo áp dụng trên nhóm bệnh nhân nhiễm HIV. Đối với một số loại vắc-xin vẫn được khuyến cáo sử dụng cho đối tượng là người nhiễm HIV như: Vắc-xin Sởi - Quai bị - Rubella được khuyến cáo nên sử dụng cho tất cả các đối tượng trẻ em và người lớn mà không cần bận tâm đến tình trạng nhiễm HIV của họ. Vắc-xin bại liệt bất hoạt là loại vắc-xin chống bại liệt thường được sử dụng cho những người bị nhiễm HIV. Vắc-xin phế cầu khuẩn được chỉ định cho tất cả những người nhiễm HIV lớn hơn hoặc bằng 2 tuổi. Trẻ em dưới 2 tuổi bị nhiễm HIV nên được tiêm vắc-xin Hib theo quy định thông thường. Tuy nhiên, cần cân nhắc đến nguy cơ mắc bệnh Hib của bệnh nhân và xác định tính hiệu quả của vắc-xin trước khi quyết định có nên tiêm vắc-xin Hib cho người nhiễm HIV hay không.

3.3.Bệnh nhân suy thận

Bệnh nhân suy thận có nguy cơ bị nhiễm nhiều loại mầm bệnh khác nhau, đặc biệt là phế cầu khuẩn và viêm gan B. Các hội chứng thận sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm phế cầu khuẩn. Hiệu quả của việc tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn cho một số bệnh nhân suy thận, bao gồm cả những người đang lọc máu, thường rất thấp nên cần phải tiêm phòng lặp lại hoặc tăng liều vắc-xin cho họ .

3.4. Bệnh nhân tiểu đường

Bệnh nhân đái tháo đường lâu năm thường bị rối loạn chức năng tim mạch, thận và các cơ quan nội tạng khác. Tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn và tiêm phòng cúm hàng năm sẽ bảo vệ an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân mà không cần đến các can thiệp vào mức độ insulin hoặc kiểm soát glucose.

3.5. Bệnh nhân xơ gan do rượu

Bệnh nhân nghiện rượu và bệnh nhân bị gan do rượu có tỷ lệ nhiễm trùng cao, đặc biệt là viêm phổi. Những bệnh nhân này sẽ bị giảm bạch cầu, giảm hoạt động bổ thể, có các khiếm khuyết hóa học và suy giảm miễn dịch qua trung gian tế bào. Ở những bệnh nhân xơ gan có thể suy giảm khả năng thanh thải của vi khuẩn và làm tăng mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Bệnh nhân nghiện rượu hoặc bệnh gan do rượu nên được tiêm vắc-xin ngừa phế cầu, phòng ngừa cúm hàng năm.


Bệnh nhân xơ gan do rượu có tỷ lệ nhiễm trùng cao
Bệnh nhân xơ gan do rượu có tỷ lệ nhiễm trùng cao

4. Các khuyến cáo sử dụng vắc-xin đối với một số bệnh nhân suy giảm miễn dịch phổ biến

Mặc dù, khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh bị suy giảm, nhưng việc tiêm vắc-xin bằng các loại virus bất hoạt sẽ không gây nguy hiểm cho bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Để tránh nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm thì bệnh nhân suy giảm miễn dịch được khuyến cáo nên sử dụng các loại vắc-xin bổ sung, đặc biệt là vắc-xin polysacarit. Khả năng đáp ứng miễn dịch đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch không cao, nên họ thường được chỉ định dùng các loại vắc-xin liều cao hoặc thường xuyên hơn so với người bình thường. Ở những người bệnh bị suy giảm miễn dịch thì vắc xin có thể có hiệu quả thấp hơn. Do đó nên trì hoãn tiêm vắc xin sống giảm độc lực cho đến khi chức năng của hệ miễn dịch được cải thiện. Nếu đã tiêm vắc xin bất hoạt trong thời kỳ suy giảm miễn dịch thì cần phải tiêm nhắc lại vắc xin này khi hệ miễn dịch được phục hồi.

Những người bệnh bị suy giảm miễn dịch thường có nguy cơ cao phản ứng sau khi tiêm vắc xin sống, vì không có khả năng ức chế sự nhân lên của virus sống giảm độc lực.Vì thế, ở hầu hết những bệnh nhân mắc suy giảm miễn dịch thì không nên tiêm vắc xin sống giảm độc lực như vắc xin phòng sởi-quai bi-rubella, vắc xin thủy đậu, vắc xin cúm sống, zoster, sốt vàng, vắc xin BCG, vắc xin rota) bởi vì có thể gây phản ứng nặng sau tiêm vắc xin. Ngoại trừ vắc xin cúm bất hoạt, không nên tiêm chủng vắc xin trong khi dùng thuốc hóa trị liệu và chiếu xạ. Các vắc xin bất hoạt đều an toàn cho những người bệnh bị suy giảm miễn dịch. Những người bệnh này nên tiêm các vắc xin cúm bất hoạt, vắc xin polysaccharide (như là phế cầu, não mô cầu và Hib).

5. Sử dụng Immunoglobulin trong điều trị suy giảm miễn dịch

Những người bị suy giảm miễn dịch có thể được bảo vệ bằng cách tiêm chủng thụ động bằng cách sử dụng các chế phẩm globulin miễn dịch ( IG). Theo đó, globulin miễn dịch chứa các kháng thể được lấy từ máu người hiến tặng. Các kháng thể là các chất đạm (protein) mà hệ miễn dịch của một người tạo ra để chống lại các vi trùng gây bệnh, chẳng hạn như các siêu vi trùng hoặc vi khuẩn. Globulin miễn dịch an toàn vì được làm từ máu người hiến tặng đã được xét nghiệm để bảo đảm sự an toàn. Từ khi có các xét nghiệm kiểm tra cho đến nay chưa có báo cáo nào về các bệnh lây qua đường máu chẳng hạn như HIV, viêm gan B hoặc viêm gan C ở những người đã nhận globulin miễn dịch.

Hiện nay, có hai loại globulin miễn dịch là: globulin miễn dịch thông thường và globulin miễn dịch đặc hiệu.

  • Globulin miễn dịch thông thường: Được chiết xuất từ máu hay huyết tương của người. Chúng có chứa kháng thể chống lại những bệnh nhiễm trùng thông thường.
  • Globulin miễn dịch đặc hiệu: Là những sản phẩm được sử dụng để giúp cho cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh riêng như virus cự bào (Cytomegalovirus), bạch hầu, viêm gan B, dại, uốn ván, thủy đậu hoặc các bệnh Zoster.

5.1. Globulin miễn dịch thông thường

Các lợi ích của globulin miễn dịch là gì? Ig cung cấp sự bảo vệ ngay tức khắc, ngắn hạn chống lại bệnh viêm gan A và bệnh sởi. Ig có thể ngăn ngừa các sự nhiễm trùng này hoặc làm cho bệnh ít bị nghiêm trọng hơn.

  • Globulin miễn dịch tiêm bắp (IGIM)

Globulin miễn dịch tiêm bắp (IGIM) được dùng để tạo miễn dịch thụ động cho những đối tượng nhạy cảm bị phơi nhiễm đối với một số bệnh nhiễm khuẩn khi chưa có sẵn vắc xin để gây miễn dịch chủ động đối với các bệnh đó, hoặc khi người dễ mắc bệnh bị dị ứng đối với một thành phần nào đó trong vắc xin, hoặc khi không có đủ thời gian để kích thích hình thành kháng thể tạo miễn dịch chủ động cho đối tượng.

Miễn dịch thụ động đối với sởi sau khi tiêm IGIM thường tồn tại khoảng 3 - 4 tuần lễ, còn miễn dịch chủ động bằng vắc xin virus sởi sống cần được bắt đầu 3 tháng sau khi tiêm IGIM, miễn là trẻ ít nhất được 15 tháng tuổi và không có chống chỉ định dùng vắc xin. Không dùng IGIM đồng thời với vắc xin virus sởi sống.

