Mãn kinh là giai đoạn người phụ nữ không còn khả năng sinh sản, đánh dấu sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt. Trong thời kỳ này, cơ thể phụ nữ tạo ra ít hormone estrogen và progesterone hơn. Mức độ hormone thấp có thể dẫn đến các triệu chứng như đổ mồ hôi ban đêm, bốc hỏa, khô âm đạo, mỏng xương... Vậy có nên uống thuốc nội tiết tố nữ sau mãn kinh không?
1. Liệu pháp thay đổi hormone
Liệu pháp thay thế hormone là sử dụng các thuốc nội tiết tố nữ để thay thế estrogen mà cơ thể ngừng tạo ra trong thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp hormone thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh phổ biến, bao gồm bốc hỏa và khó chịu ở âm đạo.
Liệu pháp hormone cũng được chứng minh là có thể ngăn ngừa hiện tượng mất xương và giảm nguy cơ gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Tuy nhiên, có những rủi ro liên quan đến việc sử dụng thuốc nội tiết tố nữ. Những rủi ro này phụ thuộc vào loại liệu pháp hormone, liều lượng, thời gian dùng thuốc và rủi ro sức khỏe cá nhân của người sử dụng. Để có kết quả tốt, liệu pháp hormone nên được điều chỉnh phù hợp với từng người và đánh giá lại thường xuyên để đảm bảo lợi ích vẫn nhiều hơn nguy cơ.
2. Các loại liệu pháp hormone cơ bản
Liệu pháp thay thế hormone chủ yếu tập trung vào việc thay thế estrogen mà cơ thể người phụ nữ không còn tạo ra sau khi mãn kinh. Có hai loại liệu pháp estrogen chính:
- Liệu pháp hormone toàn thân: sử dụng thuốc nội tiết tố nữ Estrogen đường toàn thân có các dạng như viên uống, miếng dán vào da, gel, dạng xịt... chứa liều lượng hoạt chất estrogen cao hơn so với lượng được hấp thụ vào cơ thể, liệu pháp này có thể được sử dụng để điều trị bất kỳ triệu chứng nào của giai đoạn mãn kinh.
- Sản phẩm đặt âm đạo liều thấp: Các chế phẩm thuốc nội tiết tố nữ đặt âm đạo với liều thấp của estrogen ở dạng kem, viên nén hoặc dạng vòng - giúp giảm thiểu lượng estrogen được cơ thể hấp thụ. Do đó, các chế phẩm đặt âm đạo liều thấp thường chỉ được sử dụng để điều trị các triệu chứng liên quan đến âm đạo và tiết niệu của thời kỳ mãn kinh.
Nếu người dùng chưa cắt bỏ tử cung, bác sĩ thường sẽ kê toa estrogen cùng với progesteron hoặc progestine (thuốc giống progesterone). Vì nếu chỉ dùng estrogen đơn độc, không có sự cân bằng bởi progesterone sẽ kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Nếu người sử dụng thuốc nội tiết tố nữ đã cắt bỏ tử cung thì có thể không cần dùng đến progestin.
XEM THÊM: Phụ nữ có nên sử dụng liệu pháp hormon thay thế trong thời kỳ mãn kinh?
3. Những rủi ro khi sử dụng thuốc nội tiết tố nữ
Trong thử nghiệm lâm sàng lớn nhất cho đến nay, liệu pháp thay thế hormone bao gồm 1 viên thuốc estrogen - progestin (Prempro) cho thấy thuốc làm tăng nguy cơ gặp phải một số tình trạng nghiêm trọng gồm:
- Bệnh tim;
- Đột quỵ;
- Các cục máu đông;
- Ung thư vú.
Các nghiên cứu tiếp theo cho rằng những rủi ro này khác nhau tùy thuộc vào:
- Tuổi tác: Phụ nữ bắt đầu liệu pháp hormone với thuốc nội tiết tố nữ ở tuổi 60 trở lên hoặc dùng thuốc chậm hơn 10 năm kể từ khi bắt đầu mãn kinh có nguy cơ mắc các tình trạng trên cao hơn. Nhưng nếu liệu pháp hormone được bắt đầu trước 60 tuổi hoặc trong vòng 10 năm sau khi mãn kinh, lợi ích dường như lớn hơn nguy cơ.
- Loại liệu pháp hormone: Các rủi ro của liệu pháp hormone khác nhau tùy thuộc vào việc sử dụng estrogen đơn lẻ hay phối hợp với progestin và còn phụ thuộc vào liều lượng và loại estrogen.
- Tiền sử sức khỏe: Tiền sử gia đình, tiền sử bệnh tật, nguy cơ ung thư, bệnh tim, đột quỵ, cục máu đông, bệnh gan và loãng xương là những yếu tố quan trọng để xác định liệu pháp thay thế hormone có phù hợp với bệnh nhân hay không.
Tất cả những rủi ro này nên được bệnh nhân và bác sĩ cân nhắc trước khi quyết định liệu pháp hormone.
4. Khi nào cần sử dụng liệu pháp hormon với thuốc nội tiết cho người mãn kinh?
Rất nhiều chị em phụ nữ đang hoặc đã trải qua thời kỳ mãn kinh thắc mắc có nên uống thuốc nội tiết tố nữ hay không? Lợi ích của liệu pháp hormone có thể nhiều hơn rủi ro nếu người dùng có các biểu hiện sau:
- Cơn bốc hỏa từ trung bình đến nghiêm trọng: Thuốc nội tiết tố nữ estrogen toàn thân vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi trộm vào ban đêm trong giai đoạn mãn kinh;
- Có các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh: Estrogen có thể làm dịu các triệu chứng liên quan đến âm đạo như khô, ngứa, rát và đau khi giao hợp;
- Cần phòng ngừa tình trạng loãng xương hoặc gãy xương: Estrogen toàn thân giúp bảo vệ cơ thể chống lại loãng xương. Tuy nhiên, bisphosphonates mới là biện pháp điều trị loãng xương. Thuốc nội tiết nữ estrogen có thể hữu ích khi thất bại với các phương pháp điều trị khác;
- Mãn kinh sớm hoặc thiếu hụt estrogen: trường hợp nữ giới đã thực hiện cắt buồng trứng vào độ tuổi trước 45 hoặc người mãn kinh trước 45 tuổi hoặc người bị suy giảm chức năng buồng trứng trước 40 tuổi (suy buồng trứng nguyên phát), khi đó cơ thể người bệnh có lượng estrogen ít hơn bình thường, việc sử dụng thuốc nội tiết cho người mãn kinh có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như loãng xương, bệnh tim, đột quỵ, sa sút trí tuệ và thay đổi tâm trạng.
5. Các dạng bào chế của thuốc nội tiết tố nữ
Thuốc nội tiết cho người mãn kinh có các dạng bào chế gồm dạng viên uống, miếng dán, gel, kem bôi âm đạo, thuốc đặt hoặc vòng giải phóng hoạt chất chậm đặt âm đạo. Nếu phụ nữ mãn kinh có các dấu hiệu liên quan đến âm đạo thì estrogen trong kem bôi âm đạo liều thấp, viên nén hoặc vòng giải phóng chậm mang lại hiệu quả cao hơn thuốc uống hoặc miếng dán ngoài da.
Liều lượng sử dụng cần hạn chế, tốt nhất là liều thấp nhất có hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Phụ nữ dưới 45 tuổi cần đủ lượng estrogen để bảo vệ sức khỏe khỏi những tác động lâu dài của việc thiếu hụt estrogen. Còn đối với phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh kéo dài và chất lượng cuộc sống giảm đáng kể, bác sĩ có thể đề nghị điều trị lâu dài hơn.
Khi đang sử dụng thuốc nội tiết tố nữ, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để đảm bảo lợi ích của liệu pháp hormon vẫn lớn hơn nguy cơ tác dụng phụ. Đồng thời, cần chụp X quang tuyến vú và khám vùng chậu để theo dõi.
Lựa chọn lối sống lành mạnh: tập thể dục mỗi ngày, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia, tránh xa mọi căng thẳng phiền não và kiểm soát tốt các bệnh mãn tính như cholesterol cao hoặc tăng huyết áp. Nếu phụ nữ chưa cắt bỏ tử cung và đang sử dụng liệu pháp estrogen toàn thân, progestin cũng sẽ cần thiết.
6. Cần làm gì khi không thể sử dụng thuốc nội tiết tố nữ?
Khi không sử dụng thuốc nội tiết tố, phụ nữ cần kiểm soát các cơn bốc hỏa bằng lối sống lành mạnh như hạn chế đồ uống có chứa caffeine và rượu, giữ nhịp thở thư giãn hoặc thực hiện một số cách thư giãn cơ thể khác. Ngoài ra còn có một số loại thuốc kê đơn không chứa hormone có thể giúp giảm cơn bốc hỏa.
Đối với các vấn đề về âm đạo như khô hoặc giao hợp đau, kem dưỡng ẩm hoặc chất bôi trơn âm đạo có thể giúp giảm khó chịu.
Tóm lại, để biết liệu pháp bổ sung thuốc nội tiết tố nữ có mang lại lợi ích hay không, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng và nguy cơ sức khỏe cá nhân. Giữ liên lạc thông tin với bác sĩ trong suốt những năm mãn kinh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, fda.gov, nhs.uk