Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu phải sử dụng thuốc chống dị ứng. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc sử dụng thuốc chống dị ứng cho bà bầu cũng phù hợp và an toàn.
1. Các nguyên nhân dị ứng ở bà bầu
Khoảng 20% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc các bệnh lý dị ứng, hay gặp nhất là viêm mũi xoang dị ứng, hen phế quản, chàm, mày đay,... Trong số những phụ nữ bị viêm mũi xoang dị ứng hay hen phế quản, khoảng 1/3 có biểu hiện nặng lên trong thời kỳ mang thai và dần ổn định lại sau sinh. Thai nghén cũng khiến cho bệnh chàm, mày đay tái phát hoặc nặng lên. Bên cạnh đó, một số bà bầu xuất hiện chứng viêm mũi thai kỳ, biểu hiện với hắt hơi, chảy mũi, mày đay,... chỉ xuất hiện khi mang thai.
Tình trạng dị ứng trong thai kỳ có thể liên quan với một số yếu tố như:
- Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai hoặc sau sinh có thể kéo theo nhiều triệu chứng bất thường trong đó có viêm da dị ứng.
- Suy giảm chức năng của hệ miễn dịch: Sức đề kháng của phụ nữ khi mang thai thường giảm sút, hàng rào miễn dịch bảo vệ da cũng bị yếu hơn khiến da dễ bị kích ứng do các yếu tố bên ngoài.
- Di truyền: Một số bệnh da liễu như viêm da dị ứng được xác định có liên quan với yếu tố di truyền.
- Tiền sử mắc bệnh da liễu: Bà bầu có tiền sử mắc bệnh chàm, viêm da tiếp xúc thì có nguy cơ bị viêm da dị ứng trong thai kỳ.
Các biểu hiện dị ứng thường không gây hại cho thai nhi, tuy nhiên lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của thai phụ như việc ăn, ngủ, cảm xúc,... từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến thai nhi.
2. Các loại thuốc chống dị ứng cho phụ nữ có thai
“Bà bầu uống thuốc dị ứng được không?” là câu hỏi khiến nhiều người quan tâm lo lắng? Vậy làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc chống dị ứng cho phụ nữ có thai?
2.1. Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin là thuốc chống dị ứng cho bà bầu thường được lựa chọn vì sự an toàn của thuốc trong thời kỳ mang thai. Sử dụng thuốc kháng histamin trong thai kỳ được đánh giá đem lại lợi ích rõ rệt hơn so với nguy cơ.
Các loại thuốc kháng histamin thế hệ 2 (như Acrivastin, Cetirizin, Loratadin, Mizolastin, Terfenadin) thường được sử dụng trong thai kỳ hơn là thuốc kháng histamin thế hệ 1 bởi vì tác dụng phụ và tác dụng an thần của thế hệ 2 thấp hơn. Dữ liệu an toàn của Loratadin và Cetirizin đã được ghi nhận trên một số lượng lớn bệnh nhân đang mang thai.
Đối với các loại thuốc xịt mũi kháng histamin (như Azelastine hay Olopatadine), tính an toàn trên người vẫn chưa được kiểm chứng đầy đủ đối với những phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai.
2.2. Thuốc corticoid
Corticosteroid (viết tắt là corticoid) không phải là thuốc dị ứng cho bà bầu được lựa chọn đầu tay. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc corticoid mà không có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là ở phụ nữ có thai. Mặc dù corticoid cải thiện rõ rệt các triệu chứng của đợt cấp hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng hay mày đay nặng, tuy nhiên việc sử dụng corticoid kéo dài trong thời gian mang thai có thể làm chậm phát triển bào thai trong tử cung. Thậm chí nếu dùng corticoid liều cao còn có thể dẫn đến chứng suy thượng thận khi trẻ sinh ra.
Để đảm bảo an toàn cho thai nhi, phụ nữ có thai nên tránh dùng corticoid (đường uống hoặc tiêm truyền) trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Việc sử dụng corticoid ở những tháng tiếp theo của thai kỳ được bác sĩ cân nhắc cụ thể về liều dùng, thời gian dùng,... Chỉ nên dùng corticoid khi thật cần thiết sau khi đã thất bại với các biện pháp điều trị khác.
Việc sử dụng thuốc corticoid dạng xịt hoặc nhỏ mũi trong điều trị viêm mũi xoang dị ứng giúp kháng viêm mạnh, giảm nhanh triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên, dữ liệu về độ an toàn của corticoid xịt mũi trong thời kỳ mang thai còn tương đối hạn chế. Nếu cần thiết phải dùng thuốc xịt mũi corticoid ở phụ nữ có thai thì chú ý giảm liều corticoid về liều thấp nhất theo chỉ định của bác sĩ.
3. Các điều trị hỗ trợ đối với dị ứng ở bà bầu
Bên cách các loại thuốc chống dị ứng, bà bầu cũng cần lưu ý một số biện pháp sau đây để giúp giảm nhanh các triệu chứng dị ứng:
- Tránh tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, chứa nhiều vi khuẩn.
- Tăng cường rau xanh, trái cây tươi và uống nhiều nước. Hạn chế các thực phẩm, thức uống chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia, thức ăn cay nóng, thức ăn dễ gây dị ứng (như tôm, cua, cá,...).
- Không tắm nước quá nóng hay quá lạnh, không nên tắm quá lâu. Hạn chế sử dụng các sản phẩm tắm gội chứa nhiều chất hóa học, chất tạo mùi.
- Hạn chế gãi, tránh để da bị trầy xước, nhiễm khuẩn.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh để tránh bị ngứa.
- Mặc quần áo thoáng mát, sử dụng loại vải mềm mịn và dễ thấm mồ hôi.
- Có thể sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi trong trường hợp bị nghẹt mũi.
Nhìn chung, các biểu hiện dị ứng thường không gây hại cho thai nhi, tuy nhiên lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của thai phụ như việc ăn, ngủ, cảm xúc,... từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến thai nhi. Vì vậy, việc sử dụng thuốc chống dị ứng cho bà bầu theo chỉ định của bác sĩ là điều cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.