Rối loạn vận mạch các chi

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tình trạng rối loạn vận mạch chi có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu chi, tím hay đỏ đầu chi. Chẩn đoán và phát hiện sớm tình trạng này đóng vai trò quan trọng đối với việc điều trị bệnh.

1. Rối loạn vận mạch các chi - tím đầu chi

Tím đầu chi là tình trạng tím đối xứng 2 bên, gặp ở da bàn tay và bàn chân, cẳng tay và cẳng chân. Nó liên quan tới tình trạng co thắt động mạch kèm giãn đám rối tĩnh mạch dưới nhú ở da. Từ đó, dòng máu bị khử oxy tuần hoàn chậm. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi thời tiết trở lạnh và trong mùa nóng, tình trạng này có thể không biến mất hoàn toàn.

Tím đầu chi có thể gặp ở cả nam và nữ, thường ở thanh niên trong độ tuổi 20, tiến triển tăng lên theo tuổi tác và khi mang thai. Nó có thể đi kèm các triệu chứng như lạnh, phù nhẹ, tím da ở một số vùng trên cơ thể. Người bệnh không bị đau, rối loạn dinh dưỡng hay tàn tật, mạch ngoại biên vẫn bình thường. Vì vậy, người bệnh không cần quá lo lắng, chỉ cần chú ý mặc ấm khi trời lạnh là được.

2. Rối loạn vận mạch các chi - đỏ, đau đầu chi

2.1 Nguyên nhân

Đây là tình trạng rối loạn giãn mạch kịch phát ở cả 2 bên chi, xảy ra do giãn các động mạch nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Tình trạng đỏ, đau đầu chi tự phát (không rõ nguyên nhân) xuất hiện ở người trưởng thành bình thường, ít gặp ở trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh của nam - nữ tương đương nhau.

Đỏ, đau đầu chi thứ phát có thể gặp ở người bệnh tăng hồng cầu tủy xương, bệnh gút, tăng huyết áp, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, đái tháo đường, suy tĩnh mạch,... hay bệnh lý thần kinh. Hiếm gặp hơn, tình trạng này có thể liên quan tới việc sử dụng một số loại thuốc (nifedipine, bromocriptine) hay một dạng di truyền hiếm gặp khởi phát bệnh ngay từ khi mới sinh hoặc khi còn nhỏ. Còn đỏ, đau đầu chi ngẫu nhiên là dạng lành tính.

2.2 Triệu chứng

Triệu chứng chính của bệnh nhân là có cảm giác đau cháy bỏng ở cả 2 bên chi, kéo dài từ vài phút tới hàng giờ. Đầu tiên, bệnh nhân thường đau ở gan bàn tay hoặc gan bàn chân. Theo sự tiến triển của bệnh, cơn đau sẽ lan ra toàn bộ các chi.


Đau gan bàn tay là triệu chứng rối loạn vận mạch chi
Đau gan bàn tay là triệu chứng rối loạn vận mạch chi

Đỏ, đau đầu chi do rối loạn vận mạch chi xuất hiện sau một kích thích làm giãn mạch như gắng sức hoặc môi trường ấm (29 - 32°C), đặc biệt là vào ban đêm khi người bệnh ngủ với chăn đệm ấm. Ngoài đau, đỏ đầu chi, bệnh nhân có thể bị nóng hoặc tím đầu chi.

2.3 Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán tình trạng đỏ, đau đầu chi do rối loạn vận mạch chi dựa trên triệu chứng và xét nghiệm lâm sàng. Người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu lặp lại nhiều lần (vì đây là biểu hiện sớm của rối loạn tăng sinh tủy). Đồng thời, cần chẩn đoán phân biệt với tình trạng rối loạn dinh dưỡng sau chấn thương, bệnh lý thần kinh ngoại biên, hội chứng vai - tay,...

Người bệnh có thể chườm mát các bộ phận bị ảnh hưởng, nghỉ ngơi, nâng cao chi để khắc phục tình trạng này. Đối với tình trạng đỏ, đau đầu chi nguyên phát, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng Gabapentin. Ngoài ra, khi bị đỏ, đau đầu chi, người bệnh có thể dùng aspirin 650mg cứ cách 4 - 6 giờ/lần để giảm đau. Đồng thời, bệnh nhân nên tránh sinh hoạt trong môi trường quá ấm. Trong trường hợp nặng, nếu việc điều trị nội khoa thất bại thì người bệnh có thể phải cắt thần kinh ngoại vi để giảm đau.

Rối loạn vận mạch các chi có biểu hiện đặc trưng là tình trạng tím đầu chi và đau, đỏ đầu chi. Người bệnh khi có các triệu chứng trên nên đi khám ngay để bác sĩ có hướng dẫn, chỉ định điều trị phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe