Bài viết được viết bởi Bác sĩ Trịnh Ngọc Duy - Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Dị vật đường thở là khi có những vật chất bất thường (nước, thức ăn, đồ vật, ...) xâm nhập vào trong đường thở. Nghẹt thở là khi dị vật gây bít tắc đường một người không thể thở do có thứ gì đó bít tắc đường thở.
1. Tổng quan
Bình thường, đường thở dưới (dưới nắp thanh môn) được nắp thanh môn che phủ bảo vệ. Khi uống nước và nuốt thức ăn, thì thức ăn nước uống sẽ đi vào thực quản rồi xuống dạ dày; mà không thể xâm nhập vào đường thở. Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể, thường là ho liên tục cho đến khi tống được dị vật ra khỏi đường thở.
2. Xử trí các dị vật nhỏ
- Các dị vật nhỏ thường là hạt cơm, nước, mẫu thức ăn nhỏ, đồ vật nhỏ ....
- Nạn nhân đang ăn uống, ngậm đồ vật trong miệng .... đột ngột ho liên tục
- Nếu nạn nhân còn ho được, nói được: động viên họ tiếp tục ho cho đến khi dị vật được tống ra ngoài
- Đưa nạn nhân đến bệnh viện
3. Xử trí các dị vật lớn – nghẹt thở
Các dị vật lớn trong đường thở thường gây tắc nghẽn đường thở gần như hoàn toàn hoặc hoàn toàn (nghẹt thở).
3.1. Dấu hiệu nghẹt thở
- Người bệnh ôm cổ
- Không thể nói, khóc hoặc tạo ra âm thanh
- Khó thở
- Không thể ho
- Môi, lưỡi, mặt chuyển sang màu tím, xanh tím
- Bất tỉnh nếu bị nghẹt thở lâu
3.2. Sơ cấp cứu nghẹt thở
3.2.1. Nhận định
- Đánh giá xem hiện trường có an toàn
- Hỏi người bệnh: “Bạn bị sặc, nghẹt thở phải không? Bạn có thể nói không?”. Thông thường nếu nạn nhân không thể nói mà chỉ có thể báo hiệu bằng cách gật đầu.
3.2.2. Kế hoạch
- Nếu nạn nhân không thể nói, gọi thêm người trợ giúp
- Bắt đầu lên kế hoạch để vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất
3.2.3. Thực hiện
- Nếu nạn nhân còn có thể nói, ho hoặc thở:
Khuyến khích người bệnh ho. Động viên: “Cứ ho liên tục”. Ho mạnh có thể tống được dị vật ra ngoài.
- Nếu nạn nhân không thể nói, không thể ho, không thể thở:
Tiến hành biện pháp vỗ lưng, ép bụng:
+ Vỗ lưng: Vỗ 5 lần mạnh vào giữa xương bả vai bằng bàn tay của bạn. Kiểm tra xem có phải dị vật được tống ra ngoài sau khi vỗ lưng
+ Ép bụng: đứng sau lưng nạn nhân, dùng 2 tay ép nhanh mạnh lên trên ra sau, 5 lần liên tiếp.
Kiểm tra xem có phải dị vật được tống ra ngoài sau khi ép bụng:
Tiến hành liên tục 5 lần vỗ lưng, 5 lần ép bụng cho đến khi dị vật được tống ra ngoài và nạn nhân có thể thở, ho hoặc nói được
- Nếu nạn nhân trở nên bất tỉnh, không thở, không sờ thấy mạch đập, tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn
3.2.4. Đánh giá
Hãy tiến hành đúng kỹ thuật vỗ lưng - ép bụng theo chu kỳ 5-5, cho đến khi dị vật được tống ra ngoài và nạn nhân có thể thở được, ho được hoặc nói được.
Theo dõi tình trạng nạn nhân và vận chuyển đến cơ sở y tế.
3.3. Sơ cứu nghẹt thở với phụ nữ mang thai và người béo phì
- Tiến hành tương tự như trên. Tuy nhiên có sự khác biệt là tiếp hành ép ngực chứ không ép bụng
- Đặt bàn tay của bạn ở phần dưới xương ức (phần dưới của ngực)
- Giật kéo nhanh mạnh ra sau, lên trên; 5 lần liên tiếp
- Lặp lại cho tới khi dị vật bị tống ra ngoài và nạn nhân có thể thở được, ho được hoặc nói được
3.4. Sơ cứu nghẹt thở ở em bé (dưới 1 tuổi)
Bước đánh giá và lập kế hoạch sơ cấp cứu nghẹt thở ở trẻ nhỏ giống với người lớn. Tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không thể nói
Dấu hiệu nghẹt thở ở trẻ nhỏ:
- Không thể khóc, không thể tạo ra nhiều âm thanh
- Mặt xanh tím
- Khó thở
Thực hiện
- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp, vỗ lưng 5 lần giúp tống dị vật ra
- Nếu dị vật không ra ngoài, lật trẻ nằm ngửa, đầu trẻ thấp. dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần
- Lặp lại 5 vỗ lưng và 5 ấn ngực, cho đến khi dị vật được tống ra ngoài, trẻ có thể thở được, ho được hoặc khóc được
- Nếu trẻ bắt đầu bất tỉnh, không thở, sờ không thấy mạch; tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.