Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Trúc - Bác sĩ Nội Ung bướu - Huyết học - Trung tâm Ung bướu - Xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Theo nghiên cứu, có tới 95% dưỡng chất để nuôi dưỡng mái tóc là do các mạch máu dưới da đầu vận chuyển tới. Vì vậy, khi xuất hiện tình trạng tóc khô xơ, tóc bạc nhiều, dễ gãy, rụng, có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu máu thiếu sắt.
1. Nguyên nhân gây thiếu máu, thiếu sắt
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu máu thiếu sắt bắt nguồn từ nhiều vấn đề như:
- Chế độ ăn uống không cung cấp đủ chất sắt: Ăn kiêng, ăn chay, ăn không cân đối giữa các chất.
- Nhu cầu cần cung cấp chất sắt cho cơ thể nhiều hơn so với bình thường: trẻ em trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ đang mang thai và cho con bú.
- Một nguyên nhân rất quan trọng khác là tình trạng mất máu rỉ rả kéo dài vốn rất phổ biến nhưng không được chú ý. Bao gồm các phụ nữ có tình trạng kinh nguyệt kéo dài (về lượng kinh hoặc ngày kinh), các trường hợp viêm loét dạ dày hoặc các khối u đường tiêu hóa,... Nhóm nguyên nhân này chiếm phần lớn các ca thiếu máu thiếu sắt gặp ở phòng khám và cần được phát hiện, điều trị cả vấn đề thiếu sắt lẫn nguyên nhân bên dưới. Nhiều trường hợp chỉ có thiếu sắt mà không có thiếu máu dẫn đến bị bỏ sót ở lâm sàng, thực tế bệnh nhân vẫn trải qua đầy đủ các triệu chứng tương tự thiếu máu nhưng không rõ nguyên nhân vì công thức máu không thể hiện bất thường, cho tới khi họ được làm định lượng ferritin (trong khi phần lớn lại dùng định lượng sắt huyết thanh – vốn dĩ là chỉ số không đúng trong đánh giá thiếu sắt).
2. Vì sao thiếu máu, thiếu sắt gây rụng tóc?
Nguyên nhân chính là thiếu sắt, và hiện tượng thiếu máu cũng là hậu quả của thiếu sắt, vì vậy như đã đề cập, có thể các triệu chứng của thiếu sắt xuất hiện mà chưa có thiếu máu, và nếu có thì thiếu máu thường cũng ở mức rất nhẹ, làm cho việc khám sức khỏe tổng quát dễ bị bỏ qua.
Thiếu sắt được chẩn đoán dựa vào bộ xét nghiệm đánh giá chuyên biệt về sắt, trong đó quan trọng nhất là ferritin. Tuy nhiên chỉ số này bị ảnh hưởng bởi nhiều tình trạng sức khỏe khác, nên để kết luận thiếu sắt hay không, trong nhiều trường hợp cần được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa Huyết học. Tầm soát thiếu sắt bằng định lượng sắt huyết thanh là một thực hành không đúng, dẫn đến bỏ sót ngay cả nhiều trường hợp thiếu sắt mức độ nặng, bởi vì sau khi ăn các thực phẩm giàu sắt hoặc bổ sung sắt uống thì nồng độ sắt huyết thanh sẽ tăng lên, nhưng không phản ánh tổng lượng sắt cơ thể đang có, đưa đến diễn giải kết quả sai lầm.
Sắt là khoáng chất rất quan trọng và chiếm số lượng lớn trong máu, chúng có chức năng duy trì quá trình tạo ra các hemoglobin, có tác dụng tiếp nhận oxy trong máu và myoglobin là 1 dạng thuộc hemoglobin tồn tại ở trong các cơ. Sắt còn là thành tố chính để tham gia chuỗi vận chuyển điện tử - vốn là bộ máy tạo năng lượng cho tất cả các tế bào trong cơ thể.
Tóc, móng, da là những tế bào có tốc độ sinh sản rất nhanh trong cơ thể nên là những thành phần dễ bị tổn thương khi cơ thể thiếu hụt năng lượng. Khi cơ thể bị thiếu sắt, và nặng hơn là thiếu máu, cơ thể sẽ tập trung năng lượng đến các cơ quan trọng yếu khác trong cơ thể, hoạt động chuyển hóa ở các mô ngoại vi suy giảm đáng kể, không đủ để duy trì tốc độ phát triển của nang tóc dẫn đến chân tóc sẽ yếu và dễ bị tổn thương, suy yếu. Vì vậy, khi trong máu thiếu chất sắt cũng giống như nguồn dinh dưỡng chính nuôi mái tóc bị kém đi, phần chân tóc không đủ chất sẽ bị ảnh hưởng khiến tóc yếu khô, xơ mất độ bóng tự nhiên, rụng tóc, bạc tóc.
3. Làm thế nào để cải thiện rụng tóc do thiếu máu thiếu sắt?
Nếu không phải do bệnh lý (do nhu cầu cơ thể tăng lên trong một số thời kỳ hoặc do thiếu hụt cung cấp dài ngày), chúng ta có thể dễ dàng bổ sung khoáng chất sắt. Để cân bằng lượng sắt trong máu một cách hiệu quả nhất chính là cải thiện chế độ ăn uống hàng ngày bằng cách bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt. Các sản phẩm, thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:
- Trứng (gà, vịt), gan động vật (bò, lợn, gà, vịt, ngan,...), nội tạng của động vật (tim, phổi), thịt đỏ (bò, lợn, gà, vịt), hạt bí xanh và bí đỏ, các loại đậu cũng như sản phẩm từ đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, các loại rau có màu xanh đậm...
- Có thể bổ sung sắt cho cơ thể bằng các sản phẩm uống viên sắt để bổ sung, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến, tư vấn của bác sỹ để biết liều lượng sử dụng thuốc sao cho hợp lý, đặc biệt với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, càng cần phải thận trọng trước khi sử dụng (nhiều tác dụng phụ đòi hỏi phải được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa)
- Hạn chế căng thẳng, stress: áp lực công việc, cuộc sống cũng sẽ làm tiêu hao đáng kể năng lượng, đặc biệt ở những người đã có sẵn thiếu sắt. Điều hòa cuộc sống cũng có tác dụng hỗ trợ trị liệu thiếu sắt.
- Bên cạnh đó, quan trọng nhất là phải tìm ra được nguyên nhân gốc rễ gây thiếu sắt để can thiệp kịp thời, nhiều trong số đó có thể là các bệnh lý đe dọa, phải được chẩn đoán và điều trị đầy đủ. Vì vậy, kiểm tra sức khỏe tổng quát là một phương án hữu ích để chủ động phòng ngừa và phát hiện sớm, từ đó bác sĩ sẽ có những tư vấn chuyên sâu về việc điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.