Sự bài tiết axit trong dạ dày đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tiêu hóa. Nhờ có axit dạ dày, thức ăn được tiêu hóa, trở thành các chất có lợi cho cơ thể.
1. Tìm hiểu về quá trình bài tiết axit trong dạ dày
Dạ dày là đoạn giữa của ống tiêu hóa, phần trên thông với thực quản, phần dưới thông với ruột non. Dạ dày có 2 chức năng là chứa đựng thức ăn và tiêu hóa sơ bộ thức ăn. Dạ dày có 3 phần là: Đáy - thân - hang.
Axit dạ dày (HCl) được tiết ra bởi các tế bào thành ở đoạn 2⁄3 trên của dạ dày (phần thân dạ dày). Axit dạ dày giúp tiêu hóa thức ăn bằng cách tạo độ pH tối ưu cho 2 loại enzyme tiêu hóa là pepsin và lipase dạ dày, đồng thời kích thích tiết ra bicarbonat (HCO3-) tụy, sát khuẩn, góp phần vào cơ chế đóng - mở tâm vị và môn vị, thủy phân cellulose của rau non,... Tuy nhiên, axit dạ dày HCl là con dao 2 lưỡi. Nếu dạ dày bài tiết axit quá nhiều hoặc khi sức đề kháng của niêm mạc dạ dày giảm thì axit HCl có thể kết hợp với pepsin phá hủy niêm mạc dạ dày, dễ gây viêm loét dạ dày.
Sự bài tiết axit dạ dày như sau: Mùi, vị thức ăn kích thích các tế bào G giải phóng gastrin ở hang vị dạ dày (1⁄3 dưới dạ dày). Bên cạnh đó, sự xuất hiện của protein trong dạ dày cũng kích thích sản sinh thêm gastrin. Quá trình lưu thông của gastrin kích hoạt sự giải phóng histamin từ các tế bào tại thân vị dạ dày. Histamin kích thích các tế bào thành dạ dày qua thụ thể H2. Các tế bào thành dạ dày tiết ra axit, làm giảm pH, khiến các tế bào D vùng hang vị dạ dày giải phóng ra somatostatin, từ đó ức chế quá trình giải phóng gastrin.
Ngay từ khi chúng ta chào đời, dạ dày đã bắt đầu tiết axit. Khi bước sang tuổi lên 2, dạ dày sẽ tiết ra đủ lượng axit tương đương với người trưởng thành. Ở bệnh nhân mắc viêm dạ dày mạn tính, quá trình sản xuất axit có thể bị suy giảm. Tuy nhiên, dù vậy thì dạ dày vẫn bài tiết axit trong suốt cuộc đời.
2. Cơ chế bảo vệ niêm mạc dạ dày
Thông thường, niêm mạc dạ dày được bảo vệ bởi một số cơ chế riêng biệt là:
- Sản xuất dịch nhầy của niêm mạc và HCO3 tạo sự chênh lệch pH từ lòng dạ dày (độ pH thấp) đến niêm mạc (độ pH trung tính). Chất nhầy đóng vai trò rào cản đối với quá trình khuếch tán axit và pepsin;
- Tế bào biểu mô có thể loại bỏ các ion hydro dư thừa (H+) thông qua các hệ thống vận chuyển màng và có các nút kín giúp ngăn ngừa tình trạng khuếch tán ngược của ion H+. Máu tuần hoàn qua niêm mạc sẽ loại bỏ lượng axit dạ dày dư thừa khuếch tán qua lớp biểu mô;
- Một số yếu tố tăng trưởng (yếu tố tăng trưởng biểu mô hoặc yếu tố tăng trưởng giống insulin) và prostaglandin giúp phục hồi niêm mạc và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
3. Những nhân tố có thể ảnh hưởng xấu tới dạ dày
Các yếu tố chống lại cơ thể bảo vệ niêm mạc dạ dày, dễ gây bệnh ở dạ dày là:
- Ăn uống không đúng giờ: Dạ dày sẽ bài tiết axit và enzyme tiêu hóa trong những thời điểm cố định. Khi axit dạ dày và enzyme trong dịch vị không có thức ăn trung hòa thì chúng sẽ tự tiêu hóa niêm mạc dạ dày, dễ gây các bệnh ở dạ dày;
- Ăn tối quá no: Việc ăn tối quá nhiều hoặc ăn đêm sẽ khiến hệ tiêu hóa dễ suy yếu vì đường ruột phải làm việc quá tải, dịch vị dạ dày tiết ra quá nhiều gây ăn mòn niêm mạc dạ dày. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới viêm, loét dạ dày;
- Ăn quá nhanh: Thói quen ăn quá nhanh khiến thức ăn không được nghiền nát kỹ ở khoang miệng, trực tiếp chuyển xuống dạ dày khi ở dạng thô để tiêu hóa tiếp, làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng cho dạ dày và giảm nhu động dạ dày. Vì vậy, mỗi người nên tạo cho mình thói quen ăn chậm, nhai kỹ để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn;
- Ăn uống không vệ sinh: Khi ăn uống không vệ sinh, bạn dễ mắc các bệnh về đường ruột như viêm dạ dày cấp tính, buồn nôn, đầy bụng, đau dạ dày,... Đặc biệt, vào mùa nóng, các vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng sẽ khiến thực phẩm dễ biến chất. Nếu ăn phải thực phẩm có vi khuẩn Helicobacter Pylori thì bệnh nhân có thể mắc phải nhiều căn bệnh dạ dày mãn tính;
- Bị lạnh: Dạ dày là cơ quan rất mẫn cảm với thời tiết. Khi cơ thể bị lạnh, dạ dày sẽ co thắt và gây ra các triệu chứng đau dạ dày, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy,...;
- Tinh thần căng thẳng: Một số bệnh dạ dày có liên quan trực tiếp với tâm trạng. Sự căng thẳng, tức giận hoặc phiền não đều có tác động tới chức năng tiêu hóa, bài tiết axit dạ dày. Do đó, người bị trầm cảm, hay lo lắng hoặc bị tổn thương tinh thần dễ mắc viêm loét dạ dày;
- Mệt mỏi quá sức: Làm việc quá tải làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, làm suy yếu chức năng phòng ngự của niêm mạc dạ dày, dễ khiến dạ dày mất cân bằng chức năng bài tiết axit, gây dư thừa axit, bào mòn niêm mạc dạ dày;
- Uống nhiều rượu bia: Thói quen uống nhiều rượu có thể gây hại cho gan, khiến da mất nước, tổn thương các tế bào não và gây hại cho niêm mạc dạ dày. Rượu gây viêm, loét hoặc xuất huyết dạ dày;
- Nghiện thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá thúc đẩy quá trình co thắt mạch máu, giảm cung cấp máu cho niêm mạc dạ dày; ức chế sự tổng hợp Prostaglandin bảo vệ dạ dày; dễ gây chảy mật ngược trong dạ dày; thúc đẩy bài tiết axit và pepsin ăn mòn niêm mạc dạ dày;
- Lạm dụng thuốc: Có nhiều loại thuốc có thể gây hại cho niêm mạc dạ dày như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc nội tiết có chứa corticosteroid,... Do đó, khi sử dụng các thuốc này, bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và nên uống sau ăn (hoặc uống cùng các chất có tác dụng bảo vệ dạ dày).
Sự bài tiết axit trong dạ dày là một quá trình làm việc chặt chẽ, hỗ trợ chức năng tiêu hóa của dạ dày. Để đảm bảo dạ dày làm việc tốt, mỗi người cần chú ý tới việc ăn uống đúng giờ, không ăn quá no, giữ tâm trạng thoải mái và không sử dụng các chất kích thích gây hại cho cơ quan tiêu hóa này.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.