Sau đặt stent mạch vành, bệnh nhân cần làm gì để có kết quả tốt?

Bác sĩ Gilles Levy là chuyên gia đã có gần 25 năm trong lĩnh vực can thiệp tim mạch ở Pháp. Ông hiện là Trưởng khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Le Milenaire, thành phố Montpellier. Ông đang làm việc tại bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec từ ngày 19 – 31.5.

Thưa bác sĩ, vì sao ông lại nhấn mạnh vấn đề tuân thủ điều trị sau đặt stent mạch vành?
Đặt stent mạch vành được chỉ định cho bệnh nhân bị hẹp, tắc mạch vành. Đây là can thiệp tim mạch được thực hiện khá phổ biến, giúp tái tưới máu cho cơ tim tốt hơn trong mọi điều kiện hoạt động gắng sức của bệnh nhân. Quá trình thực hiện thủ thuật thường được tiến hành trong vòng 1 giờ và phần lớn bệnh nhân xuất viện chỉ sau 1 – 2 ngày, trở lại hoạt động bình thường.
Từ 25 năm qua, mỗi năm tôi đã thực hiện 1.200 ca đặt stent ở Pháp và cả ở Việt Nam. Bệnh nhân ở Pháp sau khi đặt stent tuân thủ các chỉ định của bác sĩ khá tốt. Trong khi đó, một số người bệnh ở Việt Nam cho rằng đặt xong stent là khỏi hẳn bệnh mạch vành; hoặc nghĩ đặt stent chỉ là một thủ thuật nhỏ nên chủ quan. Đây là nhầm lẫn tai hại vì can thiệp này chỉ giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành mà không điều trị bệnh nền tảng là xơ vữa động mạch đã có từ trước. Tắc nghẽn có thể tiếp tục xảy ra ở những vị trí khác của hệ thống mạch vành. Khi người bệnh không dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh có thể tái phát chỉ sau 1 – 2 năm, thậm chí 6 tháng đặt stent.

Bác sĩ có thể nói rõ về tình trạng tái phát này?
Người bệnh sẽ bị tái hẹp trong lòng stent, hoặc tắc stent gây nhồi máu cơ tim , hoặc hẹp những vị trí xung quanh, tổn thương các nhánh mạch máu khác. Họ buộc phải thực hiện can thiệp tim mạch lần 2 bằng cách đặt stent trong lòng stent, hoặc mổ bắc cầu vành... là những điều trị phức tạp, tốn kém hơn rất nhiều. Nếu không có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau 2 lần mổ, sức khỏe của người bệnh sẽ lâu phục hồi, giảm sức bền đi nhiều hơn.

Vậy thưa bác sĩ, đâu là những chỉ định mà người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ sau khi đặt stent?
Sau khi đặt stent, người bệnh phải dùng thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, kết hợp với các thuốc hạ áp, hạ cholesterol máu, thuốc điều trị đái tháo đường ở những người bị tiểu đường... Họ phải uống đầy đủ, đúng giờ các loại thuốc được kê ít nhất trong vòng 1 năm sau can thiệp. Cần khám định kỳ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm sau đặt stent. Đến thời điểm 1 năm, cần làm nghiệm pháp gắng sức để kiểm tra khả năng tưới máu của tim.
Họ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống cho lành mạnh; bỏ hút thuốc, giảm cân nếu có thừa cân hoặc béo phì. Giảm ăn dầu, mỡ động vật, muối cũng sẽ giúp giảm nguy cơ xuất hiện thêm tắc nghẽn mạch vành.
Về vận động, người bệnh không nên lái xe hoặc đi đường xa, quan hệ tình dục trong 2 tuần đầu sau can thiệp. Sau này, họ cũng không nên tham gia các hoạt động thể lực mạnh nhưng nên đi bộ 30 – 60 phút mỗi ngày, tùy theo sức. Nếu thấy đau ngực hoặc khó thở quá mức, hãy ngừng vận động ngay và nhanh chóng liên lạc với bác sĩ. Khi phải sử dụng thuốc, ngay cả Viagra cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước bởi thuốc chống ngưng tập tiểu cầu có thể chống chỉ định với một số loại thuốc.


Xin cảm ơn bác sĩ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe