Phòng ngừa và xử trí dị vật đường thở ở trẻ em

Bài viết được viết bởi Điều dưỡng Nguyễn Thị Mai và Dương Thị Hồng – Khoa Nội trú Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, do vật lạ rơi vào đường thở gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn đường thở. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong.

1. Tác nhân nào gây ra dị vật đường thở cho trẻ?

  • Do trẻ sặc thức ăn như cháo, sữa, cơm...
  • Hít vào đường thở các vật nhỏ hay gặp như các loại hạt, kẹo viên, thuốc viên..., cũng có thể là đồ chơi và các vật dụng nhỏ như hòn bi, nắp bút, đầu lọc thuốc lá...
  • Sặc do đờm dãi, các loại thức uống...

2. Biểu hiện khi trẻ có dị vật đường thở thế nào?

  • Trẻ đột ngột ho sặc sụa, khó thở, không khóc, tím tái nhanh chóng, ngừng thở, lờ đờ, lơ mơ hoặc hôn mê phải nghĩ đến ngay là ngạt thở do Tùy mức độ dị vật đường thở.
  • Tắc đường thở mà biểu hiện từ ho, khó thở, khóc yếu đến nặng hơn là không khóc được, tím tái, ý thức tụt dần đến hôn mê.

3. Bạn cần xử trí như thế nào?

Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, la hét, không khó thở, cha mẹ nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.

Nếu trẻ xuất hiện tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, cha mẹ nhanh chóng gọi cấp cứu, người hỗ trợ và tiến hành thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thao tác vỗ lưng, ấn ngực được thực hiện như sau:

  • Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ ưỡn tránh gập đường thở
  • Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.
  • Sau đó, lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu trẻ còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái.
  • Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Thao tác vỗ lưng, ấn ngực
Thao tác vỗ lưng, ấn ngực

Đối với trẻ lớn (từ trên 2 tuổi) thì làm thủ thuật Heimlich:

Trường hợp trẻ còn tỉnh:

  • Đứng hoặc quỳ phía sau, vòng 2 tay qua người trẻ
  • Đặt 1 bàn tay (nắm đấm) dưới mũi ức
  • Đặt bàn tay kia ôm lấy nắm đấm
  • Ấn bụng mạnh hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên 5 lần
  • Kiểm tra miệng lấy dị vật nếu có
  • Nếu vẫn còn tắc nghẽn thì tiếp tục lặp lại ấn bụng như trên

Thủ thuật Heimlich
Thủ thuật Heimlich

Trường hợp trẻ hôn mê, bất tỉnh:

  • Đặt trẻ nằm ngửa.
  • Người sơ cứu quỳ gối, tựa hai chân hai bên đùi trẻ. Nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ.
  • Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
  • Sau đó kiểm tra đường thở. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài thì tiếp tục làm lại các bước trên cho đến khi dị vật rơi ra hoặc đội cấp cứu tới.

4. Bạn phòng tránh hóc dị vật cho trẻ như thế nào?

  • Để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng nhỏ có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là những vật dụng tròn và trơn dễ rơi vào đường thở.
  • Không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng.
  • Luyện cho trẻ thói quen không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm mút.
  • Không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn ...

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, Quý Khách có thể liên hệ theo hotline: 0243 9743 556, hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe