Phụ nữ trải qua rất nhiều giai đoạn có ảnh hưởng tới nội tiết tố nữ như liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt, khi mang thai, thời kỳ tiền mãn kinh. Trong những giai đoạn này, sự thay đổi hormone có ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ của phụ nữ.
1. Thay đổi giấc ngủ liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt
Thông thường ở những người có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn rất ít khi gặp các vấn đề liên quan tới giấc ngủ. Bởi sự lên xuống một cách đều đặn của các loại hormone giới tính ít khi ảnh hưởng tới giấc ngủ ở phụ nữ trẻ tuổi.
Tuy nhiên, trong một số phụ nữ ở giai đoạn trước khi có kinh thì lượng hormone progesterone và estrogen giảm đột ngột có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ. Điều này phổ biến hơn ở những người rối loạn nội tiết tố làm cho chu kỳ kinh nguyệt không đều, những người thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, những người bị đau bụng kinh nhiều.
Thường nếu như bạn chỉ bị khó ngủ hoặc vấn đề liên quan tới giấc ngủ trong thời gian ngắn thì không đáng lo ngại. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài và ảnh hưởng tới cuộc sống thì bạn cần phải sử dụng những biện pháp cải thiện như thay đổi thói quen sinh hoạt, tập thể dục, tập hít thở...
2. Thay đổi giấc ngủ khi mang thai
Khi phụ nữ mang thai, có rất nhiều sự thay đổi của cơ thể. Một trong những thay đổi đó là nội tiết tố. Điều này thường khiến một số mẹ bầu cảm thấy khó ngủ hơn. Không chỉ vậy, phụ nữ mang thai còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố làm giảm giấc ngủ như bụng to, đi tiểu đêm nhiều, đau nhức cơ thể, tư thế ngủ khó khăn...
Người ta nhận thấy những phụ nữ mang thai bị mất ngủ thì nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao hơn. Cho nên vấn đề giấc ngủ ở phụ nữ mang thai rất cần được chú ý. Một số biện pháp giúp phụ nữ mang thai cải thiện giấc ngủ có thể áp dụng như:
- Đừng tập thể dục trong vòng một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ.
- Uống thứ gì đó nhẹ nhàng vào buổi tối, chẳng hạn như sữa ấm hoặc trà dịu, nhưng nếu nó làm bạn đi tiểu đêm nhiều thì không nên uống.
- Giữ nhiệt độ phòng ngủ thoải mái, có thể thấp hơn bình thường một chút vì phụ nữ mang thai thường cảm thấy nóng hơn.
3. Giấc ngủ ở thời kỳ sau sinh
Một sự thay đổi rất lớn ở lượng hormone giới tính sau khi em bé được sinh ra, đặc biệt là lượng estrogen trong máu ở mức thấp. Đó là một trong những lý do mà phụ nữ sau sinh phải chiến đấu với việc mất ngủ.
Ngoài ra, phụ nữ sau sinh phải đối diện với việc chăm sóc em bé, cho em bé bú mỗi đêm. Khiến dễ bị mất ngủ và có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh hơn.
Hãy cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi khi em bé ngủ và nhận sự giúp đỡ từ người thân để giúp phụ nữ giai đoạn này hạn chế được việc thiếu ngủ. Ngoài ra, phụ nữ sau sinh có thể cần bổ sung một liều nhỏ estrogen để hạn chế tình trạng thiếu ngủ và nguy cơ trầm cảm. Tuy nhiên, việc bổ sung nội tiết tố dù liều nhỏ cũng cần sự chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng.
4. Thay đổi giấc ngủ thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh
Những suy giảm nội tiết tố nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là nguyên nhân chính gây ra rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ. Những giai đoạn trên như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ nhưng phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tình trạng rối loạn nội tiết tố nhiều nhất là ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh (tức là giai đoạn trước khi mãn kinh) nồng độ hormon estrogen suy giảm đột ngột nên phụ nữ giai đoạn này dễ bị rối loạn giấc ngủ, bốc hỏa, thay đổi tính tình... Điều này có thể xảy ra trong thời gian dài ngắn khác nhau ở mỗi phụ nữ, có thể 1 đến vài năm.
Đến khi bước vào giai đoạn mãn kinh tức là bị mất kinh trên 1 năm, thì các dấu hiệu rối loạn giấc ngủ có thể giảm hơn, nhưng phụ nữ vẫn còn nguy cơ mất ngủ và xuất hiện các cơn bốc hỏa. Không chỉ vậy, phụ nữ mãn kinh còn có nguy cơ gặp phải tình trạng ngưng thở khi ngủ. Nghiên cứu cho thấy mức progesterone thấp hơn, giống như những gì được quan sát thấy ở phụ nữ sau mãn kinh, có thể góp phần vào sự phát triển của chứng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này làm cho phụ nữ bị gián đoạn giấc ngủ, khó quay trở lại giấc ngủ hơn.
Với tình trạng mất ngủ do rối loạn nội tiết tố nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh hay mãn kinh có thể hết sau một thời gian. Nhưng nếu nó không cải thiện bạn có thể cần phải nói chuyện với bác sĩ xem xét việc điều trị bằng hormon thay thế. Ngoài ra, những biện pháp thay đổi thói quen ngủ và môi trường ngủ có thể giúp ích trong việc hạn chế tính trạng mất ngủ.
Rối loạn giấc ngủ ở phụ nữ là tình trạng thường gặp hơn so với ở nam giới. Một nguyên nhân đó là bởi sự thay đổi hormone nữ trong suốt quá trình sinh sống của phụ nữ. Tuy nhiên, dù như vậy thì việc bạn chăm sóc giấc ngủ và thay đổi thói quen ngủ cũng giúp ích rất nhiều để cải thiện giấc ngủ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.