Siêu lọc chậm liên tục (Slow Continuous Ultrafiltration - SCUF) là một trong những kỹ thuật điều trị thay thế thận liên tục. Đây là một kỹ thuật đơn giản, an toàn, mang lại nhiều lợi ích cho công tác điều trị tích cực những người bệnh có thừa nước trầm trọng do những nguyên nhân khác nhau.
1. Siêu lọc chậm liên tục là gì?
Trong kỹ thuật này lượng nước được lấy ra khỏi cơ thể chỉ đơn thuần bằng cơ chế đối lưu dựa vào áp lực xuyên màng, vì vậy lượng nước thừa được lấy ra là chủ yếu, có kéo theo các chất hòa tan trong nước mà trọng lượng phân tử nhỏ đủ để lọt qua lỗ màng lọc. Thông thường lượng nước chỉ lấy ra khoảng 4 - 5 lít/24 giờ và không cần phải truyền bù dịch thay thế.
2. Các biện pháp điều trị thay thế thận
2.1 Lọc máu ngắt quãng
Phương pháp này có ưu điểm lọc sạch các chất hòa tan. Các máy thế hệ mới có nhiều thiết bị hiện đại, an toàn cho người bệnh.
Tuy nhiên phương pháp này chỉ loại bỏ chất độc tan trong nước, có trọng lượng phân tử nhỏ dưới 30.000 dalton, không hiệu quả với chất độc gắn với protein hoặc chất độc có trọng lượng phân tử trung bình và lớn.
Phương pháp này có nhược điểm gây thay đổi huyết động và có thể gây những tổn thương mới do thiếu máu, kéo dài quá trình hồi phục chức năng và hình thi thận., và nó không được áp dụng trên những bệnh nhân có huyết động không ổn định, suy tim, suy gan. Khi sử dụng phương pháp này đòi hỏi phải có nguồn nước đã xử lý.
2.2 Lọc màng bụng ngắt quãng
Phương pháp này có hiệu suất kém, việc thải trừ nước và các chất hòa tan không nhiều, tuy nhiên có thể áp dụng phương pháp này tại nhà không đòi hỏi bệnh nhân đến bệnh viện nhiều lần trong tuần và không cần nguồn nước xử lý.
2.3 Điều trị thay thế thận liên tục
Siêu lọc máu chậm liên tục chậm xảy ra từ từ, có thể thải trừ nước và loại bỏ hầu hết các chất độc nội sinh và ngoại sinh, những chất độc có trọng lượng phân tử từ 30.000 đến 40.000 dalton, các cytokin, nội độc tố, ít ảnh hưởng đến huyết động và người bệnh thích nghi được, phương pháp này cũng không cần nguồn nước đã xử lý.
3. Chỉ định và chống chỉ định siêu lọc chậm liên tục
3.1 Chỉ định
- Thừa nước nhiều do suy thận hoặc hội chứng thận hư.
- Thừa nước nhiều do suy tim nặng.
- Thừa nước nhiều nhưng không đáp ứng với các biện pháp điều trị thông thường, có nguy cơ biến chứng phù phổi cấp.
3.2 Chống chỉ định
Không có chống chỉ định tuyệt đối.
Chống chỉ định tương đối:
- Rối loạn đông máu, đang có chảy máu.
- Thiếu khối lượng dịch trong lòng mạch.
- Huyết áp thấp do các nguyên nhân khác nhau.
4. Chuẩn bị siêu lọc chậm liên tục
4.1 Người thực hiện
02 bác sĩ: 01 bác sĩ chuyên khoa làm chính và 01 bác sĩ phụ. 01 điều dưỡng chuyên khoa.
4.2 Phương tiện và vật tư tiêu hao
- Máy để tiến hành siêu lọc chậm.
- Bộ dây quả lọc: 01 bộ.
- Catheter 2 nòng để lọc máu: 01 bộ hoặc kim luồn to (cỡ 17 - 15 G): 02 cái (nếu không có catheter).
- Bộ dụng cụ đặt catheter: 01 bộ.
4.3 Người bệnh
Người bệnh được giải thích kỹ về quy trình kỹ thuật, mục đích, tai biến khi tiến hành kỹ thuật và ký giấy cam kết.
4.4 Đánh giá lâm sàng
Chiều cao, cân nặng, nhiệt độ, mạch, huyết áp, tim mạch, hô hấp, tình trạng phù...
4.5 Đánh giá cận lâm sàng
- Công thức máu, nhóm máu.
- Đông máu cơ bản.
- Anti HIV, HBsAg, anti HCV.
- Sinh hoá máu: ure, creatinin, glucose, protein, albumin, GOT, GPT, điện giải đồ, calci.
- Tổng phân tích nước tiểu.
5. Các bước tiến hành siêu lọc chậm liên tục
5.1 Chuẩn bị
- Kiểm tra hồ sơ, bệnh án : Kiểm tra họ tên, tuổi người bệnh...
- Kiểm tra, thăm khám người bệnh
- Thực hiện kỹ thuật: Kỹ thuật nên được tiến hành ở phòng vô trùng, có đủ các trang thiết bị cấp cứu.
- Người làm thủ thuật cần đội mũ, đeo khẩu trang, rửa tay theo quy trình, mặc áo mổ và đeo găng.
5.2 Đường vào mạch máu
- Đặt catheter 2 nòng vào tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch cảnh trong hoặc tĩnh mạch dưới đòn.
- Nếu không có catheter 2 nòng có thể sử dụng 2 kim luồn to: 01 kim đặt vào tĩnh mạch đùi để lấy máu ra và 1 kim đặt vào tĩnh mạch ở cẳng tay để trả máu về.
Chú ý: Cần thử test lidocain trước khi sử dụng để gây tê tại chỗ.
5.3 Thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể
Bước 1: Chuẩn bị máy.
- Khởi động máy lọc máu, lắp màng lọc và hệ thống dây dẫn theo chỉ dẫn.
- Đuổi khí bằng 2000 ml dung dịch natriclorua 0,9% có pha heparin 1000 đơn vị/lít.
- Kiểm tra hệ thống an toàn của máy: các khoá an toàn, đầu tiếp nối.
- Cài đặt bước đầu các thông số: Bilan dịch, lượng lượng máu, thời gian tiến hành thủ thuật.
Bước 2: Kết nối hệ thống dây dẫn - quả lọc vào kim hoặc catheter trong lòng mạch tạo thành một hệ thống tuần hoàn khép kín.
Nối đường máu ra (nòng màu đỏ của catheter) với tuần hoàn ngoài cơ thể (đầu màu đỏ), bật bơm máu (tốc độ ban đầu khoảng 50 ml/phút), khi máu bắt đầu tới màng lọc thì bơm heparin liều ban đầu (2000 đơn vị), khi máu qua hết màng lọc thì dừng bơm, nối hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (đầu màu xanh) với đường máu trở về (màu xanh) của catheter.
Bước 3: Kiểm tra các thông số áp lực, điều chỉnh các thông số cài đặt ban đầu cho phù hợp với mục đích điều trị và tình trạng lâm sàng của người bệnh.
- Tốc độ máu: tăng dần cho đến 80 - 100 ml/phút.
- Nhiệt độ: 37oC.
- Tốc độ siêu lọc trung bình 500 - 800 ml/ giờ.
- Liều lượng heparin trung bình 500 đơn vị/giờ
- Trung bình lấy ra khoảng 4 - 5 lít trong một kỳ lọc dài khoảng 6 - 8 giờ.
Bước 4: Kết thúc thủ thuật, dồn máu về khi hết thời gian siêu lọc. Nếu lưu catheter cần bơm rửa sạch hai nòng catheter bằng natriclorua 0,9% và bơm vào mỗi bên nòng một lượng heparin đề phòng huyết khối gây tắc catheter, lượng heparin tuỳ thuộc vào từng loại catheter. Nếu sử dụng kim luồn thì rút kim sau khi kết thúc thủ thuật, băng ép chặt cầm máu.
6. Theo dõi
- Theo dõi người bệnh: lập bảng theo dõi ý thức, mạch, điện tim, huyết áp, áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP), tình trạng hô hấp.
- Các thông số máy: Áp lực vào - ra, áp lực xuyên màng...
- Ghi chép hồ sơ bệnh án hoặc phiếu theo dõi: Loại máy, đường vào mạch máu, loại quả lọc, thời gian lọc, liều chống đông, tốc độ rút máu, tổng lượng dịch rút ra; huyết áp trước, trong và sau lọc; xử trí bất thường (nếu có).
- Sau buổi lọc: Tiếp tục theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, nước tiểu, tình trạng chảy máu ít nhất 8 giờ tiếp theo.
- Theo dõi tình trạng catheter nếu còn lưu catheter.
- Xét nghiệm sau thủ thuật: Điện giải đồ, công thức máu, đông máu.
7. Tai biến và xử trí
Liên quan tới thủ thuật tạo đường vào mạch máu:
- Tụ máu tại chỗ, tràn khí - tràn máu màng phổi, chảy máu trung thất.
- Cần phải hội chẩn chuyên khoa để xử trí.
- Nhiễm trùng tại chỗ chọc và nhiễm trùng huyết:
- Cần phải đảm bảo vô trùng khi tiến hành thủ thuật, có thể phải rút bỏ catheter, cấy máu, cấy chân catheter và cho kháng sinh ( là theo kháng sinh đồ nếu có).
Tụt huyết áp do siêu lọc nhanh:
- Giảm bớt tốc độ siêu lọc, có thể bù thêm dung dịch keo hoặc albumin nếu cần.
- Biến chứng xuất huyết: có thể sử dụng chất trung hoà heparin (protamin sulphat).
- Cần tìm nguyên nhân để xử trí.
Đông máu trong bộ dây và quả lọc:
- Cần tính toán lại liều chống đông. Nếu cần thiết có thể xả dịch bằng natriclorua 0,9%; nếu đông máu nhiều phải dừng thủ thuật.
- Tình trạng dị ứng hoặc sốc do dị ứng với dây hoặc màng lọc, hoặc dị ứng với huyết tương: sử dụng dimedrol, methylprednisolon... theo phác đồ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.
Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt trên thế giới giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện được thiết kế hiện đại, nhưng vẫn mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm như ở tại nhà mình.
Mọi thông tin chi tiết Khách hàng vui lòng liên hệ đến các bệnh viện, phòng khám thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM