Thuốc Fosphenytoin có thành phần chính là Fosphenytoin, đây là một loại thuốc chống co giật dẫn xuất hydantoin. Thuốc được bào chế dưới dạng thuốc tiêm với các loại hàm lượng khác nhau đó là 50mg/ml; 75 mg/ ml.
1. Công dụng thuốc Fosphenytoin
Fosphenytoin là tiền chất của phenytoin, tác dụng dược lý của thuốc là do phenytoin. Cơ chế hoạt động của thuốc có thể là do sự phong tỏa phụ thuộc vào điện áp của các kênh natri màng, dẫn đến làm giảm phóng điện thần kinh tần số cao liên tục. Thuốc Fosphenytoin có thể gây hạ huyết áp sau khi tiêm tĩnh mạch.
Thuốc Fosphenytoin dược chỉ định trong các trường hợp sau:
- Động kinh.
- Phòng ngừa và điều trị các cơn co giật xảy ra khi phẫu thuật thần kinh hoặc do chấn thương đầu.
- Sử dụng thay thế tạm thời cho phenytoin đường uống.
Thuốc Fosphenytoin chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người có tiền sử quá mẫn với fosphenytoin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Fosphenytoin, quá mẫn với phenytoin hoặc các hydantoin khác.
- Chậm nhịp xoang.
- Block nhĩ thất độ hai, độ ba.
- Hội chứng Adams - Stokes.
- Tiền sử bị nhiễm độc gan cấp tính với fosphenytoin hoặc phenytoin.
- Sử dụng đồng thời với delavirdine.
- Bệnh lý chuyển hóa porphyrin cấp tính.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Fosphenytoin:
- Thuốc Fosphenytoin có thể gây hại cho thai nhi nếu sử dụng trong thời kỳ mang thai. Trường hợp phải sử dụng thuốc Fosphenytoin cho phụ nữ mang thai, cần theo dõi nồng độ phenytoin trong huyết thanh và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.
- Hiện tại, không biết liệu fosphenytoin có đi vào sữa mẹ hay không; tuy nhiên, phenytoin có đi vào sữa. Cần cân nhắc những lợi ích đã biết của việc cho con bú sữa mẹ cùng với nhu cầu lâm sàng của phụ nữ đối với thuốc fosphenytoin và bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào đối với trẻ bú sữa mẹ có dùng thuốc hoặc tình trạng cơ bản của bà mẹ.
2. Liều lượng và cách dùng thuốc Fosphenytoin
Thuốc Fosphenytoin được sử dụng bằng đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch, liều thuốc được tính theo lượng natri phenytoin (PE) với tỉ lệ 1.5mg fosphenytoin natri sẽ tương đương với 1mg phenytoin natri và được gọi là 1mg PE. Liều thuốc Fosphenytoin cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Liều thuốc Fosphenytoin cho người lớn trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Điều trị chứng động kinh:
- Liều khởi đầu: 20mg PE/ kg truyền tĩnh mạch với tốc độ 100 - 150mg PE/ phút.
- Liều duy trì là 4 - 6mg PE/ kg mỗi ngày chia làm 1 - 2 lần, truyền tĩnh mạch với tốc độ 50 - 100mg PE/ phút, tối đa 150mg PE/ phút. Liều thuốc được điều chỉnh theo phản ứng của bệnh nhân và nồng độ đáy phenytoin trong huyết tương.
- Phòng ngừa và điều trị các cơn co giật trong quá trình phẫu thuật thần kinh hoặc do chấn thương đầu:
- Liều khởi đầu: 10 - 20mg PE/ kg, truyền tĩnh mạch (với tốc độ 50 - 100mg PE/ phút, tối đa 150mg PE/ phút) hoặc tiêm bắp.
- Liều duy trì là 4 - 6mg PE/ kg mỗi ngày chia 1 - 2 lần truyền tĩnh mạch với tốc độ 50 - 100mg PE/ phút, tối đa 150mg PE/ phút. Liều thuốc Fosphenytoin được điều chỉnh theo phản ứng của bệnh nhân và nồng độ đáy phenytoin trong huyết tương.
- Thay thế tạm thời cho phenytoin đường uống: Sử dụng thuốc Fosphenytoin để tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch với cùng liều lượng và cùng tần suất dùng thuốc như liệu pháp phenytoin đường uống.
Liều lượng thuốc Fosphenytoin cho trẻ em trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Điều trị chứng động kinh:
- Liều khởi đầu: 15 - 20mg PE/ kg, truyền tĩnh mạch với tốc độ 2 mg PE/ kg/ phút hoặc 150mg PE/ phút, tùy theo cách tính nào chậm hơn.
- Liều duy trì là 2 - 4mg PE/ kg mỗi 12 giờ, truyền tĩnh mạch với tốc độ 1 - 2mg PE/ kg mỗi phút (hoặc 100mg PE/ phút, tùy theo cách tính nào chậm hơn). Bắt đầu dùng liều duy trì 12 giờ sau liều khởi đầu.
- Phòng ngừa và điều trị các cơn co giật trong quá trình phẫu thuật thần kinh hoặc do chấn thương đầu:
- Liều khởi đầu là 10 - 15mg PE/ kg, truyền tĩnh mạch với tốc độ 1 - 2mg PE/ kg/ phút (hoặc 150mg PE/ phút, tùy theo cách tính nào chậm hơn).
- Liều duy trì là 2 - 4mg PE/ kg mỗi 12 giờ, truyền tĩnh mạch với tốc độ 1 - 2mg PE/ kg/ phút (hoặc 100 mg PE/ phút, tùy theo cách tính nào chậm hơn); bắt đầu dùng liều duy trì 12 giờ sau liều khởi đầu.
- Thay thế tạm thời cho thuốc phenytoin đường uống: Sử dụng liều thuốc tương đương với liều thuốc uống.
Đối với người cao tuổi nên cân nhắc giảm 10 - 25% liều thuốc Fosphenytoin hoặc giảm tốc độ truyền.
Các triệu chứng có thể gặp phải khi dùng quá liều thuốc fosphenytoin natri bao gồm: Buồn nôn, nôn, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, không tâm thu, ngừng tim, hôn mê, hạ huyết áp, ngất, hạ calci huyết, nhiễm toan chuyển hóa và tử vong.
Không có thuốc giải độc cho quá liều thuốc fosphenytoin natri hoặc phenytoin. Cần đánh giá chức năng tuần hoàn và hô hấp, đồng thời sử dụng các biện pháp hỗ trợ thích hợp. Thẩm phân máu có thể được xem xét áp dụng vì phenytoin không liên kết hoàn toàn với protein huyết tương. Truyền máu toàn phần đã được áp dụng trong điều trị nhiễm độc nặng ở trẻ em. Trong trường hợp quá liều cấp tính, cần lưu ý đến khả năng do sử dụng các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác gây ra, bao gồm cả rượu.
Nếu bạn quên liều thuốc Fosphenytoin cần gọi cho bác sĩ để được hướng dẫn cách xử lý phù hợp.
3. Tác dụng phụ của thuốc Fosphenytoin
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Fosphenytoin gồm có:
- Suy nhược cơ thể.
- Ớn lạnh.
- Chóng mặt.
- Buồn ngủ.
- Khô miệng.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Tâm trạng hưng phấn.
- Đau đầu.
- Huyết áp thấp.
- Rối loạn chuyển động.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Rung giật nhãn cầu.
- Cảm giác bất thường.
- Phản ứng da.
- Sững sờ.
- Thay đổi vị giác.
- Ù tai.
- Giãn mạch.
- Rối loạn thị giác.
Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Fosphenytoin gồm có:
- Tim ngừng đập.
- Hoang mang.
- Khiếm thính.
- Yếu cơ.
- Hồi hộp.
- Các rối loạn ở miệng.
- Phản xạ bất thường.
- Phản ứng bất lợi nghiêm trọng trên da.
- Lupus ban đỏ hệ thống.
- Suy nghĩ bất thường.
Tác dụng phụ không xác định tần suất của thuốc Fosphenytoin gồm có:
- Rối loạn tâm thần cấp tính.
- Mất bạch cầu hạt.
- Rối loạn thèm ăn.
- Giảm dẫn truyền tâm nhĩ.
- Block nhĩ thất.
- Rối loạn xương.
- Gãy xương.
- Rối loạn tủy xương.
- Nhịp tim chậm.
- Độc tính trên tim.
- Suy mạch máu não.
- Trụy tuần hoàn (thường gặp tình trạng này hơn nếu tiêm quá nhanh).
- Táo bón.
- Mê sảng.
- Giảm bạch cầu hạt.
- Ngứa ran ở bẹn.
- Các rối loạn về gan.
- Tăng đường huyết.
- Quá mẫn cảm.
- Mất ngủ.
- Nổi hạch.
- Viêm đa khớp.
- Rối loạn hô hấp.
- Viêm đa dây thần kinh ngoại biên.
- Giảm tiểu cầu.
- Cơn co giật.
- Rung thất (phổ biến hơn nếu tiêm quá nhanh).
Nếu bạn thấy xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào khi sử dụng thuốc Fosphenytoin cần báo ngay cho bác sĩ biết để xử lý kịp thời.
4. Tương tác của thuốc Fosphenytoin với các thuốc khác
- Các loại thuốc có thể làm tăng nồng độ phenytoin trong huyết thanh khi sử dụng cùng Fosphenytoin, gồm có: Thuốc chống động kinh (felbamate, ethosuximide, oxcarbazepine, methsuximide, topiramate), thuốc chống ung thư (capecitabine, fluorouracil), kháng nấm azol, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm axit dạ dày (omeprazole, cimetidine), sulfonamid, lạm dụng rượu cấp tính và các thuốc khác như là amiodarone, chloramphenicol, disulfiram, estrogen, fluvastatin, isoniazid, chlordiazepoxide, methylphenidate, phenothiazin, ticlopidine, tolbutamide, salicylat, trazodone, warfarin.
- Các loại thuốc có thể làm giảm nồng độ phenytoin trong huyết thanh khi sử dụng cùng thuốc Fosphenytoin, gồm có: Thuốc chống ung thư (bleomycin, cisplatin, doxorubicin, carboplatin, methotrexate), thuốc chống động kinh (carbamazepine, vigabatrin), thuốc kháng virus, lạm dụng rượu mãn tính, diazepam, axit folic, Reserpine, diazoxide, rifampin, St. John's wort, theophylline.
- Các loại thuốc có thể làm tăng hoặc giảm nồng độ phenytoin trong huyết thanh khi sử dụng cùng Fosphenytoin, gồm có: Phenobarbital, axit valproic, valproat natri.
- Thuốc Fosphenytoin làm giảm hiệu quả của các loại thuốc sau: Fluconazole, trinotecan, ketoconazole, posaconazole, itraconazole, voriconazole, paclitaxel, teniposide, các chất ngăn chặn thần kinh cơ, delavirdine, warfarin...
- Thuốc Fosphenytoin làm giảm nồng độ của các loại thuốc sau: Carbamazepine, felbamate, topiramate, lamotrigine, oxcarbazepine, fluvastatin, simvastatin, efavirenz, atorvastatin, lopinavir/ritonavir, indinavir, ritonavir, saquinavir, nifedipine, nelfinavir, nimodipine, verapamil, albendazole, nisoldipine, chlorpropamide, cyclosporine, digoxin, clozapine, disopyramide, axit folic, methadone, praziquantel, mexiletine, quetiapine.