Rung nhĩ và đột quỵ: Những điều cần biết

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Rung nhĩ (RN) là trường hợp nhịp tim không đều. Theo đó, những người bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao gấp 3 đến 5 lần và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì thế, khi có dấu hiệu rung nhĩ, đột quỵ não hoặc các bệnh lý tim mạch, người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

1. Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ (RN) là trường hợp nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim). Rối loạn nhịp là do các rối loạn dẫn truyền điện trong tim. RN là một trong những rối loạn nhịp phổ biến 0.12-0.16% đối với những người dưới 49 tuổi, 3.7-4.2% đối với độ tuổi 60-70, tăng lên 10-17% đối với những người từ 80 tuổi trở lên. Như vậy, nguy cơ phát triển rung nhĩ tăng lên theo tuổi và với các yếu tố nguy cơ khác như đái tháo đường, cao huyết áp và bệnh tim tiềm ẩn. Các biến chứng chính của rung nhĩ là đột quỵsuy tim.

RN có thể ảnh hưởng đến các cấu trúc của tim (tâm nhĩ và tâm thất). Tâm nhĩ là buồng tim thu nhận máu. Các dẫn truyền điện đều giúp đẩy máu hiệu quả từ tâm nhĩ vào buồng bơm (tâm thất). Từ tâm thất, máu được bơm đi các cơ quan khác trong cơ thể. Trong RN, các tín hiệu dẫn truyền điện nhanh, không đều và không trật tự tim bơm máu đi không hiệu quả.

RN có thể khiến tim đập rất nhanh, đôi khi hơn 150 nhịp mỗi phút. Nhịp tim có trị số cao hơn mức bình thường được gọi là nhịp tim nhanh.

XEM THÊM: Rung nhĩ và nguy cơ đột quỵ

2. Biến chứng của rung nhĩ

Một trên 4 người: trong 4 người bị đột quỵ thì có 1 người bị rung nhĩ ở độ tuổi trên 40. Rung nhĩ không điều trị làm cho bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ và suy tim cao hơn.

Những người bị rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao gấp 3 đến 5 lần. Khi đang bị RN, tâm nhĩ co bóp một cách hỗn loạn. Bởi vì tâm nhĩ không đưa máu đi đúng cách thông thường, máu đọng lại trong buồng nhĩ và đọng lại tại các cấu trúc rãnh trong tim, có thể hình thành cục máu đông và có khả năng được bơm lên não. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi dòng máu lên não bị gián đoạn do cục máu đông trong mạch máu não bị gián đoạn.

Nguy cơ đột quỵ phụ thuộc vào một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm các bệnh lý nội khoa kèm theo: suy tim, huyết áp cao hoặc tiểu đường, trên 40 tuổi hoặc đã từng bị đột quỵ trước đó hoặc một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Các nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng lâu dài warfarin làm loãng máu ở bệnh nhân RN có thể giảm nguy cơ đột quỵ từ 70 đến 80%.

RN cũng có thể dẫn đến suy tim, đây là tình trạng tim không thể cung cấp đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nhịp tim nhanh, không đều của RN dẫn đến việc bơm máu không hiệu quả - đặc biệt nếu không được kiểm soát - có thể làm tim yếu đi.


Những người mắc bệnh rung nhĩ tăng nguy cơ bị đột quỵ
Những người mắc bệnh rung nhĩ tăng nguy cơ bị đột quỵ

3. Các loại rung nhĩ

Có các loại rung nhĩ như sau:

  • RN kịch phát: các rối loạn nhịp tim từng lúc tạm thời đến và đi. Các rối loạn nhịp bắt đầu đột ngột và sau đó tự trở lại nhịp đập bình thường mà không cần dùng thuốc hỗ trợ, thường trong vòng 24h.
  • RN kéo dài: các rối loạn nhịp kéo dài hơn 7 ngày. Thông thường cần phải điều trị để nhịp tim trở lại bình thường.
  • RN vĩnh viễn: rối loạn nhịp kéo dài hơn một năm mặc dù đã dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác. Một số người bị RN vĩnh viễn không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào.

XEM THÊM: Dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ

4. Nguyên nhân dẫn đến rung nhĩ

Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Cao huyết áp – nguyên nhân thường gặp nhất của rung nhĩ
  • Suy tim
  • Bệnh lý mạch vành
  • Bệnh lý cơ tim
  • Đái tháo đường
  • Viêm cơ tim hay viêm màng ngoài tim
  • Những bệnh lý làm tổn thương van tim
  • Cường giáp
  • Thuyên tắc phổi
  • Thông liên nhĩ và các bệnh lý tim bẩm sinh khác
  • Nghiện rượu nặng
  • Béo phì
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Tuổi – rung nhĩ thường gặp trên bệnh nhân lớn tuổi

Trong một số trường hợp thường không xác định được nguyên nhân gây rung nhĩ. Nếu RN xuất hiện trước 60 tuổi mà không có bất kỳ bệnh tim cấu trúc nào, bạn có thể bị rung nhĩ vô căn (hoặc đơn độc). Các nghiên cứu đã xác định được một số gen gia đình có ảnh hưởng đến sự xuất hiện RN vô căn.

XEM THÊM: Vì sao rung nhĩ gây nguy cơ đột quỵ?


Một nguyên nhân gây rung nhĩ là do bệnh đái tháo đường
Một nguyên nhân gây rung nhĩ là do bệnh đái tháo đường

5. Triệu chứng rung nhĩ

Một số người bị RN có thể vẫn khỏe và không biết mình mắc bệnh cho đến khi nó được phát hiện trong các lần kiểm tra sức khỏe tổng quát và được đo điện tâm đồ. Một số có triệu chứng sẽ biểu hiện đến người bệnh theo những cách khác nhau. Nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng RN nào, hãy đến gặp bác sĩ:

  • Hồi hộp: tim đập rất nhanh, không đều hoặc đánh trống ngực
  • Mệt mỏi/ không có năng lượng: khó thở hoặc yếu khi gắng sức nhẹ
  • Nặng ngực
  • Choáng váng hoặc chóng mặt
  • Vã mồ hôi
  • Lo lắng
  • Giảm tập trung

6. Thay đổi lối sống phòng ngừa rung nhĩ

Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển các bệnh tim khác và đột quỵ bằng cách biết và kiểm soát huyết áp, tiểu đường,..... Điều quan trọng nữa là phải có một lối sống lành mạnh:

  • Không thuốc lá
  • Năng động và lối sống tích cực
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng khỏe mạnh
  • Tiêu thụ ít rượu
  • Giảm áp lực

Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ não cao hơn gấp nhiều lần. Vì thế, việc dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ là một trong những vấn đề đáng quan tâm để bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân, đồng thời hạn chế tối đa các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong, do đột quỵ gây nên.

Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sở hữu đội ngũ chuyên gia của gồm những Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2, Thạc sĩ giàu kinh nghiệm, có uy tín lớn trong lĩnh vực điều trị nội khoa, ngoại khoa, thông tim can thiệp và ứng dụng các kỹ thuật cao cấp trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch, đặc biệt sớm phát hiện nguy cơ đột quỵ ở những bệnh nhân rung nhĩ. Đặc biệt, Trung tâm có các trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các bệnh viện uy tín nhất trên thế giới nên Quý khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng lựa chọn Vinmec là địa chỉ thăm khám và điều trị.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán rung nhĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe