Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Hệ thống thần kinh thực vật có chức năng kiểm soát các hoạt động của những nội tạng trong cơ thể mà không có sự kiểm soát bởi ý thức. Khi bị rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn và trở ngại, trong đó có cả triệu chứng run. Run do rối loạn thần kinh thực vật có biểu hiện rất đa dạng, việc điều trị cần tùy thuộc vào nguyên nhân rối loạn thần kinh thực vật.
1. Rối loạn thần kinh thực vật là gì?
Hệ thống thần kinh thực vật bao gồm hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm là một hệ thống của các dây thần kinh kiểm soát các chức năng của cơ thể độc lập với ý thức. Đây là trung tâm điều khiển và kiểm soát của nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ, tiêu hóa, các ống tuyến bài tiết, chức năng bàng quang và cả tình dục.
Chất dẫn truyền các tín hiệu thần kinh được sản xuất và giải phóng vào đầu tận thần kinh và cơ quan đích, nhằm mục tiêu kích thích hay ức chế các cơ quan, trong bối cảnh phối hợp cùng lúc nhiều hệ cơ quan khác nhau một cách cân bằng. Ví dụ khi một người gặp căng thẳng, hệ thần kinh thực vật khiến nhịp tim tăng lên, tăng huyết áp, tay chân run, vã mồ hôi. Ngược lại, khi nghỉ ngơi, thư giãn, các kích thích giao cảm sẽ giảm hơn, tim chậm lại, huyết áp về bình thường, các cơ bắp thả lỏng.
Các bệnh lý có gây tổn thương tại mức độ dây thần kinh là có thể dẫn đến các rối loạn thần kinh thực vật. Trong đó, mắc bệnh đái tháo đường lâu năm là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh lý thần kinh thực vật. Lúc này, các triệu chứng xảy ra và cách thức điều trị khác nhau là dựa trên nguyên nhân khiến cho các dây thần kinh bị tổn thương.
2. Run do rối loạn thần kinh thực vật như thế nào?
Chứng run là một rối loạn vận động khá thường gặp. Đây là một tình trạng bó cơ co thắt liên tục, tạo ra các cử động theo những biên độ, tần số nhất định và người bệnh hoàn toàn không kiểm soát được. Trong đó, run do rối loạn thần kinh thực vật có đặc điểm xảy ra ở ngọn chi nhiều hơn gốc chi, như ở bàn tay, bàn chân, đối xứng cả hai bên cơ thể và không liên quan đến vận động, sự tập trung; đôi khi run tay kèm hồi hộp.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lý thần kinh thực vật, phụ thuộc vào loại dây thần kinh bị ảnh hưởng. Hơn nữa, khi tiếp cận người bệnh đến khám vì triệu chứng run, việc khảo sát nhiều nguyên nhân là cần thiết; tuy nhiên, nếu có kèm theo các biểu hiện sau đây, khả năng run do rối loạn thần kinh thực vật sẽ được nghĩ đến hàng đầu.
Chóng mặt và ngất xỉu khi đứng, gây ra do huyết áp giảm đột ngột
Các vấn đề về tiết niệu, như khó bắt đầu đi tiểu, tiểu không tự chủ, khó cảm nhận được bàng quang đầy và không có khả năng làm trống hoàn toàn bàng quang, có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại nhiều lần.
Gặp khó khăn về hoạt động tình dục, bao gồm rối loạn cương dương hoặc các vấn đề xuất tinh ở nam giới; ở phụ nữ là các vấn đề khô âm đạo, độ ham muốn thấp và khó đạt cực khoái.
Khó tiêu hóa thức ăn, chẳng hạn như cảm thấy no sớm, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, buồn nôn, nôn, khó nuốt và ợ nóng.
Không có khả năng tự nhận biết khi hạ đường huyết, nhất là ở bệnh nhân đái tháo đường.
Bài tiết mồ hôi bất thường, chẳng hạn như đổ mồ hôi quá nhiều hoặc quá ít, ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
Chức năng tim mạch không dung nạp với tập thể dục hay gắng sức, nhịp tim không thay đổi tương xứng khi tăng kích thích.
3. Nguyên nhân rối loạn thần kinh thực vật là gì?
Có nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau có thể ảnh hưởng trên hệ thần kinh thực vật. Trong một số ít trường hợp, rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể là tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc điều trị cho các bệnh khác, chẳng hạn như ung thư. Một số nguyên nhân phổ biến của rối loạn thần kinh thực vật bao gồm:
- Sự tích tụ protein bất thường trong các cơ quan với bệnh amyloidosis, ảnh hưởng cả đến hệ thần kinh.
- Bệnh tự miễn dịch, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công vào các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả dây thần kinh như hội chứng Sjogren, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp và bệnh celiac. Trong đó, quan trọng nhất là hội chứng Guillain-Barre là một bệnh tự miễn tiến triển nặng nề một cách nhanh chóng, ảnh hưởng đến các dây thần kinh thực vật và cả vận động, cảm giác.
- Hội chứng cận ung do bất thường của hệ thống miễn dịch xảy ra trong một số bệnh ung thư cũng có thể gây ảnh hưởng trên bệnh thần kinh thực vật.
- Bệnh đái tháo đường, nhất là khi thời gian mắc bệnh dài và kiểm soát glucose kém, là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật trên toàn cơ thể.
- Một số loại thuốc, bao gồm một số loại thuốc được sử dụng trong hóa trị ung thư.
- Một số bệnh truyền nhiễm với tác nhân virus và vi khuẩn như ngộ độc, bệnh Lyme và HIV
- Rối loạn di truyền.
4. Cách điều trị run do rối loạn thần kinh thực vật như thế nào?
Cách điều trị run do rối loạn thần kinh thực vật bao gồm các mục tiêu như sau:
- Điều trị bệnh nguyên: Đây là mục tiêu đầu tiên của việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật nói chung bằng cách phát hiện và quản lý tốt bệnh lý hoặc tình trạng gây tổn thương thần kinh. Ví dụ, nếu nguyên nhân cơ bản là bệnh tiểu đường, người bệnh cần được kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu để ngăn ngừa bệnh thần kinh thực vật tiến triển nặng nề hơn.
- Điều trị triệu chứng: Một số phương pháp điều trị có thể làm giảm các triệu chứng do rối loạn thần kinh thực vật gây ra. Trong đó, những người có chứng run tay thường đi kèm với tình trạng nhịp tim nhanh liên tục. Lúc này, thuốc để điều chỉnh nhịp tim như thuốc chẹn beta sẽ vừa giúp cải thiện tần số tim nếu nó luôn quá nhanh với mức độ hoạt động và vừa giúp giảm run tay.
- Ngoài ra, việc sống với các bệnh lý mạn tính là những thách thức hàng ngày, khiến người bệnh cần biết cách dung hòa và thích nghi. Dưới đây là một số gợi ý điều chỉnh cuộc sống, để giúp người bệnh đối phó với các triệu chứng do rối loạn thần kinh thực vật gây ra, bao gồm cả run:
- Sắp xếp các việc cần làm trong ngày theo thứ tự ưu tiên, tránh gây ức chế, căng thẳng.
- Tìm kiếm và chấp nhận sự giúp đỡ từ bạn bè, người xung quanh và người thân trong gia đình.
- Tập luyện một số động tác thường bị run, thường gặp trở ngại với các nhà vật lý trị liệu để tìm cách thức thích hợp hơn trong các hoạt động thường ngày.
- Có thời gian nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng hợp lý. Giải tỏa những suy nghĩ tiêu cực với các nhà tâm lý trị liệu nếu cần.
- Cân nhắc tham gia các nhóm hỗ trợ để nhận được sự đồng cảm, chia sẻ.
Tóm lại, run do rối loạn thần kinh thực vật là một biểu hiện của thay đổi chức năng vận động do các tổn thương thực thể trên dây thần kinh. Việc điều trị thường khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài. Tuy nhiên, các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật, bao gồm cả chứng run, sẽ cải thiện hiệu quả nếu bệnh nguyên được tích cực kiểm soát và phòng tránh các yếu tố nguy cơ.
Nguồn tham khảo: healthplus.vn