Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Hạnh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Siêu âm qua thóp là một xét nghiệm an toàn và không đau, sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của não. Trong quá trình kiểm tra, một máy siêu âm sẽ phát ra sóng siêu âm vào đầu và hình ảnh được ghi lại trên máy tính. Các hình ảnh đen trắng cho thấy cấu trúc bên trong của não, bao gồm cả nhu mô não, não thất và các mạch máu.
Siêu âm thóp chỉ được thực hiện ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, xương sọ chưa hoàn toàn phát triển, các khớp sọ chưa liền.
1. Tại sao phải làm siêu âm thóp?
Các bác sĩ đặt siêu âm thóp khi có mối quan tâm về các vấn đề thần kinh ở trẻ sơ sinh. Trẻ sinh non cần được chăm sóc đặc biệt thường xuyên, phải siêu âm đầu để loại trừ các biến chứng thần kinh của sinh non, chẳng hạn như xuất huyết não hoặc tổn thương chất trắng quanh não thất do ngạt.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu siêu âm qua thóp cho em bé khi nhận thấy:
- Tăng kích thước đầu bất thường
- Thóp phồng
- Nhận thấy bất kỳ triệu chứng về thần kinh bất thường nào.
Siêu âm qua thóp thường có thể giúp chẩn đoán:
- Chảy máu trong mô não hoặc trong não thất
- Não úng thủy
- Có khối u hoặc u nang trong não
- Nghi ngờ biến chứng viêm màng não.
2. Các bước thực hiện siêu âm qua thóp
2.1 Chuẩn bị trước khi làm siêu âm thóp
Cha mẹ không cần phải làm gì đặc biệt để chuẩn bị cho con trước khi thực hiện siêu âm qua thóp. Cha mẹ nên nói với bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào con đang dùng trước khi làm siêu âm.
2.2 Thực hiện siêu âm
- Siêu âm qua thóp sẽ được thực hiện tại khoa X-quang của bệnh viện hoặc trong một trung tâm X-quang. Cha mẹ thường có thể đi cùng con để cung cấp sự trấn an và hỗ trợ.
- Nếu con bạn đang ở trong bệnh viện và không thể dễ dàng được đưa đến khoa X-quang, một máy siêu âm cầm tay có thể được mang đến tận nơi. Điều này thường được thực hiện trong đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU).
- Siêu âm thóp có thể được thực hiện với em bé trên bụng hoặc lưng, hoặc thậm chí trong vòng tay của cha mẹ, nếu cần thiết. Căn phòng thường tối để có thể nhìn rõ hình ảnh trên màn hình máy tính. Bác sĩ siêu âm sẽ bôi một lớp gel trong, ấm lên da đầu của bé. Gel này giúp truyền sóng âm thanh.
- Bác sĩ siêu âm sau đó sẽ di chuyển đầu dò trên gel. Đầu dò phát ra sóng âm tần số cao và máy tính đo các sóng âm dội lại từ đầu. Máy tính thay đổi những sóng âm thanh đó thành hình ảnh cần phân tích. Quá trình thăm khám thường mất 15-30 phút.
3. Những lợi ích so và sự rủi ro khi thực hiện siêu âm qua thóp
3.1 Những lợi ích đạt được
- Hầu hết quét siêu âm là không xâm lấn.
- Đôi khi, kiểm tra siêu âm có thể tạm thời không thoải mái, nhưng nó không gây đau.
- Siêu âm phổ biến, dễ sử dụng và ít tốn kém hơn so với hầu hết các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
- Hình ảnh siêu âm cực kỳ an toàn và không sử dụng bức xạ.
- Quét siêu âm cho hình ảnh rõ ràng về các mô mềm không hiển thị tốt trên hình ảnh X-quang.
3.2 Những rủi ro có thể xảy ra
Siêu âm thóp không có tác dụng có hại cho trẻ em.
4. Những hạn chế của siêu âm qua thóp là gì?
Kiểm tra siêu âm rất nhạy cảm với chuyển động, và một đứa trẻ liên tục hoạt động hoặc khóc sẽ làm chậm quá trình kiểm tra. Cha mẹ có thể cho bé ăn, hoặc cho bé sử dụng núm vú giả hoặc đồ chơi yêu thích để cho trẻ cảm thấy thoải mái trong thời gian thực hiện siêu âm.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, điều trị bệnh có thể trực tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc liên hệ thông qua số hotline TẠI ĐÂY.