  • Globulin miễn dịch thông thường tiêm tĩnh mạch

Globulin miễn dịch thông thường dùng để tiêm tĩnh mạch là loại IgG được pha loãng ở nồng độ 6%, loại globulin này có chứa một lượng rất nhỏ IgM và IgA và thường được sản xuất dưới dạng lọ hay chai thuốc với liều lượng 50ml, 200ml và 500ml. Loại globulin miễn dịch thông thường tiêm tĩnh mạch thường được chỉ định sử dụng cho các bệnh nhân bị thiếu hụt miễn dịch cần điều trị với một lượng lớn globulin hàng tháng. Trên thực tế, việc sử dụng globulin miễn dịch thông thường dùng để tiêm tĩnh mạch rất có lợi cho những bệnh nhân bị mắc bệnh Kawasaki, hội chứng Guillain Barre, viêm đa rễ thần kinh mạn tính và ở các bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn phối hợp với bệnh suy giảm miễn dịch thứ phát cũng như làm giảm nguy cơ bị mắc các bệnh mạch vành ở tim.

Ðối với nhiễm virus viêm gan A: IG được truyền cho những người nào chưa được miễn dịch với bệnh viêm gan A và không thể tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan A. Điều này bao gồm trẻ em dưới 6 tháng tuổi và một số người có hệ miễn dịch suy yếu. Ig có tác dụng nhất nếu được truyền càng sớm càng tốt và trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi trùng bệnh viêm gan A. Nếu đã chích 2 liều thuốc chủng ngừa bệnh viêm gan A thì không cần phải truyền Ig.

Ðối với bệnh sởi: Bệnh sởi được ngăn ngừa như thế nào sau khi tiếp xúc với bệnh? Ig được truyền cho những người chưa được miễn dịch với bệnh sởi và không thể chích thuốc chủng ngừa bệnh sởi còn được gọi là thuốc chủng ngừa MMR. Những người này bao gồm:

  • Phụ nữ có thai
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi

Những người có hệ miễn dịch suy yếu Ig có tác dụng tốt nhất nếu được truyền trong thời gian sớm nhất, trong vòng 3 ngày nhưng không được chậm hơn 6 ngày, sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh sởi. Nếu đã chích 2 liều thuốc chủng ngừa bệnh sởi, không cần truyền Ig.


Globulin miễn dịch
Globulin miễn dịch

5.2. Các loại globulin miễn dịch đặc hiệu

Hiện nay các nhà sản xuất đã bào chế được các loại globulin miễn dịch đặc hiệu sử dụng trong các trường hợp cần thiết để chống vi-rút cự bào CMV (Cytomegalovirus), viêm gan B, chống bệnh dại, tạo kháng thể Rh (D), chống uốn ván, chống các bệnh Zoster. Cụ thể:

  • Globulin miễn dịch đặc hiệu chống vi-rút cự bào: Được bào chế từ huyết tương người có hiệu giá kháng thể kháng vi-rút cự bào ở mức độ cao 6% được pha loãng với maltose 10%, không có chất diệt khuẩn, thường đóng chai 30ml để tiêm tĩnh mạch. Loại globulin chống virus cự bào được chỉ định cho những trường hợp người bệnh có nguy cơ bị nhiễm virus này.
  • Globulin miễn dịch đặc hiệu viêm gan B: Được chỉ định sử dụng cho các trường hợp có nguy cơ cao như trẻ nhỏ sinh ra từ những bà mẹ có HBsAg dương tính, những nhân viên y tế bị phơi nhiễm vi-rút viêm gan B do bị tổn thương vì kim tiêm đâm phải khi chăm sóc người bệnh có vi-rút viêm gan B dương tính. Đối với trẻ được sinh ra từ những người mẹ có kết quả HBsAg dương tính thì cần được dùng globulin miễn dịch đặc hiệu chống virus viêm gan B với liều lượng 100 đơn vị quốc tế IU trong ngày đầu sau khi sinh để dự phòng ngay tức thì sự nhiễm bệnh. Loại vắc-xin viêm gan B cũng cần được tiêm cho trẻ ngay sau khi sinh. Điều cần lưu ý là không nên dùng globulin miễn dịch đặc hiệu viêm gan B cho trẻ nhỏ được sinh ra từ các bà mẹ có HBsAg âm tính. Đối với nhân viên y tế bị phơi nhiễm với máu, dịch thể của người HBsAg dương tính do kim tiêm đâm phải hoặc tiếp xúc qua vết thương tổn ở da, nếu bệnh nhân đã xác định rõ có HBgAg dương tính hoặc không rõ tình trạng dương tính thì các nhà khoa học khuyến cáo nên sử dụng globulin đặc hiệu viêm gan B với liều lượng 400 đơn vị quốc tế IU cho người lớn và dùng càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi bị kiêm tiêm đâm phải hoặc có tiếp xúc dịch thể qua da bị thương tổn. Chú ý loại trừ những trường hợp nhân viên y tế biết rõ đã được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B hoặc có HBsAg dương tính. Thực tế, có thể tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu viêm gan B cùng với vắc-xin viêm gan B nếu chưa được tiêm loại vắc-xin này hoặc tiêm nhắc lại nếu đã tiêm vắc-xin viêm gan B trước đó được 5 năm.
  • Globulin miễn dịch đặc hiệu chống bệnh dại: Được bào chế từ huyết tương người có hiệu giá miễn dịch chống bệnh dại cao, thường sử dụng để phòng ngừa cho những người bị các súc vật như chó, mèo, dơi... cắn hoặc cào khi đang lên cơn dại. Có thể tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu chống bệnh dại, đồng thời với tiêm vắc-xin dại trong những trường hợp bị vết cắn hay vết cào của sức vật ở mức độ sâu, gần hệ thần kinh trung ương. Liều lượng quy định sử dụng cho tất cả các nhóm tuổi là 20 đơn vị quốc tế IU/kg trọng lượng cơ thể. Có thể tiêm xung quanh vết cắn, vết cào một nửa và nửa còn lại tiêm bắp thịt bình thường. Lưu ý chỉ nên tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu chống bệnh dại một lần, không tiêm tiếp lần thứ hai vì không có tác dụng. Phản ứng phụ sau khi tiêm globulin có thể xảy ra là đau tại chỗ, sốt nhẹ. Mặc dù, các nhà khoa học ghi nhận có ít phản ứng phụ và không phải hoàn toàn do dùng globulin miễn dịch chống bệnh dại nhưng triệu chứng phù quanh mao mạch, hội chứng thận, sốc phản vệ đã được thông báo ở một số trường hợp sau khi tiêm huyết thanh kháng dại.
  • Globulin miễn dịch đặc hiệu Rh(D): Được chiết xuất từ người có loại kháng nguyên D của yếu tố Rhesus (Rh) dương tính. Rh(D) là loại kháng thể được dùng phòng ngừa cho những sản phụ có yếu tố Rh (Rhesus) âm tính nhưng mang thai có Rh dương tính. Globulin có hiệu giá kháng thể cao thường được sử dụng cho những người mẹ có yếu tố Rh âm tính trong vòng 72 giờ sau sinh. Thực tế, ở nước ta, có rất ít các trường hợp bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con nên thường không có chỉ định tiêm loại globulin miễn dịch đặc hiệu này.
  • Globulin miễn dịch đặc hiệu chống uốn ván: Globulin này dùng để phòng ngừa cho những người bị vết thương chưa được miễn dịch và có nguy cơ cao mắc uốn ván. Liều lượng globulin miễn dịch đặc hiệu uốn ván được khuyến cáo sử dụng là 250 đơn vị quốc tế IU, tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị thương. Nếu chậm quá 24 giờ thì cần phải tăng liều lượng lên 500 đơn vị quốc tế IU. Giải độc tố uốn ván hay vắc-xin uốn ván được chỉ định tiêm cùng một lúc với tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu uốn ván nhưng tiêm vào tay khác. Ngoài ra, globulin miễn dịch đặc hiệu chống uốn ván được bào chế từ huyết tương người dùng để tiêm tĩnh mạch cũng được sử dụng để điều trị uốn ván. Liều lượng dùng tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh lý trên lâm sàng, có thể sử dụng liều lượng từ 4.000 đến 20.000 đơn vị quốc tế IU tiêm bắp thịt hoặc truyền tĩnh mạch chậm.
  • Globulin miễn dịch đặc hiệu chống các bệnh Zoster: Thường được chỉ định sử dụng cho các trường hợp bị bệnh thủy đậu. Ngoài ra, globulin này cũng còn được dùng cho các trường hợp: người bị các bệnh thiếu hụt miễn dịch tế bào như bệnh Hodgkin; người bệnh phải chịu liệu trình điều trị suy giảm miễn dịch; phụ nữ mang thai có nguy cơ bị bệnh thủy đậu và Zoster nhưng phải thử kháng thể kháng thủy đậu trước; trẻ được sinh ra từ sản phụ có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu bằng cách xét nghiệm phát hiện kháng thể,; trẻ sinh non dưới 28 tuần mang thai hoặc có trọng lượng nhỏ hơn 1.000g ở các bà mẹ có tiền sử bị bệnh thủy đậu.

Một vấn đề mà cần quan tâm là nên chỉ định tiêm globulin miễn dịch đặc hiệu Zoster cho trẻ nhỏ được sinh ra từ sản phụ bị mắc bệnh thủy đậu trong thời gian 7 ngày hoặc ít ngày trước và sau khi sinh. Bởi vì nếu không tiêm phòng thì tỷ lệ tử vong của trẻ có thể chiếm đến 30%. Nên tiêm globulin càng sớm càng tốt trong giai đoạn ủ bệnh, tốt nhất là trong vòng 96 giờ sau khi bị phơi nhiễm. Loại globulin miễn dịch đặc hiệu này có hiệu quả phòng bệnh cao nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian rất ngắn. Trên thực tế, có thể tiêm loại globulin miễn dịch thông thường nếu như cơ sở y tế không có sẵn loại globulin miễn dịch đặc hiệu Zoster.

6. Tác dụng phụ của tiêm Globulin miễn dịch là gì?

Một số tác dụng phụ mà bạn có thể gặp phải sau tiêm Globulin miễn dịch là: Đỏ bừng mặt, chóng mặt, nhức đầu, ớn lạnh, chuột rút cơ bắp, đau lưng / khớp, buồn nôn hoặc nôn, sốt có thể xảy ra sau khi tiêm Globulin miễn dịch.

Hãy cho bác sĩ biết ngay nếu bạn có các triệu chứng: dễ chảy máu/bầm tím, nhịp tim nhanh/ nhịp tim không đều, ngất xỉu, mệt mỏi bất thường. Hiếm khi, Globulin miễn dịch có thể chứa các tác nhân gây bệnh do được làm từ máu người. Mặc dù tỷ lệ rủi ro rất thấp do đã được sàng lọc rất cẩn thận từ máu của người hiến, nhưung nếu xuất hiện các triệu chứng như như đau họng/sốt kéo dài, mắt/da vàng hoặc nước tiểu sẫm màu thì hãy đến cơ sở Y tế để khám càng sớm càng tốt.

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng hiếm khi xảy ra với người được tiêm Globulin miễn dịch. Tuy nhiên, người được tiêm chủng cũng cần đến cơ sở Y tế ngay lập tức nếu bạn xuất hiện phản ứng dị ứng nghiêm trọng như: phát ban, ngứa/sưng (đặc biệt là sưng ở mặt/lưỡi/cổ họng), chóng mặt nghiêm trọng, khó thở.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: cdc.gov, NCBI

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe