Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Siêu âm động mạch cảnh vùng cổ là phương pháp đang được áp dụng rộng rãi để phát hiện sớm mảng xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh, túi phình. Từ đó, phương pháp này giúp dự báo nguy cơ đột quỵ hiệu quả.
1. Vai trò của siêu âm vùng cổ - Siêu âm động mạch cảnh
Động mạch cảnh là động mạch nằm ở vùng cổ, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp máu giàu oxy tới não bộ. Siêu âm động mạch cảnh là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong y khoa, sử dụng các sóng siêu âm phản xạ lại để chẩn đoán bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não). Kỹ thuật này giúp kiểm tra tình trạng, sự bất thường của động mạch cảnh, xem có hiện tượng tắc nghẽn không, lưu lượng máu chảy qua như thế nào,...
Dựa vào hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện được những mảng xơ vữa bên trong lòng động mạch cảnh với những thông tin rõ ràng về vị trí, kích thước, mức độ gây hẹp,... Các mảng xơ vữa này có thể là canxi, cholesterol,... tích tụ lâu ngày làm hẹp lòng động mạch cảnh, gây cản trở lưu thông máu tới não, tăng nguy cơ đột quỵ.
Vì vậy, siêu âm động mạch cảnh giúp phát hiện sớm tình trạng xơ vữa động mạch cảnh để có phương pháp điều trị kịp thời (bằng thuốc hoặc phẫu thuật). Bác sĩ sẽ tìm cách cải thiện lưu lượng máu tới não để làm giảm nguy cơ đột quỵ.
2. Đối tượng cần làm siêu âm động mạch cảnh
Siêu âm vùng cổ được thực hiện để kiểm tra xem có mảng xơ vữa trong lòng động mạch cảnh không, từ đó tầm soát nguy cơ đột quỵ (do hẹp, tắc nghẽn hoàn toàn động mạch cảnh). Cần thực hiện siêu âm động mạch cảnh cho những đối tượng sau:
- Người bị tai biến mạch máu não hoặc tai biến mạch máu não thoáng qua;
- Bệnh nhân sau phẫu thuật đặt stent động mạch cảnh được siêu âm để kiểm tra vị trí của stent, sự thông suốt của động mạch cảnh;
- Bệnh nhân sau phẫu thuật động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch vành, động mạch ngoại biên,... được chỉ định siêu âm động mạch cảnh để kiểm tra sự hồi phục;
- Người có âm thổi ở vùng động mạch cảnh. Âm thổi là dấu hiệu gợi ý động mạch cảnh bị tắc nghẽn bán phần (có thể gây tai biến mạch máu não);
- Người có nghi ngờ thành động mạch cảnh bị tách lớp và yếu đi, ảnh hưởng lưu lượng máu tới não;
- Xét nghiệm tầm soát ở những bệnh nhân có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não như bệnh nhân trên 70, có bệnh tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn mỡ máu,... Những bệnh nhân này được chỉ định kiểm tra động mạch cảnh định kỳ kể cả khi không tìm thấy mảnh xơ vữa.
3. Quy trình thực hiện siêu âm động mạch cảnh
3.1 Chuẩn bị
Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không đau và không cần chuẩn bị đặc biệt gì. Để việc siêu âm được hiệu quả thì người bệnh nên mặc áo không có cổ áo, cổ áo mở hoặc rộng cổ, không nên đeo dây chuyền.
3.2 Thực hiện
Siêu âm động mạch cảnh thường được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mạch máu hoặc chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh. Kỹ thuật này không gây đau, thường được thực hiện trong thời gian không quá 30 phút.
Khi thực hiện, bệnh nhân được yêu cầu nằm ngửa, đầu lần lượt nghiêng sang 2 bên để khảo sát động mạch cảnh mỗi bên. Bác sĩ sẽ bôi một lớp gel lên vùng cổ của bệnh nhân. Chất gel này cho phép sóng siêu âm được xuyên thấu tốt hơn (không gây hại cho da). Tiếp theo, một đầu dò phát sóng siêu âm được di chuyển dọc theo vùng cổ bệnh nhân. Các tín hiệu sóng siêu âm phản hồi sẽ được đầu dò ghi lại, tạo nên hình ảnh động về động mạch cảnh.
3.3 Sau khi siêu âm
Bệnh nhân có thể trở lại làm việc bình thường ngay sau khi siêu âm.
Siêu âm động mạch cảnh là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn, không đau, có vai trò quan trọng trong chẩn đoán xơ vữa, tắc nghẽn động mạch cảnh. Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường của cơ thể hoặc khi có những nguy cơ cao cảnh báo bệnh xơ vữa động mạch cảnh, bệnh nhân nên đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ tai biến, đột quỵ.
Bên cạnh phương pháp siêu âm, hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.