Việc lựa chọn giữa đặt stent và phẫu thuật bắc cầu trong điều trị bệnh động mạch vành sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Lựa chọn này sẽ được xem xét dựa trên các chi tiết cụ thể về tình trạng bệnh lý tim mạch và quá trình quản lý bệnh của bệnh nhân.
1. Tái thông mạch máu là gì?
Tái thông mạch máu là một thủ thuật phục hồi lưu lượng máu bằng cách loại bỏ tắc nghẽn khỏi động mạch hoặc tạo ra đường lưu thông máu mới. Điều này có thể được thực hiện bằng thủ thuật nong mạch vành (bao gồm đặt stent) hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG).
- Đặt stent: Thủ thuật nong mạch đươc thực hiện bằng cách luồn ống thông nhỏ vào động mạch vành thông qua một vết kim nhỏ. Vết kim thường được thực hiện ở vùng bẹn hoặc cổ tay. Thủ thuật này sẽ mở thông mạch máu bị hẹp. Đôi khi một giá đỡ động mạch (gọi là stent) nhỏ, hình ống, được đặt vĩnh viễn để giữ cho lòng động mạch luôn thông thoáng. Stent phủ thuốc giúp ngăn ngừa cục máu đông và có hiệu quả kéo dài hơn so với stent thông thường. Nong mạch vành được coi là phương pháp ít xâm lấn vì được thực hiện chỉ bằng những vết kim nhỏ.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) được coi là một cuộc phẫu thuật lớn. Bác sĩ sẽ tiếp cận tim bệnh nhân thông qua một vết mổ ở ngực. Trong phẫu thuật này, bác sĩ cắt bỏ những đoạn bị bệnh của động mạch và khâu các đầu lại với nhau. Đôi khi, một phần động mạch vành được thay thế bằng một đoạn ngắn của các động mạch khác. Ví dụ, một động mạch từ chân của bạn có thể được sử dụng, phần này gọi là Cầu nối.
Đối với điều trị bệnh động mạch vành mạn, cả hai phương pháp đặt stent và phẫu thuật bắc cầu đều có thể giúp giảm đáng kể các triệu chứng.
2. Đặt stent và phẫu thuật bắc cầu: Phương pháp nào hiệu quả hơn?
2.1. Những yếu tố để quyết định phương pháp điều trị bệnh động mạch vành
Nhiều yếu tố sẽ quyết định phương pháp nào an toàn hơn hoặc hiệu quả hơn cho bệnh nhân. Cả hai biện pháp can thiệp đều có thể gây ra các biến chứng như:
- Nhồi máu cơ tim
- Rối loạn nhịp tim (nhịp tim không đều)
- Đột quỵ
Nếu được chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc nhiều yếu tố để đưa ra quyết định phương pháp nào là phù hợp. Các yếu tố được cân nhắc:
- Mức độ nghiêm trọng bệnh động mạch vành
- Có bao nhiêu vị trí cần sửa chữa
- Đã được điều trị nội khoa bằng thuốc hay chưa
- Tiền sử bệnh hoặc đang điều trị các bệnh khác như tiểu đường, rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim cũ.
2.2. So sánh giữa đặt stent và phẫu thuật bắc cầu
2.2.1. Đặt stent
Ưu điểm
- Xâm lấn tối thiểu
- Thời gian phục hồi nhanh
- Ưu tiên cho những trường hợp khẩn cấp: Nhồi máu cơ tim cấp có đoạn ST chênh lên (STEMI)
- Nhiều sự lựa chọn trong điều trị: Stent có nhiều kích cỡ, hình dạng và vật liệu khác nhau.
Nhược điểm
- Không phù hợp với các trường hợp bệnh động mạch vành phức tạp: Khi có nhiều động mạch vành bị tắc/hẹp hoặc vôi hóa nặng, việc đặt stent có thể không đủ hiệu quả.
- Rủi ro của thủ thuật (tỷ lệ thấp) như chảy máu nghiêm trọng, cần phải chuyển sang phẫu thuật mở trong một số trường hợp.
- Tái hẹp/tắc nghẽn trong stent: Mặc dù ít xảy ra hơn với stent phủ thuốc, nhưng vẫn có khả năng tái tắc nghẽn.
2.2.2. Phẫu thuật bắc cầu
Ưu điểm
- Hiệu quả trong các trường hợp bệnh động mạch vành nặng: như bệnh 3 nhánh động mạch vành, động mạch bị xoắn vặn nhiềuhoặc khi động mạch chính bên trái (LMCA) bị ảnh hưởng
- CABG cũng mang đến kết quả tốt hơn cho các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường
- CABG thường được xem là một giải pháp điều trị triệt để hơn.
Nhược điểm
- Thời gian phục hồi dài và rủi ro cao: Do tính chất xâm lấn nhiều, phẫu thuật đòi hỏi thời gian phục hồi lâu hơn và mang rủi ro cao hơn.
- Là phương pháp điều trị xâm lấn: Đòi hỏi phẫu thuật hở, điều này có thể không phù hợp với những bệnh nhân có tình trạng sức khỏe yếu.
2.3. Lựa chọn phương pháp điều trị
Lựa chọn giữa đặt stent và phẫu thuật bắc cầu phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh động mạch vành, số lượng và vị trí của các động mạch bị ảnh hưởng và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Một quyết định được đưa ra dựa trên đánh giá tổng thể của bác sĩ, bao gồm cả việc thảo luận với bệnh nhân về các ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp.
Mặc dù cả hai phương pháp đều có thể cung cấp lợi ích đáng kể trong việc giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, việc lựa chọn phương pháp phù hợp cần được xác định dựa trên từng trường hợp cụ thể. Một sự hiểu biết rõ về cả hai phương pháp này sẽ giúp bác sĩ và bệnh nhân đưa ra quyết định tốt nhất trong quản lý bệnh động mạch vành.