Sốt phát ban khác sốt xuất huyết như thế nào?

Sốt phát ban và sốt xuất huyết đều có triệu chứng điển hình ban đầu là sốt cao nhưng hai căn bệnh này hoàn toàn khác nhau. Để phân biệt sốt phát ban khác sốt xuất huyết như thế nào, chúng ta có thể dùng tay căng vùng da tại nốt phát ban hoặc thực hiện xét nghiệm chẩn đoán.

1. Sốt phát ban là gì?

Sốt phát ban là bệnh lý đặc trưng bởi dấu hiệu sốt và nổi ban đỏ, do nhiều loại virus gây ra. Tuy nhiên, có 2 nguyên nhân thường gặp nhất gây ra sốt phát ban là virus sởi và virus gây bệnh rubella. Bệnh sốt phát ban thường gặp ở trẻ nhỏ, chủ yếu lây lan qua con đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi họng của người bệnh khi ho hoặc hắt hơi.

Sau khoảng thời gian ủ bệnh (thường trong 7 ngày), trẻ bắt đầu xuất hiện những biểu hiện đặc trưng:

  • Sốt: Những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao (từ 38 - 40oC), thường sốt theo từng cơn;
  • Nổi ban đỏ: hay xuất hiện trong vòng 12 - 24 giờ sau sốt. Nổi ban hay hồng ban với mức độ như thế nào tùy theo đặc điểm của virus gây bệnh và thể trạng của từng bé. Một đặc điểm có thể phân biệt sốt phát ban với các loại sốt khác, đó là ban trong sốt phát ban sẽ biến mất gần như lập tức nếu thực hiện căng da tại vùng nổi ban. Dấu hiệu phát ban xuất hiện trong khoảng 3 đến 5 ngày rồi lặn hẳn.
  • Một số biểu hiện kèm theo: Chảy nước mũi, hắt hơi, mệt mỏi, uể oải, đỏ mắt, trẻ chán ăn, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Ngoài ra, một số bệnh nhi có thể kèm theo triệu chứng đau họng, sưng hạch cổ.

Hầu hết các trẻ bị sốt phát ban từ ngày thứ 4 trở đi sẽ giảm sốt dần, ăn uống được. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sốt phát ban có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe trẻ. Đặc biệt, bệnh càng trở nên nguy hiểm đối với các trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, trẻ dưới 12 tháng tuổi, thể trạng suy nhược. Một số biến chứng thường gặp do sốt phát ban như: Viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm loét giác mạc (nguy cơ gây mù vĩnh viễn), suy dinh dưỡng nặng hậu nhiễm sởi.


Biểu hiện đặc trưng của sốt phát ban là sốt theo từng cơn
Biểu hiện đặc trưng của sốt phát ban là sốt theo từng cơn

2. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh lý nhiễm trùng cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền qua trung gian muỗi vằn, hút máu người mắc bệnh rồi truyền sang cho người lành. Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, thời tiết thất thường (có tính chất lan truyền nhanh, nhiều người mắc cùng lúc, trong cùng một khu vực). Sốt xuất huyết diễn biến khá thất thường và dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác. Bệnh nhân nếu không được phát hiện và chẩn đoán sớm thì việc điều trị tương đối khó khăn, thậm chí có nguy cơ tử vong. Hiện nay cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc-xin chủng ngừa sốt xuất huyết.

Biểu hiện chính của bệnh là sốt và xuất huyết:

  • Sốt: Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột từ 39 - 40oC, liên tục trong 2 - 7 ngày. Biểu hiện sốt không thuyên giảm khi dùng thuốc hạ sốt.
  • Xuất huyết: Khi sốt bắt đầu giảm thì bệnh nhân chuyển sang biểu hiện phát ban xuất huyết. Các nốt ban dạng chấm đỏ hoặc bầm máu ở da, có khi xuất huyết ở các vùng niêm mạc, như chảy máu chân răng, chảy máu cam, mắt đỏ, kèm theo đau bụng, nôn ói.

Có khoảng 30% số ca mắc sốt xuất huyết trở nặng vào ngày thứ 3 - 7 sau khi khởi phát bệnh. Lưu ý những trường hợp bệnh nhi béo phì hoặc dưới 12 tháng tuổi, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ gây ra biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.


Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột từ 39 - 40oC, liên tục trong 2 - 7 ngày
Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao đột ngột từ 39 - 40oC, liên tục trong 2 - 7 ngày

3. Sốt phát ban khác sốt xuất huyết như thế nào?

Cách đơn giản nhất để phụ huynh phân biệt sốt phát ban khác sốt xuất huyết như thế nào là dùng ngón tay cái và ngón trỏ để căng vùng da tại nốt phát ban (vị trí nổi ban đỏ) hoặc căng vùng da bị xung huyết. Sau khi căng da ra, nếu chấm đỏ mất đi, buông ra thì màu đỏ hồi phục ngay cho thấy đây là ban của sốt phát ban. Ngược lại, nếu vẫn thấy chấm đỏ li ti không lặn đi sau khi căng da thì đó là phát ban do sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, để có thể phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết chính xác nhất, cũng như tránh những nguy cơ do nhầm lẫn về bệnh lý, giải pháp tốt nhất cho các bậc phụ huynh là đưa bệnh nhi đến cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời ngay khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường đầu tiên. Điều này sẽ đảm bảo chẩn đoán đúng bệnh, điều trị chính xác nhất và giúp trẻ mau chóng hồi phục, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe