Bài viết được viết bởi TS.BS Phùng Tuyết Lan - Trưởng đơn nguyên Nội trú Nhi 3, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Sốt là một phản ứng sinh học bình thường của cơ thể trước nhiều yếu tố trong đó hay gặp nhất là nhiễm trùng. Sốt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên do kết quả điểm đặt nhiệt của cơ thể được điều chỉnh lại cao hơn so với nhiệt độ bình thường.
1. Cách đo nhiệt độ cho trẻ khi bị sốt
Tất cả các trẻ đều có thể bị sốt bất kỳ lúc nào. Lo lắng của bố mẹ là làm sao có thể biết khi nào cần đưa trẻ đi khám.
Thân nhiệt của cơ thể có thể thay đổi tùy theo nhiều yếu tố: tuổi, nhịp sinh học, tình trạng cơ thể (mang thai) và vị trí đo nhiệt độ (miệng, nách, tai, trán, hậu môn). Nhìn chung sốt là khi nhiệt độ từ 38 độ C (100.4 độ F) hoặc cao hơn. Đo nhiệt độ cho trẻ ở nách, tai hoặc trán thuận tiện hơn nhưng kém chính xác hơn nhiệt độ đo ở nách hoặc hậu môn.
Nhiễm trùng là nguyên nhân gây sốt hay gặp nhất, có thể là virus hay vi khuẩn. Các bệnh lý thông thường hay gặp có biểu hiện sốt ở trẻ bao gồm: cảm cúm, viêm đường tiêu hóa, nhiễm trùng tai mũi họng, viêm thanh quản, viêm tiểu phế quản, nhiễm trùng tiết niệu. Có rất ít bằng chứng khoa học ủng hộ quan điểm sốt do mọc răng, nếu nhiệt độ của trẻ trên 38.9 độ thì cần phải nghĩ đến các nguyên nhân khác. Mặc nhiều quần áo, quấn chăn cho trẻ dưới 3 tháng cũng có thể làm tăng nhiệt độ nhưng nếu nhiệt độ hậu môn trên 38.5 độ C (101 độ F) thì cần phải đi tìm nguyên nhân. Một số vacxin khi tiêm phòng cũng có thể gây sốt cho trẻ.
Phương pháp đo thân nhiệt tốt ở trẻ phụ thuộc vào một số yếu tố. Đo nhiệt độ ở hậu môn là chuẩn xác nhất. Đo nhiệt độ ở miệng cũng là một phương pháp chuẩn ở trẻ lớn trên 4 hoặc 5 tuổi. Đo nhiệt độ ở nách, tai hay trán kém chính xác hơn nhưng là các phương pháp ban đầu đánh giá nhiệt độ, nếu cao hơn 37.2 độ C cần tiếp theo thực hiện đo nhiệt độ tại hậu môn hay miệng tùy theo từng trường hợp.
Có những quan điểm ủng hộ và không ủng hộ điều trị sốt. Một mặt, sốt có vai trò nhất định trong việc chống lại nhiễm trùng, mặt khác nó cũng gây cho trẻ khó chịu. Mức độ sốt không phải luôn là chỉ số tốt để quyết định điều trị hay làm xét nghiệm cho trẻ, quan trọng hơn là quan sát biểu hiện cũng như đánh giá tình trạng của trẻ. Sốt có thể kèm theo một số các dấu hiệu khác trong đó có những dấu hiệu cảnh báo cần phải đưa trẻ nhập viện ngay như: li bì hoặc kích thích, không uống được hay bỏ bú, nôn trớ nhiều, co giật, đau đầu, thóp phồng, khó thở, tím tái môi và đầu chi...
Trong đa số các trường hợp trẻ bị sốt có thể theo dõi và/hoặc điều trị tại nhà. Tuy nhiên điều quan trọng là cha mẹ có thể theo dõi sát trẻ và biết khi nào cần điều trị sốt cũng như cần đưa trẻ đi khám.
2. Trường hợp trẻ bị sốt cần đưa đi khám
- Trẻ <3 tháng có nhiệt độ đo ở hậu môn 38 độ C (100.4 độ F) hoặc cao hơn, bất kể biểu hiện toàn thân thế nào, không cho trẻ dùng hạ sốt trước khi được khám bác sĩ
- Trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi có nhiệt độ đo ở hậu môn 38 độ C hoặc cao hơn kéo dài trên 3 ngày, hoặc có các biểu hiện như bỏ ăn, quấy khóc, mệt mỏi
- Trẻ từ 3 tháng đến 3 tuổi có nhiệt độ đo ở hậu môn 38.9 độ C hoặc cao hơn
- Tất cả các trẻ có nhiệt độ cặp ở bất cứ vị trí nào là 40 độ C hoặc cao hơn, hoặc nhiệt độ cặp ở nách là 39.4 độ C hoặc cao hơn
- Tất cả các trẻ có co giật khi sốt
- Tất cả các trẻ bị sốt lại sau 7 ngày, kể cả khi sốt chỉ kéo dài ít giờ
- Tất cả các trẻ bị sốt và có phát ban
- Tất cả các trẻ bị sốt và có các bệnh lý kèm theo như: bệnh lý tim mạch, ung thư, lupus, thiếu máu hồng cầu hình liềm
Các trường hợp khuyến cáo điều trị sốt bằng thuốc hạ sốt: điều trị sốt được khuyến cáo ở trẻ có các bệnh lý kèm theo như tim mạch, phổi, não, hệ thần kinh. Các trẻ có tiền sử co giật do sốt có thể điều trị hạ sốt mặc dù không có nhiều bằng chứng cho thấy sử dụng hạ sốt có thể phòng co giật. Điều trị hạ sốt có thể có ích khi trẻ có biểu hiện khó chịu.
Các trường hợp không cần điều trị hạ sốt: trong nhiều trường hợp không cần điều trị hạ sốt cho trẻ. Trẻ trên 3 tháng có nhiệt độ đo hậu môn 38.9 hoặc thấp hơn và biểu hiện như bình thường không cần phải dùng hạ sốt.
Nếu cha mẹ không chắc chắn về việc có cần cho trẻ dùng hạ sốt hay không cần tư vấn nhân viên y tế.
Điều trị sốt có thể sử dụng các loại thuốc như paracetamol hay ibuprofen. Phương pháp này có thể làm giảm sự khó chịu của trẻ và giảm bớt nhiệt độ từ 1-1.5 độ C. Paracetamol có thể sử dụng mỗi 4 đến 6 giờ, liều tính theo cân nặng, trẻ dưới 3 tháng cần theo chỉ định của bác sĩ. Ibuprofen sử dụng mỗi 6 gờ, liều tính theo cân nặng, trẻ dưới 6 tháng cần theo chỉ định của bác sĩ. Không khuyến cáo điều trị phối hợp hai loại thuốc một cách thường quy vì có thể cho nhầm liều. Thuốc hạ sốt chỉ cho khi cần và ngừng khi đỡ sốt hoặc trẻ không còn khó chịu. Cần tăng cường cho trẻ uống nước, ăn thức ăn lỏng và nghỉ ngơi. Lau chườm không hiệu quả bằng sử dụng thuốc và có thể làm cho trẻ thêm khó chịu nên không được khuyến cáo.
Sốt là sự tăng bất thường nhiệt độ cơ thể, là phản ứng đặc hiệu trước các tác nhân trong đó hay gặp nhất là nhiễm trùng, được điều hòa và kiểm soát bởi hệ thống thần kinh trung ương. Mục tiêu chính của việc điều trị cho trẻ bị sốt là để cải thiện sự thoải mái của trẻ hơn là tập trung vào việc đưa nhiệt độ cơ thể trở về bình thường. Đa số các trường hợp trẻ bị sốt có thể theo dõi và/hoặc điều trị tại nhà. Cha mẹ cần theo dõi sát toàn trạng của trẻ để phát hiện các dấu hiệu nguy cơ và đưa trẻ đi khám.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
XEM THÊM:
- Phân loại và cách sử dụng thuốc hạ sốt trẻ em
- Cách đo thân nhiệt khi trẻ bị sốt
- Trẻ sốt đến đâu mới phải uống thuốc hạ sốt?