Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bạn có biết rằng, nếu mang thai sau sinh mổ hoặc sinh thường quá sớm sau khi sinh có thể gây rủi ro cho cả bạn và thai nhi. Mang thai chỉ trong vòng một năm sau khi sinh làm tăng khả năng sinh non và trẻ sinh non có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Vậy các chuyên gia khuyến cáo thời gian mang thai sau sinh là bao lâu?
1.Sau sinh có dễ mang thai?
Cho dù bạn sinh bằng đường âm đạo hay sinh mổ, cơ thể bạn vẫn có khả năng mang thai rất nhanh sau khi sinh, ví dụ có những trường hợp có thai sau sinh mổ 5 tháng. Bạn có thể rụng trứng trước khi có kỳ kinh đầu tiên sau sinh và ngay sau khi rụng trứng, bạn bắt đầu có thể thụ thai.
Mặc dù các chuyên gia đều khuyên bạn không nên quan hệ tình dục trước thời điểm đi tái khám sau sáu tuần sinh, nhưng trên thực tế thì việc quan hệ tại thời điểm này vẫn xảy ra. Nếu bạn không sử dụng biện pháp tránh thai, bạn có thể mang thai. Bạn và đối tác có thể xem xét các lựa chọn thay thế cho quan hệ tình dục vì lý do cần có thời gian hồi phục sau sinh con và để tránh thai.
Cho con bú, mặc dù có thể làm chậm quá trình rụng trứng ở một số phụ nữ, nhưng không phải là một phương pháp ngừa thai hiệu quả 100%, trừ khi bạn đang theo phương pháp cho con bú vô kinh (LAM). Theo phương pháp này, bạn không nên sử dụng máy hút sữa, trẻ không bao giờ được ngậm núm vú giả và trẻ không ngủ suốt đêm. Đây là tiêu chuẩn mà hầu hết phụ nữ khó đạt được.
Việc cho con bú thường ngăn cản sự rụng trứng, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Tuy nhiên, những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng có ít khả năng rụng trứng hơn những phụ nữ không cho con bú.
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC), phải có 3 yếu tố sau để LAM có cơ hội ngừa thai tốt nhất:
- Em bé phải dưới 6 tháng tuổi. Sau 6 tháng, việc cho con bú thường trở nên ít hơn, làm tăng nguy cơ rụng trứng trở lại.
- Người mẹ phải cho con bú hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn. Cho trẻ bú sữa công thức hoặc các thức ăn khác làm tăng khoảng cách thời gian giữa các lần bú mẹ. Cho con bú theo nhu cầu với khoảng cách giữa các cữ bú không quá 4–6 giờ là chiến lược hiệu quả nhất.
- Mẹ không có kinh nguyệt. Mặc dù không phải tất cả phụ nữ có kinh nguyệt đều có khả năng sinh sản, nhưng việc phụ nữ có kinh trở lại cho thấy cơ thể đang chuẩn bị rụng trứng.
Nghiên cứu về hiệu quả của LAM còn nhiều khó khăn. Một thách thức lớn của phương pháp này là khó thực hiện chính xác trên thực tế. Việc xa con qua đêm hoặc làm việc nhiều ngày có thể tạo ra khoảng trống trong việc cho con bú khiến phương pháp này kém hiệu quả.
Theo các chuyên gia, LAM có hiệu quả khoảng 98% khi người mẹ sử dụng phương pháp này trong 6 tháng đầu tiên sau sinh.
Sau 6 tháng sau sinh, LAM bắt đầu kém hiệu quả. Những phụ nữ chưa mong muốn có thai tiếp nên bắt đầu nghĩ đến việc sử dụng một biện pháp tránh thai khác.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2.Nguy cơ mang thai trong vòng sáu tháng sau khi sinh
Có nhiều bằng chứng tin cậy cho thấy, những phụ nữ sinh con gần nhau có nguy cơ mang thai lần thứ hai hơn. Điều này là do cơ thể của họ chưa hoàn toàn hồi phục sau khi sinh. Ngay cả khi bạn cảm thấy cơ thể được khỏe mạnh nhưng thực ra cơ thể bạn vẫn đang điều chỉnh để thay đổi mức độ hormone và chất dinh dưỡng.
Nếu bạn mang thai trong vòng sáu tháng sau khi sinh, thai nhi sẽ tăng nguy cơ mắc các biến chứng như:
- Dị tật bẩm sinh
- Hạn chế tăng trưởng ở trẻ
- Vỡ ối sớm
- Sinh non
Do đó, để phòng ngừa các biến chứng trên, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) khuyến cáo các cặp vợ chồng nên đợi ít nhất một năm và lý tưởng nhất là 18 tháng sau khi sinh con để mang thai lần nữa.
Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists) khuyên bạn nên đợi ít nhất sáu tháng trở lên sau lần sinh con cuối cùng, trước khi mang thai lại và cần đề phòng những rủi ro khi mang thai sớm hơn 18 tháng sau khi sinh.
Ngoài các biến chứng kể trên, việc thụ thai trong vòng 18 tháng sau khi sinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng trong lần mang thai sau như: làm tăng nguy cơ trẻ bị hen suyễn, chậm phát triển và gặp các vấn đề về thị giác và thính giác sau này.
Các chuyên gia không chắc chắn tại sao, nhưng khoảng thời gian ngắn hơn giữa các lần mang thai có liên quan đến những biến chứng này. Đó có thể là do còn sót lại vết viêm trong tử cung từ lần mang thai trước và do cơ thể không có đủ thời gian để bổ sung đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho lần mang thai sau.
Tuy nhiên, rất nhiều trẻ được thụ thai ngay sau khi mẹ chúng mang thai được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
Mặt khác, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc chờ đợi lâu hơn (hơn 60 tháng hoặc 5 năm) giữa các bé cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các biến chứng tương tự, bao gồm cả sinh non và trẻ nhẹ cân.
Điểm mấu chốt là bạn cần nói chuyện với bác sĩ về thời điểm tốt nhất cho em bé tiếp theo của bạn. Trong thời gian chờ đợi, hãy thực hiện các biện pháp an toàn và sử dụng biện pháp tránh thai khi bạn bắt đầu quan hệ tình dục trở lại sau khi sinh, cho dù bạn đang cho con bú hay không.
Bằng cách đó, bạn sẽ tránh được những lần mang thai ngoài kế hoạch và bạn sẽ tăng khả năng giữ cho mình và em bé tiếp theo khỏe mạnh khi bạn sẵn sàng sinh con tiếp theo.
Nếu mang thai sau sinh mổ hoặc sinh thường quá sớm sau khi sinh có thể gây rủi ro cho cả bạn và thai nhi. Vì vậy, bạn nên áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn khi bạn quan hệ tình dục ngay sau khi sinh để tránh mang thai ngoài ý muốn. Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo:verywellfamily.com, medicalnewstoday.com