Sau một cơn đột quỵ: Co cứng, yếu và liệt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chấn thương não do đột quỵ có thể để lại các di chứng lâu dài cho người bệnh. Mặc dù ở một số người có thể hồi phục nhanh nhưng ngược lại có trường hợp cần phục hồi chức năng trong một thời gian dài. Vì thế, quá trình này phụ thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng sau cơn đột quỵ.

1. Các di chứng thường gặp sau cơn đột quỵ

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não bộ nghiêm trọng do việc cung cấp máu cho não bị gián đoạn. Tình trạng này khiến các tế bào không nhận đủ lượng oxy cần thiết để thực hiện chức năng của nó.

Một số tình trạng bệnh lý người bệnh có thể gặp phải sau cơn đột quỵ bao gồm: Co cứng, yếu và liệt.

Theo đó, có những người sẽ chỉ cảm thấy căng cơ hoặc cứng khớp khiến việc di chuyển trở lên khó khăn, tuy nhiên với nhiều người khác tình trạng có thể nghiêm trọng hơn như mất kiểm soát cử động của chân, tay hay thậm chí liệt tứ chi hoặc liệt nửa người. Theo ước tính của các chuyên gia, 80% số bệnh nhân sống sót sau đột quỵ bị liệt hoặc giảm chức năng vận động chủ yếu ở một bên của cơ thể.


Đột quỵ có thể gây liệt chi ở người bệnh
Đột quỵ có thể gây liệt chi ở người bệnh

Việc phục hồi chức năng cho phần cơ thể liệt là rất cần thiết. Vậy cần làm những gì sau cơn đột quỵ để có thể tìm lại được khả năng vận động đã mất?

  • Phục hồi sau đột quỵ cần bắt đầu càng sớm càng tốt: Thông thường tình trạng bệnh nhân đột quỵ sẽ ổn định trong khoảng 24-48 giờ và các bác sĩ sẽ nhanh chóng tiến hành các phương pháp phục hồi chức năng. Sau khi rời bệnh viện, bệnh nhân vẫn cần tiếp tục luyện tập tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Thực hiện những bài tập cải thiện phạm vi vận động: Gập, duỗi liên tục phần chi bị liệt thúc đẩy làm tăng lưu lượng máu, khiến các cử động dễ dàng hơn. Nếu không có người tập cùng bệnh nhân hoàn toàn có thể dùng tay bên không bị liệt nhẹ nhàng duỗi cổ tay, cánh tay và ngón tay bên liệt.
  • Thực hiện những bài tập tái tạo sức mạnh cơ: Các bài tập này giúp tăng cường cơ bắp, cải thiện khả năng sử dụng chi liệt.
  • Điện xung trị liệu: Là cách an toàn để kích thích các dây thần kinh điều khiển hoạt động của cơ trong trường hợp có tổn thương do đột quỵ. Dòng xung điện giúp tăng trương lực cơ, giảm đau và co cứng qua đó giúp cơ thể dần lấy lại quyền kiểm soát các cơ bị liệt.
  • Rèn luyện kỹ năng vận động phức tạp: Kỹ năng vận động phức tạp là khả năng thực hiện những chuyển động nhỏ bằng bàn tay và ngón tay một cách chính xác. Người bệnh có thể tự tập luyện bằng cách cố gắng nhặt những hạt đậu nhỏ và bỏ chúng vào những chiếc cốc. Bài tập này cần sự kiên trì rất lớn từ phía người bệnh nếu muốn thành công.
  • Ngoài các bài tập thể chất, người bệnh có thể được điều trị tình trạng co cứng các cơ bằng các loại thuốc tiêm hoặc uống. Thuốc giãn cơ tác động vào hệ thống thần kinh giúp cơ bị liệt giãn ra, giảm đau và phần nào lấy lại được cử động của chúng. Tuy nhiên những loại thuốc này có thể đi kèm với một số tác dụng phụ như buồn ngủ, mệt mỏi và chúng phải được sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Trong trường hợp các loại thuốc trên không đáp ứng với cơ bị liệt có thể sử dụng liệu pháp Baclofen. Đây là phương pháp phẫu thuật để cấy ghép một máy bơm nhỏ đưa thuốc giãn cơ Baclofen vào tủy sống. Phương pháp này giúp hạn chế các tác dụng phụ của thuốc giãn cơ tuy nhiên không được khuyến khích sử dụng.
  • Tái rèn luyện kỹ năng sống: Là một trong những nội dung quan trọng nhất trong quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ để giúp người bệnh có thể di chuyển và thực hiện các hoạt động tự chăm sóc bản thân hàng ngày như thay quần áo, tắm giặt, nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh....
  • Duy trì các phương pháp phục hồi chức năng: Ba tháng đầu sau khi đột quỵ là khoảng thời gian việc phục hồi đạt hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên tiếp tục duy trì và nâng cao mức độ tập luyện cũng là việc hết sức cần thiết để có thể khôi phục tối đa các chức năng vận động của cơ liệt.

Điện xung giúp điều trị lấy lại quyền kiểm soát các cơ bị liệt ở bệnh nhân đột quỵ
Điện xung giúp điều trị lấy lại quyền kiểm soát các cơ bị liệt ở bệnh nhân đột quỵ

2. Di chứng đột quỵ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể

Đột quỵ có thể để lại nhiều di chứng liên quan đến các cơ quan, hệ cơ quan khác nhau trên cơ thể như:

  • Hệ hô hấp: Các tổn thương não bộ có thể khiến việc ăn uống trở lên khó khăn. Đây là triệu chứng phổ biến nhưng có thể được cải thiện theo thời gian khi cơn đột quỵ qua đi. Tuy nhiên, nếu các tổn thương não xảy ra tại trung tâm điều khiển các hoạt động hô hấp của cơ thể có thể dẫn đến ngừng hô hấp, thậm chí tử vong.
  • Hệ thần kinh: Di chứng mà đột quỵ để lại cho hệ thần kinh là rất nặng nề. Người bệnh có thể mất khả năng cảm nhận một số cảm giác như nóng, lạnh, đau... hoặc suy giảm thị lực nếu các dây thần kinh vùng mắt bị tổn thương. Thậm chí gây ra một loạt những vấn đề về thần kinh như: mất trí nhớ, sa sút trí tuệ và thay đổi hành vi như dễ nóng giận, trầm cảm. Nếu là tổn thương các dây thần kinh vận động, người bệnh có thể bị liệt sau đột quỵ.
  • Hệ tuần hoàn: Hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng phần lớn do các thói quen khiến bệnh nhân bị đột quỵ như hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hay mắc tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.... Nếu đã bị đột quỵ ngoài luyện tập phục hồi chức năng bệnh nhân cũng cần thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn cũng như chế độ luyện tập.

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng gây đột quỵ
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng gây đột quỵ
  • Hệ cơ: Những di chứng ảnh hưởng đến hệ cơ có thể là giảm vận động của một số bộ phận trên cơ thể hoặc thậm chí là tình trạng liệt sau đột quỵ.
  • Hệ tiêu hóa: Đột quỵ gây ra những ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa bởi 2 yếu tố: Một số loại thuốc sử dụng điều trị đột quỵ có thể gây táo bón, bên cạnh đó đột quỵ có thể gây tổn thương cho vùng não kiểm soát các hoạt động tiêu hóa của ruột dẫn đến hạn chế hoặc mất chức năng ruột.
  • Hệ tiết niệu: Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến việc giao tiếp giữa nào và hệ tiết niệu, đặc biệt là bàng quang khiến bệnh nhân có thể đi vệ sinh thường xuyên, tiểu tiện dầm dề, không tự chủ, thậm chí một kích thích rất nhỏ như ho hay cười cũng khiến người bệnh tiểu tiện.
  • Hệ sinh sản: Đột quỵ có thể không trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản nhưng có thể làm giảm ham muốn tình dục nếu bệnh nhân mắc những rối loạn tâm lý hay sử dụng một số loại thuốc điều trị. Một vấn đề khác là tình trạng liệt sau đột quỵ cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động tình dục. Điều này có thể được cải thiện nếu bệnh nhân và vợ (hoặc chồng) của họ có thể thông cảm để cùng tìm ra tiếng nói chung.

Đột quỵ có thể để lại các di chứng nặng nề đối với người bệnh như co cứng, yếu thậm chí là liệt. Một số người có thể cải thiện rất nhanh tình trạng của mình sau khi gặp phải tai biến nhưng hầu hết các trường hợp đột quỵ thường cần sự hỗ trợ phục hồi chức năng trong một thời gian dài kết hợp với sự kiên trì của người bệnh mới có thể giảm được gánh nặng cuộc sống đối với gia đình và xã hội.


Người bệnh nên tìm kiếm và lựa chọn địa chỉ tin cậy giúp phòng ngừa và phục hồi bệnh đột quỵ
Người bệnh nên tìm kiếm và lựa chọn địa chỉ tin cậy giúp phòng ngừa và phục hồi bệnh đột quỵ

Nguy hiểm là vậy nhưng đột quỵ là một căn bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua việc tầm soát. Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).\

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, nhs.uk, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe