Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Các chấn thương cột sống, chấn thương đầu thường gặp phải trong các tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông. Việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho người gặp tai nạn là vô cùng quan trọng, đôi khi điều này còn quyết định sự sống chết của họ.
1. Sơ cứu, cấp cứu các chấn thương đầu do tai nạn giao thông
1.1 Tổn thương da đầu
Rách da đầu: Chảy máu nhiều, sử dụng băng ép để cầm máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên trước khi thực hiện phải làm sạch vết thương (lấy hết các dị vật trên mặt vết thương trước khi băng). Nếu lột cả mảng da đầu ra thì phải làm sạch da đầu, nếu đứt tai rời ra hoặc gãy răng thì cũng vậy làm sạch, bỏ vào phích đá chuyển về tuyến trên cùng bệnh nhân để được xử trí ghép lại.
Phân biệt lún sọ và tụ máu dưới da: Phải hút hết máu tụ, băng ép, chuyển về tuyến sau chụp kiểm tra có lún sọ không.
1.2 Tổn thương sọ não
Tổn thương sọ não bao gồm tổn thương hở và kín. Tùy vào tình trạng tổn thương mà có các biện pháp sơ cứu khác nhau. Đối với tổn thương sọ não hở có thể có hoặc không não lòi ra, bệnh nhân thường tỉnh táo vì não không bị chèn ép. Tuy nhiên có một số trường hợp bệnh nhân hôn mê, đây là trường hợp cấp cứu khẩn cấp vì tình trạng nặng và có thể tử vong. Trường hợp tổn thương sọ não hở cần lấy hết dị vật ra khỏi mặt não lòi ra sau đó đặt miếng gạc sạch lên trên mặt vết thương và băng nhẹ.
Trong quá trình sơ cứu cho bệnh nhân cần lưu ý không được làm một số việc như sau:
- Dị vật cứng cắm sâu vào tổ chức não không được rút ra
- Không được bôi thuốc sát trùng vào tổ chức não lòi.
- Không dùng que thăm dò khi không thấy não lòi ra.
- Không băng ép tổ chức não.
Đối với tổn thương sọ não kín, sau khi xảy ra tai nạn, nếu bệnh nhân tỉnh táo thì phải hỏi bệnh nhân chấn thương vào vùng nào của đầu, nơi đó có thấy máu tụ hoặc vỡ xương không, có đau đầu buồn nôn không, cử động chân tay thế nào? Nếu bệnh nhân hôn mê thì phải hỏi người thân hoặc những người xung quanh để xác định khoảng tỉnh của bệnh nhân. Việc xác định khoảng tỉnh của bệnh nhân sẽ giúp cung cấp một số thông tin hữu ích cho bác sĩ như có khoảng tỉnh là có máu tụ trong sọ, khoảng tỉnh càng ngắn tiên lượng càng nặng và ngược lại.
Từ khi bị mê tới khi nào não được giải phóng khỏi chèn ép càng ngắn tiên lượng càng tốt. Đồng thời phải lập bảng theo dõi về tri giác trong quá trình tại hiện trường và chuyển tờ theo dõi này theo bệnh nhân về tuyến trên.
Ngoài ra trong quá trình sơ cứu cho bệnh nhân, bác sĩ phải theo dõi những vấn đề như sau:
- Theo dõi tri giác: Hôn mê có 15 điểm Glasgow.
- Theo dõi dấu hiệu thần kinh khu trú: Giãn đồng tử cùng bên, liệt chi bên đối diện.
- Theo dõi thần kinh thực vật: Mạch chậm, huyết áp tăng, bệnh nhân thở nhanh, nông, tăng tiết đờm dãi, nhiệt độ cơ thể cao: 39- 40 độC và luôn vã mồ hôi.
Một điều lưu ý quan trọng trong sơ cứu bệnh nhân chấn thương sọ não là phải khám tỉ mỉ không được bỏ sót các thương tổn phối hợp vì bệnh nhân mê không hỏi được nên rất dễ bỏ sót các tổn thương phối hợp thì tỷ lệ tử vong rất cao như chảy máu trong, sốc do gãy xương lớn, gây mạch nhanh huyết áp tụt. Vì vậy người sơ cứu cần xem kỹ để sơ cứu tốt cho bệnh nhân trước khi chuyển đi cấp cứu.
Nếu bệnh nhân gặp đa chấn thương, trong đó có chấn thương sọ não, người sơ cứu cần chú ý những điểm như sau:
- Phải khai thông đường thở tốt, để bệnh nhân nằm nghiêng để chất nôn và đờm dãi không trào vào phổi gây tắc thở.
- Hồi sức tuần hoàn: huyết áp > 90 mmHg mới được vận chuyển về tuyến trên.
- Phải được ủ ấm nếu về mùa đông, trời lạnh.
- Phải bất động chi và cột sống khi có chẩn đoán chắc chắn hoặc nghi ngờ có chấn thương. Đặc biệt chấn thương đốt sống cổ hay gặp trong chấn thương sọ não.
1.3 Tổn thương mắt
Đối với các tổn thương mắt, người sơ cứu cần phải làm những việc như sau:
- Lấy các dị vật ra khỏi mắt (nếu có)
- Rửa nước muối sinh lý vào mắt để trôi các dị vật
- Đặt lên mắt miếng gạc sạch, băng lại.
1.4 Tổn thương răng - hàm - mặt
- Kiểm tra gãy xương hàm, đặc biệt xương hàm trên
- Nếu vỡ nền sọ dẫn đến chảy máu mũi hoặc rò nước não tủy thì phải chèn gạc vào lỗ mũi sau của người gặp nạn.
- Gãy răng hoặc tăng tiết đờm dãi và các dị vật nếu có trong miệng phải móc họng, lấy hết ra để khai thông đường thở, tránh dị vật và đờm rãi gây bít tắc đường thở.
1.5 Tổn thương tai - mũi - họng
Nếu đứt tai phải rửa sạch tai, cho vào phích đá chuyển về tuyến sau cùng bệnh nhân để phục hồi.
- Dập sống mũi, chảy máu gây tắc đường thở phải chú ý khai thông đường thở cho bệnh nhân trước khi chuyển về tuyến sau.
- Dập khí quản gây khó thở, dập thực quản gây khó nuốt chúng ta lưu ý phải khai thông đường thở và tạo điều kiện nuốt được thuận lợi.
2. Sơ cứu các chấn thương cột sống do tai nạn giao thông
Đối với các chấn thương cột sống, người thăm khám phải tìm được điểm đau khu trú, kiểm tra xem có vùng gồ nào ở cột sống hay không, bệnh nhân có liệt cảm giác và vận động không và liệt tới đâu. Các trường hợp liệt ngay lập tức sau chấn thương thì thường hay đứt tủy, liệt từ từ tăng dần thường do máu tụ chèn ép. Liệt cơ tròn thì thường dẫn đến tình trạng bí đái, bí ỉa.
Khi sơ cứu cho người bệnh, cần chú ý những điểm như sau:
- Phải chú ý bất động trước khi vận chuyển: Với đốt sống cổ phải băng bất động với Collier. Với lưng, thắt lưng phải đặt bệnh nhân nằm ngửa trên ván cứng hoặc nằm sấp trên cáng mềm.
- Vận chuyển lên cáng tối thiểu cần phải có 5 người: 2 người giữ cáng, 3 người còn lại lần lượt giữ đầu, chân, hông.
- Vận chuyển theo kiểu cuốn chiếu hoặc gói nem: Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên cáng cứng hoặc nằm sấp trên cáng mềm. Chú ý trăn trở nhẹ nhàng để chống loét ở các vị trí như gót chân, xương cùng, hai bả vai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.