Serotonin và trầm cảm: 9 câu hỏi và câu trả lời


Serotonin đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh trí nhớ, giấc ngủ, tiêu hóa, tâm trạng,... Bạn có nguy cơ cao mắc trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn thần kinh thực vật nếu cơ thể thiếu hụt serotonin. Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về chất dẫn truyền thần kinh này thông qua bài viết dưới đây.

1. Serotonin là gì?

Serotonin đóng vai trò là một chất dẫn truyền thần kinh, một loại hóa chất giúp chuyển tiếp tín hiệu từ vùng não này sang vùng não khác. Mặc dù serotonin được sản xuất trong não, nơi nó thực hiện các chức năng chính nhưng có tới khoảng 90% nguồn cung cấp serotonin trong cơ thể chúng ta được tìm thấy trong đường tiêu hóa và trong các tiểu cầu trong máu.

2. Serotonin được tạo ra như thế nào?

Serotonin được tạo ra thông qua một quá trình chuyển đổi sinh hóa độc đáo. Tryptophan sẽ được chuyển đổi thành serotonin trong não, từ đó tạo ra các axit amin thiết yếu khác. Các tế bào tạo ra serotonin bằng cách sử dụng tryptophan hydroxylase để tạo thành phản ứng hóa học khi kết hợp với tryptophan, tạo thành 5-hydroxytryptamine, hay còn được gọi là serotonin.

3. Serotonin có vai trò gì đối với sức khỏe?

Là một chất dẫn truyền thần kinh, serotonin giúp chuyển tiếp các thông điệp từ vùng não này sang vùng não khác. Do sự phân bố rộng rãi của các tế bào, nó được cho là có ảnh hưởng đến một loạt các chức năng tâm lý và cơ thể khác. Trong số khoảng 40 triệu tế bào não, hầu hết đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi serotonin. Trong đó bao gồm các tế bào não liên quan đến tâm trạng, ham muốn tình dục và chức năng, sự thèm ăn, giấc ngủ, trí nhớ cũng như học tập, điều chỉnh nhiệt độ và một số hành vi xã hội.

Chất dẫn truyền thần kinh serotonin cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tim mạch, cơ bắp và các yếu tố khác nhau trong hệ thống nội tiết. Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy bằng chứng cho thấy serotonin đóng một vai trò trong việc điều chỉnh quá trình sản xuất sữa và khiếm khuyết trong mạng lưới serotonin có thể là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh).


Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh trong não
Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh trong não

4. Mối liên hệ giữa serotonin và trầm cảm là gì?

Có nhiều nhà nghiên cứu tin rằng sự mất cân bằng nồng độ serotonin có thể ảnh hưởng đến tâm trạng theo cách dẫn đến bệnh trầm cảm. Các vấn đề có thể xảy ra bao gồm các tế bào não sản xuất serotonin ở mức độ thấp, thiếu các vị trí thụ thể có thể nhận serotonin được tạo ra hay serotonin không có khả năng để tiếp cận các vị trí thụ thể hoặc thiếu tryptophan, hóa chất cấu thành nên serotonin. Nếu có bất kỳ vấn đề sinh hóa nào xảy ra, các nhà nghiên cứu tin rằng điều này có thể dẫn đến trầm cảm, cũng như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, lo lắng, hoảng sợ và thậm chí tức giận quá mức.

Trầm cảm ảnh hưởng đến việc phát triển các trung tâm tái tạo tế bào não - trong quá trình này, một số chuyên gia tin rằng serotonin đóng vai trò là yếu tố trung gian và điều này diễn ra trong suốt cuộc đời của chúng ta. Theo tiến sĩ khoa học thần kinh Barry Jacobs của Princeton, trầm cảm có thể xảy ra khi có sự ức chế các tế bào não mới và căng thẳng là yếu tố quan trọng nhất khiến bạn có nguy cơ cao mắc trầm cảm. Ông tin rằng các loại thuốc chống trầm cảm phổ biến được gọi là SSRI, được nghiên cứu nhằm mục đích tăng mức độ serotonin, giúp khởi động việc sản xuất các tế bào não mới, từ đó giúp giảm các tác động do chứng trầm cảm gây ra.

Mặc dù các chuyên gia tin rằng sự thiếu hụt serotonin là một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm, nhưng không có cách nào để đo lường mức độ của chất dẫn truyền thần kinh này trong não bộ. Do đó, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh được rằng mức độ của hóa chất này hoặc bất kỳ chất dẫn truyền thần kinh nào trong não bị thiếu hụt khi trầm cảm hay một bệnh tâm thần nào đó - mặc dù một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng một số chất dẫn truyền thần kinh ở những người bị trầm cảm có mức độ thấp - nhưng họ lại không thể khẳng định được liệu nồng độ trong máu có phản ánh mức serotonin của não hay không.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu không biết liệu việc giảm serotonin gây ra trầm cảm hay do chính trầm cảm làm giảm mức serotonin.

Thuốc chống trầm cảm hoạt động dựa trên mức serotonin - SSRIs (chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc) và SNRI (chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine) - được cho là làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm, nhưng hiện vẫn chưa xác định được một cách chính xác và đầy đủ về cách mà chúng hoạt động.


Thuốc chống trầm cảm hoạt động dựa trên mức serotonin - SSRIs
Thuốc chống trầm cảm hoạt động dựa trên mức serotonin - SSRIs

5. Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp serotonin trong cơ thể hay không?

Điều này có thể diễn ra nhưng lại theo một quy trình khá phức tạp. Nó không giống như thực phẩm giàu canxi, có thể trực tiếp làm tăng nồng độ khoáng chất này trong máu, bởi không có loại thực phẩm nào có thể trực tiếp làm tăng mức độ serotonin cho cơ thể. Nhưng một cách gián tiếp, có những loại thực phẩm và một số chất dinh dưỡng có thể làm tăng mức tryptophan, axit amin và từ đó tạo nên serotonin.

Thực phẩm chứa hàm lượng protein cao, chẳng hạn như thịt hoặc gà, chứa hàm lượng tryptophans cao. Tryptophan xuất hiện trong thực phẩm từ sữa, các loại hạt và một số loại thịt. Tuy nhiên, trớ trêu thay, mức độ của cả tryptophan và serotonin đều giảm sau khi bạn tiêu thụ những thực phẩm giàu protein. Vậy lý do là gì? Theo chuyên gia dinh dưỡng Elizabeth Somer, khi bạn ăn một bữa ăn giàu protein, bạn sẽ làm cho cả tryptophan và các axit amin khác cùng chiến đấu để cạnh tranh với nhau, tất cả đều cố gắng để xâm nhập vào não. Điều đó có nghĩa là chỉ một lượng nhỏ tryptophan có thể đi qua - và mức serotonin không tăng đáng kể.

Thay vào đó, bạn nên lựa chọn những thực phẩm giàu carbohydrate, và cơ thể sẽ kích hoạt giải phóng insulin. Các chuyên gia cho rằng điều này khiến bất kỳ axit amin nào trong máu cũng sẽ được hấp thụ vào cơ thể - nhưng không phải não bộ, ngoại trừ tryptophan. Theo các chuyên gia, tryptophan sẽ lưu lại trong máu ở mức độ cao sau khi bạn tiêu thụ những thực phẩm giàu carbohydrate, điều này có nghĩa là tryptophan có thể tự do đi vào não và làm cho mức serotonin tăng lên.

Ngoài ra, để tăng mức độ serotonin trong cơ thể, bạn nên lựa chọn những nguồn cung cấp vitamin B6 bởi nó ảnh hưởng đến tốc độ tryptophan được chuyển đổi thành serotonin.

6. Tập thể dục có thể làm tăng mức serotonin?

Tâm trạng bạn có thể cải thiện rất nhiều khi bạn luyện tập thể dục và nhìn chung, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên có thể điều trị bệnh trầm cảm hiệu quả như các phương pháp khác, bao gồm thuốc chống trầm cảm hoặc liệu pháp tâm lý. Trước đây, nhiều người tin rằng tập thể dục trong vòng vài tuần sẽ đem đến hiệu quả trong việc điều trị bệnh trầm cảm, nhưng một nghiên cứu mới được thực hiện tại Đại học Texas tại Austin cho thấy chỉ là cần luyện tập thể dục trong khoảng thời gian 40 phút có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến tâm trạng của bạn.

Nhiều chuyên gia tin rằng tập thể dục tác động đến mức độ serotonin trong cơ thể, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa xác định được cơ chế chính xác cũng như bằng chứng chắc chắn cho thấy điều này xảy ra.

7. Đàn ông và phụ nữ có cùng lượng serotonin nhưng liệu nó có hoạt động giống nhau trong não và cơ thể họ hay không?

Các nghiên cứu cho thấy nam giới có nhiều serotonin hơn phụ nữ một chút, nhưng sự khác biệt này được cho là không đáng kể. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm 2007 trên tạp chí Biological Psychiatry cho thấy có một sự khác biệt rất lớn về cách mà cơ thể phản ứng đối với việc giảm serotonin giữa đàn ông và phụ nữ. Đây có thể là một trong những lý do tại sao phụ nữ bị trầm cảm nhiều hơn nam giới.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nam giới có thể trở nên bốc đồng nhưng không không dễ mắc phải chứng trầm cảm khi khi cơ thể bị suy giảm tryptophan làm giảm mức serotonin trong não. Mặt khác, phụ nữ cảm thấy tâm trạng giảm sút rõ rệt và trở nên thận trọng hơn - một phản ứng cảm xúc thường liên quan đến trầm cảm. Trong khi hệ thống xử lý serotonin có vẻ giống nhau ở cả hai giới, các nhà nghiên cứu hiện tin rằng nam giới và phụ nữ có thể sử dụng serotonin theo cách khác nhau.


Phụ nữ dễ mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn nam giới
Phụ nữ dễ mắc bệnh trầm cảm nhiều hơn nam giới

Mặc dù các nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết việc xác định những khác biệt này có thể là bước khởi đầu để tìm hiểu lý do tại sao nhiều phụ nữ bị rối loạn tâm trạng và lo lắng hơn nam giới, trong khi nhiều nam giới mắc chứng nghiện rượu, ADHD và rối loạn kiểm soát xung động.

Cũng có một số bằng chứng cho thấy nội tiết tố nữ cũng có thể tương tác với serotonin để gây ra một số triệu chứng hoặc trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ tiền kinh nguyệt, trong thời kỳ hậu sản hay khoảng thời gian mãn kinh. Điều này không phải là ngẫu nhiên, bởi đây đều là những giai đoạn hormone sinh dục thay đổi thất thường. Mặt khác, nam giới thường có mức độ ổn định của hormone sinh dục cho đến tuổi trung niên khi sự suy giảm dần dần.

8. Cả bệnh mất trí nhớ và bệnh Alzheimer đều là những bệnh lý liên quan đến não, vậy serotonin có đóng vai trò gì không?

Cũng giống như cách chúng ta mất khối lượng xương khi già đi, một số nhà nghiên cứu tin rằng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh cũng chậm lại như một phần của quá trình lão hóa.

Trong một nghiên cứu quốc tế được công bố vào năm 2006, các bác sĩ từ một số trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới đã ghi nhận sự thiếu hụt serotonin trong não của những bệnh nhân Alzheimer đã qua đời. Họ đưa ra giả thuyết rằng sự thiếu hụt này là do giảm các vị trí thụ thể - các tế bào có khả năng nhận truyền serotonin và điều này có thể gây ra ít nhất một số triệu chứng liên quan đến trí nhớ của những bệnh nhân Alzheimer. Không có bằng chứng nào cho thấy việc tăng mức serotonin sẽ ngăn ngừa bệnh Alzheimer hoặc trì hoãn sự khởi phát hay tiến triển của chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn đang được tiếp tục, điều này cũng có thể có sự thay đổi.

9. Hội chứng serotonin là gì và nó có nguy hiểm không?

Thuốc chống trầm cảm SSRI thường được coi là là một loại thuốc an toàn. Tuy nhiên, một tác dụng phụ hiếm gặp của SSRI được gọi là hội chứng serotonin có thể xảy ra khi mức hóa chất thần kinh này trong não tăng quá cao. Nó xảy ra thường xuyên nhất khi người bệnh sử dụng hai hoặc nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến mức serotonin được sử dụng đồng thời. Ví dụ: Nếu bạn đang dùng một loại thuốc trị đau nửa đầu tên là triptans, đồng thời với thuốc SSRI để điều trị trầm cảm, dẫn đến tình trạng cơ thể bạn bị quá tải serotonin. Điều tương tự cũng có thể xảy ra khi bạn bổ sung SSRI, chẳng hạn như St. John's wort.

Các vấn đề rất dễ xảy ra khi bạn mới bắt đầu dùng thuốc hoặc tăng liều lượng, hay nếu bạn kết hợp thuốc trầm cảm cũ hơn (được gọi là MAOI) với SSRI.

Các loại thuốc kích thích như thuốc lắc hoặc LSD cũng có liên quan đến hội chứng serotonin.

Các triệu chứng có thể xảy ra trong vòng vài phút đến vài giờ và thường bao gồm các biểu hiện như bồn chồn, ảo giác, tim đập nhanh, tăng nhiệt độ cơ thể và đổ mồ hôi, mất khả năng phối hợp, co thắt cơ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy và huyết áp thay đổi nhanh.

Mặc dù không xảy ra phổ biến nhưng hội chứng serotonin có thể gây nguy hiểm và được coi là một trường hợp cấp cứu y tế. Chúng ta có thể điều trị hội chứng này bằng cách ngừng thuốc, truyền dịch qua đường tĩnh mạch, thuốc giãn cơ để ngăn chặn sản xuất serotonin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe