Sản phụ mang Rh AB âm cần làm gì để mang thai lần 2 an toàn?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em mang nhóm máu Rh AB âm. Lần mang thai đầu, em sinh bé trai năm 2014 mang máu AB dương, lần đó được bác sĩ bên bệnh viện tư vấn, em đã chích đủ các mũi anti D cho thai kỳ lần 2. Giữa năm 2020 em mang thai lần 2, đúng 7 tuần thì bị lưu thai, không biết có phải do đột biến nhiễm sắc thể vì kháng máu hay không bác sĩ. Bác sĩ cho em hỏi sản phụ mang Rh AB âm cần làm gì để mang thai lần 2 an toàn, không bị kháng máu hay đột biến như trường hợp trên. Em chân thành cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thị Nhi (1987)

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thu Hà - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Sản phụ mang Rh AB âm cần làm gì để mang thai lần 2 an toàn?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Yếu tố Rh là một loại protein đặc hiệu được tìm thấy trên bề mặt tế bào hồng cầu. Giống như nhóm máu hệ ABO, nhóm máu Rh được thừa hưởng từ gen di truyền của cha mẹ. Hầu hết mọi người đều có Rh(+), nhưng một tỷ lệ nhỏ người là Rh(-) do họ không có protein Rh.

Yếu tố Rh không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn, tuy nhiên, yếu tố Rh đóng vai trò rất quan trọng trong thai kỳ. Nếu một người phụ nữ có Rh(-) và thai nhi là Rh(+), thì cơ thể người mẹ sẽ xem protein Rh(+) của thai nhi như vật thể lạ, do đó nếu hệ thống miễn dịch của người mẹ tiếp xúc với máu của con trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh nở, hệ thống miễn dịch của người mẹ sẽ tạo ra các kháng thể chống lại các tế bào hồng cầu của thai nhi. Kháng thể là một phần của hệ thống miễn dịch cơ thể và chúng phá hủy các chất lạ. Các kháng thể được tạo ra không phải là vấn đề nguy hiểm trong lần mang thai đầu tiên.

Mối quan tâm lớn hơn là với lần mang thai tiếp theo của cùng chính sản phụ đó. Nếu thai nhi tiếp theo mang Rh(+) thì các kháng thể Rh này có thể đi qua nhau thai và phá huỷ các tế bào hồng cầu của thai nhi. Điều này có thể dẫn đến thiếu máu đe dọa tính mạng thai nhi, đây là tình trạng trong đó các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn khả năng sản xuất hồng của của cơ thể thai nhi, trong khi đó các tế bào hồng cầu đóng vai trò cực kỳ quan trọng để mang oxy đi khắp cơ thể và nuôi dưỡng thai nhi.

Do đó, sản phụ mang Rh(-) được khuyến cáo nên thực hiện một số xét nghiệm máu khác như xét nghiệm sàng lọc kháng thể trong ba tháng đầu của thai kỳ, trong tuần thứ 28 của thai kỳ và khi sinh. Xét nghiệm sàng lọc kháng thể được sử dụng để phát hiện kháng thể chống lại máu Rh(+). Nếu sản phụ chưa bắt đầu sản xuất kháng thể Rh, có thể sản phụ sẽ cần tiêm một sản phẩm máu có tên là globulin miễn dịch Rh. Globulin miễn dịch ngăn cơ thể sản phụ sản xuất kháng thể Rh trong thai kỳ. Nếu em bé sinh ra mang nhóm máu Rh(-) thì không cần thiết phải điều trị bổ sung, còn em bé sinh ra là Rh(+), sản phụ sẽ cần một mũi tiêm khác ngay sau khi sinh trong vòng 72 giờ đầu.

Khi bạn có thai lần 2, để phòng các nguy cơ của lần thai lưu, khi có thai bạn nên đi khám chuyên khoa sản và làm xét nghiệm hiệu giá kháng thể anti D, để dựa vào đó có biện pháp dự phòng và điều trị cho thai nhi.

Nếu bạn còn thắc mắc về sản phụ mang Rh AB âm cần làm gì để mang thai lần 2 an toàn, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe