Sản phụ nào không được áp dụng phương phương pháp đẻ không đau?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Tịnh - Bác sĩ Gây mê - Hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có hơn 18 năm kinh nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực Gây mê – Hồi sức.

Phương pháp đẻ không đau gây tê ngoài màng cứng là lựa chọn tốt, giúp cuộc sinh thường qua ngã âm đạo của sản phụ nhanh chóng, thuận lợi và giảm nguy cơ sinh mổ. Tuy nhiên, không phải sản phụ nào cũng có thể tiêm thuốc đẻ không đau ngoài màng cứng.

1. Phương pháp giảm đau khi chuyển dạ

Khi chuyển dạ sinh con, với những cơn gò tử cung ngày càng tăng dần về cường độ và tần số làm cho sản phụ có cảm giác đau. Cảm giác đau này có khác nhau tùy vào ngưỡng chịu đau từng người. Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau cao thì dễ dàng vượt qua được và cuộc chuyển dạ sinh con sẽ thuận lợi, không cần phải dùng phương pháp giảm đau nào.

Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau thấp thường gặp phải nhiều khó khăn: mệt mỏi, vật vã, lo lắng, thậm chí có khi ngất đi. Chính những yếu tố này gây cản trở không ít cho quá trình sinh đẻ. Vì vậy, có khá nhiều phương pháp để giảm đau trong chuyển dạ:

  • Không dùng thuốc: chuyển động (tư thế giúp giảm đau), kích thích điện qua da, liệu pháp tâm lý, thôi miên (Hypnosis - giấc ngủ nhân tạo), châm cứu, massage - vật lý trị liệu, cho chồng vào bên cạnh vợ để động viên vợ khi sinh, tập luyện trong thai kỳ với phương pháp thở sâu (có các lớp học dành cho sản phụ gần sinh về các tập thở, tập rặn), đẻ trong nước...
  • Dùng thuốc: hiện tại hầu hết các cơ sở sản khoa dùng phương pháp đẻ không đau nhờ gây tê ngoài màng cứng (phần lớn áp dụng chuyển dạ tự nhiên) hoặc gây tê tủy sống để giảm đau (phần lớn áp dụng sinh mổ). Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phụ đều có thể áp dụng được phương pháp đẻ không đau bằng cách gây tê ngoài màng cứng.

Massage giúp các mẹ giảm cơn đau khi chuyển dạ
Massage giúp các mẹ giảm cơn đau khi chuyển dạ

2. Phương pháp gây tê ngoài màng cứng

Khi sản phụ có nhu cầu thực hiện phương pháp đẻ không đau, Bác sĩ Gây mê hồi sức sẽ thăm khám kỹ trước khi thực hiện kỹ thuật. Việc khám tiền mê được thực hiện trước thủ thuật tiêm thuốc nhằm xác định sản phụ có chống chỉ định đối với kỹ thuật này hay không.

Sản phụ cần phải thật bình tĩnh và giữ yên tư thế, tạo thuận lợi cho việc gây tê của Bác sĩ được chính xác và đặc biệt là giảm nguy cơ biến chứng. Sản phụ được hướng dẫn ngồi hoặc nằm nghiêng sang một bên, Bác sĩ sẽ bắt đầu tìm khoang ngoài màng cứng (giữa 2 đốt sống).

Tiếp đến, vùng lưng của sản phụ được sát trùng cẩn thận và thực hiện gây tê tại chỗ với một mũi kim rất nhỏ, giúp làm giảm bớt cơn đau khi đâm kim tê ngoài màng cứng. Khi đã xác định được vị trí khoang ngoài màng cứng, Bác sĩ sẽ đặt ống thông vào đó và cố định dọc theo lưng. Thuốc tê sẽ được bơm qua ống thông vào khoang ngoài màng cứng, cơn đau chuyển dạ sẽ giảm hẳn sau khoảng 10 phút. Thuốc tê sẽ có hiệu lực trong khoảng 45 – 70 phút. Sản phụ hoàn toàn tỉnh táo và cảm nhận được các cơn gò tử cung, chỉ không cảm thấy đau.

3. Sản phụ nào không được tiêm thuốc đẻ không đau?

Đẻ không đau gây tê ngoài màng cứng không thực hiện ở các trường hợp:

  • Sản phụ sốt cao, có nhiễm trùng tại vị trí tiêm ở lưng (mụn mủ, nhiễm trùng da...), viêm cấp tính, nhiễm trùng huyết
  • Trường hợp bị rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông máu.
  • Dị ứng với thuốc tê nhóm amid
  • Tụt huyết áp nặng chưa điều chỉnh được
  • Sản phụ có bệnh lý về thần kinh, bệnh lý cột sống (lao, u, bướu...)
  • Sản phụ đang chảy máu hoặc trong trường hợp cấp cứu.

Trường hợp sản phụ bị thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, vẹo cột sống không phải là chống chỉ định tuyệt đối của phương pháp gây tê ngoài màng cứng.


Sản phụ sốt cao không được tiêm thuốc đẻ không đau
Sản phụ sốt cao không được tiêm thuốc đẻ không đau

4. Tiêm thuốc đẻ không đau khi nào?

Với phương pháp đẻ không đau gây tê ngoài màng cứng, khi sản phụ chuyển dạ thực sự, cổ tử cung mở từ 3 cm trở lên, cơn gò tử cung khá rõ và sản phụ có cảm giác đau có thể bắt đầu thực hiện tiêm thuốc đẻ không đau vào ngoài màng cứng. Khi sắp sinh, cổ tử cung mở từ 8cm trở lên thì nên gây tê tủy sống.

Trước khi gây tê ngoài màng cứng để giảm đau sản khoa, các bác sĩ chuyên khoa gây mê sẽ khám và đánh giá sản phụ có nằm trong những trường hợp chống chỉ định nêu trên hay không. Nếu sản phụ không thuộc diện chống chỉ định, Bác sĩ sẽ tư vấn cho bà mẹ về cách làm, hiệu quả, sau đó việc thực hiện châm tê sẽ được tiến hành. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật và chỉ định, phương pháp đẻ không đau tê ngoài màng cứng hầu như không ảnh hưởng gì về sau.

Hiện nay, có rất nhiều cơ sở y tế áp dụng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng giúp đẻ không đau, nhưng sản phụ nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có các Bác sĩ trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại để đảm bảo cuộc “đẻ không đau” diễn ra an toàn và nhanh chóng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe