Sau khi thay van tim có nên mang thai không là băn khoăn của nhiều chị em phụ nữ. dù mang thai có thể tạo nhiều áp lực lên tim và hệ tuần hoàn cơ thể nhưng nhiều phụ nữ có bệnh van tim vẫn mong muốn có con. Để trả lời cho câu hỏi này, bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.
1. Những trường hợp nào cần thay van tim?
- Hẹp van động mạch chủ: Khi van động mạch chủ hẹp nhiều khiến dòng máu mà tâm thất trái tống vào động mạch chủ bị tắc nghẽn. Tâm thất trái cần làm việc nhiều hơn để bơm máu ra ngoài, dẫn đến phì đại thất trái, gây suy tim mất bù. Trong trường hợp người bệnh mang thai sẽ tăng nguy cơ biến chứng nặng. Phụ nữ được chẩn đoán hẹp van động mạch chủ cần đi khám khi dự định có thai. Nếu hẹp van động mạch chủ nặng hoặc đã có triệu chứng như khó thở, đau ngực thì người bệnh không nên có thai cho tới khi được phẫu thuật. Nếu đã mang thai và xuất hiện các triệu chứng sớm thì cần phối hợp khám chuyên khoa tim mạch và chuyên khoa sản để có thể đưa ra phương hướng điều trị phù hợp.
- Hở van động mạch chủ: Van động mạch chủ đóng không kín làm cho dòng máu từ động mạch chủ phụt ngược lại về tâm thất trái, làm cho tâm thất trái giãn ra, tăng áp lực lên tim trái, lâu dài cũng gây tình trạng suy tim. Phụ nữ mang thai có hở van động mạch chủ thường không có triệu chứng khi chức năng tim còn trong giới hạn bình thường. Thay đổi lối sống, chế độ ăn, có thể sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc trợ tim cho các trường hợp hở van động mạch chủ nặng có rối loạn chức năng thất trái hoặc bệnh nhân hở van có triệu chứng trên lâm sàng. Trong quá trình thai nghén cần lưu ý một số thuốc như ức chế men chuyển (loại thuốc hay dùng điều trị trong hở van động mạch chủ) có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi, vì vậy nên thay bằng nhóm thuốc khác. Nếu có thể, nên trì hoãn phẫu thuật đến khi sinh xong để tránh nguy cơ gây sảy thai hay sinh non. Người bệnh có triệu chứng và có rối loạn chức năng thất trái nên được theo dõi huyết động trong khi chuyển dạ.
- Hẹp van hai lá: Van hai lá bị hẹp nhiều khiến máu từ tâm nhĩ khó đi xuống được tâm thất trái nên máu bị ứ lại một phần ở tâm nhĩ trái, tăng áp nhĩ trái làm nhĩ trái giãn. Hậu quả làm tăng áp lực ở phổi làm bệnh nhân khó thở, gây triệu chứng hen tim, phù phổi cấp, rung nhĩ, loạn nhịp tim, hình thành cục máu đông gây đột quỵ não cho người bệnh. Bệnh nhân hẹp van hai lá có thể can thiệp bằng nong van hai lá bằng bóng qua da. Trong trường hợp bệnh nhân hẹp khít kèm hở van hai lá hoặc lá van quá dày, vôi hoá, bác sĩ sẽ chỉ định thay van hai lá. Phụ nữ có bệnh hẹp van hai lá nặng cần liên hệ bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn về phương pháp điều trị nong van hoặc phẫu thuật thay van hai lá trước khi có kế hoạch mang thai.
- Hở van hai lá: Van hai lá đóng không kín làm cho dòng máu từ tâm thất trái phụt ngược trở lên tâm nhĩ trái. Khi đó tâm thất trái hoạt động nhiều hơn để đảm bảo bơm máu đi nuôi cơ thể, lâu ngày dẫn đến giãn thất trái, hậu quả là suy tim. Người bệnh hở van hai lá nặng đi kèm triệu chứng suy tim (khó thở khi gắng sức, nặng là khó thở cả khi nghỉ ngơi) hoặc trên siêu âm tim có hình ảnh giảm phân suất tống máu thì nên thay van tim hoặc sửa van tim tuỳ theo tình trạng tổn thương van và hệ thống dây chằng, cột cơ ở van tim. Đối với phụ nữ mang thai có hở van hai lá có thể không biểu hiện triệu chứng khi chức năng tim vẫn còn bù trừ tốt, tuy nhiên ở những đối tượng có hở van hai lá nặng, kèm theo chức năng tim đã suy giảm thì quá trình thai nghén dễ có các biến chứng khi mang thai và khi sinh nở.
- Sa van hai lá: Bệnh xảy ra khi van giữa buồng tâm nhĩ trái và tâm thất trái không đóng đúng cách. Khi tâm thất trái co bóp, làm phồng nắp của van (sa van) lên trên hoặc quay trở lại tâm nhĩ. Đây là bệnh thường ít gây triệu chứng, không cần điều trị và số phụ nữ bị sa van hai lá có thể mang thai an toàn. Nếu sa van hai lá gây hở van tim nhiều thì cần được điều trị trước khi mang thai theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
2. Thay van tim cơ học có sinh con được không?
Đối với phụ nữ, ai cũng mong muốn được thực hiện thiên chức làm mẹ, nhưng với những người thay van tim cơ học có nên mang thai không lại là điều băn khoăn và lo lắng.
Người bệnh có van tim cơ học cần phải dùng thuốc chống đông suốt đời với mục đích phòng ngừa nguy cơ hình thành huyết khối trên van (gây kẹt van, biến chứng đột quỵ não, nhồi máu cơ tim,..). Tuy nhiên, khi dùng quá liều thuốc có thể gây xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong cơ và bao khớp,... Ngoài ra ở phụ nữ mang thai, thuốc cũng làm tăng nguy cơ quái thai, dị tật thai nhi, sảy thai, thai lưu, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Vì vậy, với người bệnh mang van tim cơ học, việc mang thai sẽ dẫn đến nguy cơ lớn cho cả mẹ và thai nhi.
Những phụ nữ có van tim nhân tạo và đang sử dụng thuốc chống đông, việc đi khám bác sĩ khi có kế hoạch mang thai là rất quan trọng. Phụ nữ sau khi thay van cơ học mà phát hiện mình có thai cần đến bệnh viện uy tín để được tư vấn, theo dõi, đưa ra phương hướng điều trị bởi các bác sĩ đầu ngành có chuyên môn cao.
3. Thay van tim có nên sinh con hay không?
Hiện nay, với hai lựa chọn khác là thay van sinh học và van tự thân (phương pháp Ozaki), phụ nữ sau khi thay van tim hoàn toàn có thể thực hiện thiên chức làm mẹ của mình, vì không cần phải dùng thuốc chống đông suốt đời.
Kỹ thuật dùng màng ngoài tim tự thân tái tạo van động mạch chủ là phương pháp do Giáo sư Ozaki (người Nhật Bản) phát minh cách đây hơn 10 năm. Kỹ thuật tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân hiện đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới và được coi là một bước tiến vượt bậc, mang đến nhiều ưu điểm trong điều trị thay thế van tim như. Phương pháp này phù hợp với đối tượng người bệnh là phụ nữ có nhu cầu mang thai. Thay van tự thân bằng phương pháp Ozaki là một kỹ thuật tiên tiến, người bệnh có mong muốn thay van tim tự thân cần đến bệnh viện lớn, uy tín và thủ thuật phải được thực hiện bởi chuyên gia đầu ngành có tay nghề thành thạo, chuyên môn cao, được đào tạo bài bản.
Bệnh van tim là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nhất là với phụ nữ mang thai vì gây ảnh hưởng trực tiếp tới cả mẹ và thai nhi. Nếu không được theo dõi đặc biệt từ bác sĩ, quá trình mang thai có thể xảy ra nhiều nguy cơ. Hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang tới nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ có bệnh van tim mà mong muốn mang thai. Tuy nhiên, trước khi quyết định mang thai, người bệnh cần đi khám ở các chuyên khoa tim mạch sâu, chuyên khoa sản để được các bác sĩ chẩn đoán và tư vấn các phương pháp theo hướng tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.