Sỏi cholesterol trong túi mật

Ở Việt Nam, tỷ lệ chẩn đoán sỏi túi mật chiếm khoảng 1/3 các trường hợp sỏi mật nói chung. Trong đó, 10% số người bị sỏi túi mật nói chung là dạng sỏi cholesterol và phần lớn được phát hiện quá muộn dẫn tới nguy cơ phải cắt bỏ túi mật.

1. Sỏi cholesterol trong túi mật là gì?

Túi mật bình thường là một túi nhỏ đóng vai trò cô đặc và dự trữ dịch mật từ gan tiết ra qua ống túi mật, khi có sự hiện diện của chất béo trong thức ăn thì phản ứng hormon sẽ gây co thắt túi mật làm mật được đổ vào ruột. Sỏi cholesterol trong túi mật là loại sỏi phổ biến được hình thành vì sự không tan của cholesterol với dịch mật do cơ chế bão hòa. Tính chất của sỏi thường có màu vàng đến vàng đậm, mỗi viên có thể lớn tới hàng centimet gây lấp đầy túi mật, rất hiếm khi có trường hợp chỉ có 1 viên sỏi cholesterol riêng rẽ.

Có 2 loại sỏi cholesterol chính gồm:

  • Sỏi nguyên chất: là loại sỏi cholesterol rất cứng, kích thước lớn, thường hình cầu và có cấu trúc tinh thể màu vàng
  • Sỏi hỗn hợp: là loại sỏi gồm cholesterol kết hợp cùng với muối bilirubin và canxi, sỏi có kích thước nhỏ hơn nhưng số lượng rất nhiều.

2. Cơ chế hình thành sỏi cholesterol

Cholesterol là một trong những sản phẩm của quá trình chuyển hóa chất béo trong gan, được gan tiết vào dịch mật nhằm loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể. Để vận chuyển được chất này thì cholesterol phải được hòa tan trong dịch mật. Tuy nhiên vì bản chất là chất béo nên cholesterol cần thêm acid mật và lecithin nhằm hòa tan được trong dịch mật. Do đó nếu số lượng cholesterol quá nhiều không tương xứng với acid mật và lecithin thì cholesterol không tan sẽ tồn đọng lại trong túi mật và kết dính với nhau dần tạo thành sỏi.

Bên cạnh đó, các chất nhầy được tiết ra nhằm cô đặc dịch mật cũng có thể kết hợp với cholesterol, canxi tạo ra bùn mật- tiền thân của sỏi mật. Ngoài việc tăng quá mức của cholesterol thì sự suy giảm khả năng co bóp của túi mật cũng thúc đẩy sự hình thành cholesterol. Lúc này, dịch mật sẽ đọng lại lâu hơn bình thường vào tạo đủ thời gian cho cholesterol kết tụ với nhau. Nhờ vào cơ chế hình thành này mà việc giải quyết sỏi mật bằng phương pháp giảm tổng hợp cholesterol ở gan và tăng cường vận động túi mật đang được phát triển sâu rộng.


Sỏi cholesterol trong túi mật là loại sỏi phổ biến được hình thành vì sự không tan của cholesterol
Sỏi cholesterol trong túi mật là loại sỏi phổ biến được hình thành vì sự không tan của cholesterol

3. Các yếu tố nguy cơ của sỏi mật cholesterol

Các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc sỏi mật cholesterol ở người bệnh gồm:

  • Giới nữ;
  • Trên 40 tuổi;
  • Béo phì, thừa cân;
  • Chế độ ăn giàu cholesterol, ít chất xơ;
  • Tiền sử sỏi mật trong gia đình;
  • Đái tháo đường;
  • Dùng thuốc có chứa estrogen, như thuốc tránh thai hoặc thuốc trị liệu bằng hormone.

4. Sỏi mật có biểu hiện như thế nào?

Các trường hợp sỏi túi mật còn nhỏ, số lượng ít thường hiếm khi gây ra các triệu chứng có thể nhận biết được và thường chỉ phát hiện thông qua khám tổng quát hoặc siêu âm gan mật. Tuy nhiên, các trường hợp sỏi lớn gây ra tắc mật hoặc cản trở co bóp túi mật có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Đau đột ngột vùng hạ sườn phải, đau tăng dần kéo dài vài phút đến vài giờ;
  • Đau bụng dữ dội, liên tục có thể là biểu hiện của viêm tụy cấp, một cấp cứu ngoại khoa;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Sốt thường xuất hiện khi bệnh nhân đã có biểu hiện viêm túi mật;
  • Vàng da trong các trường hợp tắc mật.

Các trường hợp sỏi túi mật còn nhỏ, số lượng ít thường hiếm gây ra triệu chứng
Các trường hợp sỏi túi mật còn nhỏ, số lượng ít thường hiếm gây ra triệu chứng

5. Điều trị sỏi cholesterol túi mật

Các trường hợp sỏi túi mật không gây ra triệu chứng thì đa phần không cần phải điều trị. Nếu đã có biểu hiện do sỏi túi mật gây ra thì có thể dùng phương pháp điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa:

Điều trị sỏi cholesterol túi mật bằng phương pháp nội khoa:

  • Một số loại thuốc có thể được dùng để làm tan các loại sỏi mật nhỏ, tui nhiên thời gian kéo dài rất lâu và hiệu quả thấp. Việc làm này chủ yếu để trì hoãn sự phát triển của và gia tăng của sỏi. Thuốc điều trị sỏi mật cũng không được sử dụng phổ biến và thường được chỉ định cho các trường hợp không thể phẫu thuật.

Điều trị sỏi cholesterol túi mật bằng phương pháp ngoại khoa:

  • Phẫu thuật điều trị nhằm cắt bỏ túi mật để tránh sỏi mật tái phát, dịch mật sẽ chảy trực tiếp từ gan xuống ruột non thay vì lưu trữ trong túi mật. Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường dù không có túi mật nhưng nên tiêu thụ ít thức ăn chứa cholesterol hay chất béo;
  • Mổ hở hay mổ nội soi cắt túi mật còn tùy thuộc vào chống chỉ định, tay nghề kỹ thuật viên và trang thiết bị của đơn vị thực hiện.

Các phương pháp khác:

Chế độ ăn cho người bị sỏi cholesterol túi mật:

  • Ăn đúng bữa: việc bỏ bữa hay nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật, để quá đói hoặc ăn quá no cũng đều có hại;
  • Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ giúp giảm tải cho hệ tiêu hóa và cải thiện sức khỏe;
  • Giảm thực phẩm giàu cholesterol, chất béo, các thực phẩm nhiều muối, đường;
  • Duy trì cân nặng phù hợp;
  • Giảm cân từ từ theo lộ trình, tối đa là 0,5-1kg/ tuần.

Các trường hợp sỏi túi mật không gây ra triệu chứng thì đa phần không cần phải điều trị
Các trường hợp sỏi túi mật không gây ra triệu chứng thì đa phần không cần phải điều trị

Tóm lại, sỏi cholesterol trong túi mật còn nhỏ, số lượng ít thường hiếm khi gây ra các triệu chứng có thể nhận biết được. Trường hợp người bệnh đột ngột đau vùng hạ sườn phải, buồn nôn hoặc nôn, vàng da... thì có thể là do sỏi đã lớn gây ra tắc mật hoặc cản trở co bóp túi mật. Vì vậy, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe