Siêu âm có phát hiện rỉ ối không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Túi ối được coi như môi trường sống bao quanh thai nhi. Tới ngày sinh túi ối thường rỉ hoặc vỡ để tạo điều kiện cho thai nhi ra ngoài. Tuy nhiên ở một số mẹ bầu tình trạng này sẽ diễn ra sớm hơn và gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu rỉ ối sẽ giúp mẹ bầu phòng tránh được nguy cơ vỡ màng ối sớm.

1. Tổng quan về nước ối

Nước ối là một dung dịch dạng lỏng tạo môi trường bảo vệ cho thai nhi phát triển. Toàn bộ nước ối được nằm trong túi ối với các thành phần như hormone, chất dinh dưỡng, các tế bào của hệ miễn dịch, nước tiểu của em bé. Lúc nhiều nhất lượng nước ối trong bụng mẹ bầu sẽ khoảng 1 lít. Từ tuần thứ 36 trở đi, lượng nước ối sẽ giảm dần đi để chuẩn bị cho em bé chào đời. Tuy nhiên có một số trường hợp bà mẹ lại vỡ ối hoặc rỉ ối sớm trong thai kỳ.


Nước ối nằm trong túi ối và bảo vệ cho thai nhi
Nước ối nằm trong túi ối và bảo vệ cho thai nhi

2. Rỉ ối là gì? Nguyên nhân rỉ ối

Rỉ ối là tình trạng nước ối xuất ra ngoài âm đạo một cách từ từ theo từng dòng rất ít nên nhiều mẹ bầu không để ý hoặc cho rằng mình bị són tiểu. Rỉ ối còn là dấu hiệu cho thấy màng ối đang mỏng dần đi và có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào. Rỉ ối sẽ khiến môi trường sống của thai nhi dần bị ảnh hưởng, vai trò cung cấp oxy và chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng, lâu dần có thể dẫn đến dị tật thai nhi, suy thai, thậm chí là sinh non, thai chết lưu...

Việc rỉ ối sớm này có thể do nhiều nguyên nhân nhưng có thể do hiện tượng căng giãn quá mức của bầu ối trong những trường hợp đa thai, đa ối, đái tháo đường, viêm nhiễm màng ối, những sản phụ bị hở eo tử cung, khung xương chậu hẹp.

Nếu nước ối rỉ ra quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hoặc cạn nước ối. Hoặc nước ối cũng có thể chảy ra ồ ạt do vỡ màng ối, còn gọi là vỡ ối, là dấu hiệu báo hiệu quá trình chuyển dạ của phụ nữ.

Trắc nghiệm: Mẹ bầu nên làm gì khi bị thiếu ối?

Nước ối đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của thai nhi. Trường hợp lượng ối quá ít (thiểu ối) thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ như gây thiểu sản phổi, chèn ép dây rốn,... Trả lời các câu hỏi trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn có những cách phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Tạ Quốc Bản
Tạ Quốc Bản
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Sản phụ khoa
Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

3. Làm thế nào để biết mẹ bầu đang rỉ ối?

Hiện tượng rỉ ối thường được thai phụ nhận biết ngay khi thấy ra nước bất thường. Nếu tuần thai từ 37 tuần trở đi và mẹ bầu thấy bàng quang dường như đầy nhanh hơn, dễ bị són một chút nước tiểu khi hắt hơi, khi cười hoặc kể cả khi không làm gì cả, thi thoảng lại thấy dịch ướt chảy ra đáy quần lót thì nên chuẩn bị đồ dự sinh dần vì có thể bạn sẽ cảm nhận các cơn gò trong 24 giờ tới.

Việc phân biệt rỉ ối với nước tiểu, dịch âm đạo cần một số kinh nghiệm nhất định. Thường nước ối sẽ có một số đặc điểm sau đây:

Đánh giá tốc độ chảy: Những tháng cuối thai kỳ nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng són tiểu do bàng quang bị tử cung chèn ép khiến nước tiểu bị rỉ ra ngoài. Vì bàng quang và tử cung cùng nằm phía trong ổ bụng nên nhiều mẹ bị nhầm lẫn giữa rỉ ối với hiện tượng són tiểu. Tuy nhiên nếu để ý kỹ sẽ thấy khi rỉ nước ối tốc độ chảy của chất lỏng chậm hơn so với nước tiểu.

Quan sát và ngửi mùi: Là dấu hiệu khá dễ để nhận biết nước ối có bị rỉ hay không. Khi thấy vùng kín ẩm ướt mẹ bầu hãy kiểm tra và quan sát màu sắc dịch lỏng chảy ra. Nếu ướt và không mùi, không màu hoặc có thể có màu hồng be nhạt, màu như nước vo gạo nhưng loãng như nước, không đặc như dịch âm đạo thì tức là mẹ bầu đã bị rỉ ối. Còn nước tiểu thường có mùi khai, màu vàng nhạt hoặc vàng sẫm.

Việc quan sát này còn giúp mẹ bầu nhận biết các trường hợp bất thường của nước ối như:

  • Nước ối có màu xanh có thể là biểu hiện nước ối có lẫn phân xu, cảnh báo nguy cơ sặc phân xu ở thai nhi.
  • Nước ối có màu hồng, đỏ lẫn máu có thể là tình trạng sản phụ bị rau tiền đạo, cần được thăm khám ngay lập tức.
  • Nước ối có màu vàng kèm mùi hôi có thể là tình trạng nhiễm trùng nước ối, cũng cần can thiệp sớm.

Thử bằng giấy quỳ tím chuyển màu: Khi nước ối bị rỉ hãy dùng giấy quỳ tím để kiểm tra nồng độ pH. Nếu giấy quỳ tím không đổi màu thì đó là nước tiểu, nếu chuyển thành màu sẫm (xanh đen) thì chứng tỏ màng ối đang bị rò rỉ.

Nhìn chung rỉ ối hay vỡ ối cũng đều không gây đau cho mẹ bầu, tuy nhiên đây đều là dấu hiệu cảnh báo và cần đến viện để kiểm tra ngay lập tức.


Có thể dùng giấy quỳ tím để kiểm tra nồng độ pH trong nước ối
Có thể dùng giấy quỳ tím để kiểm tra nồng độ pH trong nước ối

4. Siêu âm có phát hiện rỉ ối không?

Trong những lần siêu âm thai kỳ trước sinh, thường bác sĩ sẽ ước lượng được lượng nước ối bao quanh thai nhi. Có 2 chỉ số dùng để đánh giá lượng nước ối là chỉ số AFI (đo theo chiều dọc túi ối) hoặc MPV. Lượng nước ối được coi là ít nếu chỉ số AFI <5cm hoặc MPV<2cm.

Nước ối ở mức vừa đủ là môi trường lý tưởng để thai nhi phát triển. Nước ối quá nhiều (đa ối) hoặc quá ít (thiểu ối) cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của em bé cũng như quá trình sinh nở sau này.

5. Mức nước ối thế nào là bình thường?

Thường lượng nước ối sẽ tăng dần theo tuổi thai và đạt mức cao nhất vào tuần thứ 36. Trong suốt thai kỳ lượng nước ối sẽ ở khoảng:

  • Tuần thứ 12: 60ml
  • Tuần thứ 16: 175ml
  • Tuần thứ 34-38: 400-1000ml

Trên thực tế việc siêu âm sẽ không giúp mẹ bầu phát hiện tình trạng rỉ ối, chỉ mẹ bầu mới là người để ý và nhận biết rỉ nước ối sớm nhất. Siêu âm chỉ giúp đánh giá được lượng nước ối là bao nhiêu, từ đó bác sĩ kết luận nước ối thiếu hay đủ để có biện pháp xử lý, tránh gây nguy hiểm cho thai nhi.

6. Những lưu ý khi phát hiện rỉ ối

Nếu chưa đủ 37 tuần thai và thấy quần lót ẩm ướt thì cần nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra và có chẩn đoán cụ thể. Khi đó nếu dịch ối bị rò rỉ ít hoặc bị nhiễm trùng nhẹ bác sĩ vẫn có thể can thiệp giúp bảo vệ thai nhi. Nếu thai phụ đã mang thai từ tuần thứ 37 trở lên và thấy những hiện tượng trên thì nên chuẩn bị tất cả các dụng cụ cần thiết để lâm bồn vì có thể những cơn gò chuyển dạ sẽ xuất hiện trong vòng 24 giờ sau đó.

Nếu thai phụ chắc chắn mình đang bị rò nước ối thì tránh sử dụng băng vệ sinh, quan hệ tình dục hoặc ngâm mình trong bồn tắm. Trong suốt thời kỳ thai nghén và thời gian mang thai, việc giữ gìn vệ sinh và khám phụ khoa thường xuyên rất quan trọng. Vì nếu có viêm nhiễm cũng sẽ được chữa trị kịp thời, giảm nguy cơ vỡ màng ối khi mang thai và ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi.

Video đề xuất:

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai: Cẩm nang mẹ bầu cần biết

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe