Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Thắng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Siêu âm tim trong đơn vị cấp cứu và hồi sức giúp hướng dẫn chọc dịch màng ngoài tim; hướng dẫn tạo nhịp tim; sàng lọc, phân loại bệnh nhân; Đánh giá áp lực các buồng tim trái,...
1. Tác dụng của siêu âm tim trong đơn vị cấp cứu và hồi sức
Siêu âm tim là một trong những kỹ thuật phổ biến sử dụng sóng âm cao tần tái tạo hình ảnh của trái tim trên màn hình máy tính. Qua đó giúp sàng lọc, phát hiện và chẩn đoán bệnh lý tim mạch trên lâm sàng.
Có 2 loại siêu âm tim:
- Siêu âm tim qua thành ngực: Giúp thăm dò cấp đối với PTĐMC. Loại siêu âm này nhanh và không xâm; độ nhạy 80-100% giúp chẩn đoán Type A chính xác hơn. Tuy nhiên, đối với Type B độ nhạy, đặc hiệu thấp và thường khó xác định nguyên nhân, mức độ.
- Siêu âm qua thực quản: Đây là phương pháp chẩn đoán lý tưởng cũng an toàn và nhanh giúp xác định được nguyên nhân, mức độ lan với độ nhạy 94 - 100% và đặc hiệu 77 - 100%. Tuy nhiên, đây là phương pháp xâm lấn nên người bệnh cần phải an thần. Siêu âm tim qua thực quản khó có thể phát hiện các bệnh liên quan đến vùng giữa khí quản – thực quản
Siêu âm tim trong cấp cứu và siêu âm tim hồi sức giúp:
- Hướng dẫn chọc dịch màng ngoài tim
- Hướng dẫn tạo nhịp tim
- Sàng lọc, phân loại bệnh nhân
- Đánh giá kích thước nhồi máu
- Đánh giá chức năng thất trái
- Đánh giá các biến chứng
- Đánh giá hiệu quả tái tưới máu
- Xác định vị trí/mức độ thiếu máu
2. Các tình trạng cấp cứu thường gặp trong siêu âm tim cấp cứu và hồi sức
Dưới đây là một số tình trạng cấp cứu thường gặp khi siêu âm tim trong cấp cứu và siêu âm tim hồi sức:
- Đau thắt ngực cấp: Chiếm 8 – 10 % trong các tình trạng cấp cứu. Nguyên nhân là do tắc động mạch phổi; hội chứng mạch vành cấp (đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim); hội chứng động mạch chủ cấp (phình tách động mạch chủ, tụ máu thành mạch, loét xơ vữa động mạch chủ, chấn thương động mạch chủ)
- Khó thở cấp: Các bệnh liên quan đến tim mạch (suy tim trái, tắc động mạch phổi, ép tim cấp do tràn dịch); các bệnh lý phổi (tràn khí màng phổi, viêm phổi, hen phế quản, dị vật); các bệnh chuyển hóa (nhiễm toan ceton do ĐTĐ, tăng urê máu, ngộ độc salicylate).
- Đột quỵ cấp: Các thuyên tắc từ tim (HK nhĩ trái, HK thất trái, HK từ van nhân tạo, myxoma nhĩ trái, các mảnh sùi); vôi hóa vòng van HL; xơ van động mạch chủ; sa van HL; phình vách liên nhĩ.
- Ngất xỉu: Do hẹp khít van động mạch chủ; myxoma lớn ở nhĩ trái; cơ tim phì đại; hẹp khít van động mạch phổi; hẹp khít van HL; nhồi máu cơ tim.
- Đánh trống ngực: Do loạn nhịp tim ảnh hưởng từ bệnh van tim, cơ tim.
- Sốc hoặc Tụt áp: nguyên nhân do ép tim, nhồi máu cơ tim rộng, nhồi máu cơ tim thất phải, tắc động mạch phổi lớn, mất máu, sốc nhiễm khuẩn.
- Chấn thương ngực: Rách các van, huyết khối các buồng tim, vỡ tim, tràn dịch màng ngoài tim, rối loạn chức năng thất.
XEM THÊM:
- Siêu âm tim 4D tại Vinmec có gì đặc biệt?
- Siêu âm tim có ý nghĩa thế nào trong khám và phát hiện các bệnh tim mạch?
- Siêu âm tim qua thành ngực là gì?