Siêu âm 2D liên tục có sao không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Nguyễn Quỳnh Giang - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh không thể thiếu trên lâm sàng ở tất cả các chuyên khoa. Siêu âm 2D là phương tiện chẩn đoán hình ảnh dễ thực hiện, có hiệu quả cao trong việc chẩn đoán nhiều bệnh lý. Đặc biệt trong chuyên ngành sản khoa, siêu âm 2D là phương tiện giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của thai. Vậy siêu âm 2D liên tục có sao không?

1. Siêu âm là gì?

Siêu âm là một kỹ thuật không xâm lấn trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, được sử dụng rất phổ biến cho chẩn đoán và điều trị trong y học ngày nay ở mọi chuyên ngành. Kỹ thuật siêu âm đưa ra hình ảnh thể hiện cấu trúc bằng cách dựng hình các cấu trúc bên trong cơ thể dựa trên sự phản xạ sóng âm cao tần của mô, từ đó mô tả những đặc tính bình thường hoặc bất thường của tổ chức, cơ quan trong cơ thể mà không thể quan sát được.

Siêu âm 2D hay siêu âm 2 chiều là hình thức siêu âm đưa ra hình ảnh đen trắng bằng cách di chuyển của đầu dò trên da bệnh nhân cho phép ghi lại cấu trúc âm của các mô trong cơ thể nằm trên mặt phẳng quét của chùm sóng âm, đây là phương pháp siêu âm cắt lớp. Hình thu được từ các âm vang này sẽ được lưu trữ trong bộ nhớ và chuyển thành tín hiệu trên màn truyền bằng các chấm trắng đen, xám.


Siêu âm 2D hay siêu âm 2 chiều là hình thức siêu âm đưa ra hình ảnh đen trắng bằng cách di chuyển của đầu dò trên da bệnh nhân
Siêu âm 2D hay siêu âm 2 chiều là hình thức siêu âm đưa ra hình ảnh đen trắng bằng cách di chuyển của đầu dò trên da bệnh nhân

2. Mục đích của siêu âm

  • Siêu âm nhằm khảo sát các cấu trúc, cơ quan trên cơ thể: Hầu hết các thành phần trong ổ bụng hay các khoang trong ổ bụng, hệ tiêu hóa ruột thừa, đại tràng, gan, lách, tụy, đường mật, túi mật..., sản khoa, tim mạch, hệ tiết niệu, tiền liệt tuyến, Tuyến giáp, tuyến vú, cơ xương khớp, các điểm bám gân, tinh hoàn, tử cung, buồng trứng ...
  • Siêu âm hỗ trợ xác định vị trí cho kỹ thuật sinh thiết, tiêm nội khớp, mở đường vào mạch máu và hỗ trợ một số kỹ thuật xâm lấn khác.
  • Siêu âm trong điều trị dựa trên tác dụng của sóng cao tần đối với một số chuyên ngành phục hồi chức năng.

3. Siêu âm 2D liên tục có sao không?

Siêu âm 2D là hình thức siêu âm cho thấy hình ảnh màu trắng đen, và có cùng một mức độ chi tiết giống như 1 phim âm bản. Siêu âm được sử dụng rộng rãi, đơn giản và chi phí không quá cao trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Siêu âm liên tục có sao không?. Hầu hết các phương pháp siêu âm đều không xâm lấn và thường không gây đau hoặc cảm giác gì khó chịu cho bệnh nhân. Siêu âm không tác động bất lợi cho cơ thể, sức khỏe do không dùng tia xạ giống như các kỹ thuật X-quang, cắt lớp vi tính... Do vậy có thể thực hiện siêu âm liên tục ở mức độ cần thiết cho việc theo dõi và điều trị.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc siêu âm 2D là phương pháp siêu âm đã lỗi thời, hình ảnh siêu âm mờ nên không có độ chính xác cao. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu của nhiều chuyên gia chuyên khoa thì siêu âm 2D hoàn toàn chính xác và có giá trị tương đương với các loại siêu âm tiên tiến nhất hiện nay là siêu âm 3D và 4D. Quan trọng của độ chính xác trong việc siêu âm thai 2D đó là tay nghề của mỗi chuyên gia, thiết bị, các kỹ thuật viên khi tham gia quá trình siêu âm cho thai phụ.

Đối với sản khoa, siêu âm thường được tiến hành tại các thời điểm khác nhau trong thai kỳ thường là 3 lần trong 1 tháng nên nó cũng không gây ra ảnh hưởng gì, bước sóng siêu âm cũng nhỏ và không gây ra các tác hại.


Hầu hết các phương pháp siêu âm đều không xâm lấn và thường không gây đau hoặc cảm giác gì khó chịu cho bệnh nhân
Hầu hết các phương pháp siêu âm đều không xâm lấn và thường không gây đau hoặc cảm giác gì khó chịu cho bệnh nhân

4. Hạn chế của siêu âm 2D

  • Siêu âm lan truyền kém hơn trong môi trường khí do đó khó khảo sát các tạng rỗng như ruột, dạ dày và các cơ quan bị che lấp bởi dạ dày và ruột như tụy, động mạch chủ... Cần phối hợp với các phương tiện chẩn đoán khác.
  • Những bệnh nhân có thể trạng to béo, thừa cân, chỉ số vòng bụng lớn sẽ dẫn đến siêu âm khó khăn hơn do đó cần kết hợp các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như X-quang, cắt lớp vi tính có hoặc không có cản quang, và cộng hưởng từ có thể sẽ đem lại kết quả cao hơn.
  • Siêu âm 2D hạn chế hơn so với siêu âm 3D, 4D trong 1 số bệnh lý nhất định
  • Mặc dù siêu âm là kỹ thuật hình ảnh khách quan nhưng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm người thực hiện.
  • Đối với siêu âm thai có thể gây cảm giác khó chịu nhẹ khi đầu dò được đặt lên bụng hoặc ở trong âm đạo hay hậu mô.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe