Rối loạn lưỡng cực là chứng bệnh tâm thần được đặc trưng bởi các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm. Nguyên nhân gây ra rối loạn này hiện vẫn đang bỏ ngỏ. Người bị bệnh rối loạn lưỡng cực khó có thể xây dựng được một cuộc sống ổn định do sự thay đổi thường xuyên về tâm trạng. Có 3 loại rối loạn lưỡng cực, tuy nhiên, trong bài viết này chỉ đề cập đến nội dung của rối loạn lưỡng cực II.
1. Rối loạn lưỡng cực II là gì?
Rối loạn lưỡng cực II là một dạng bệnh tâm thần, bệnh tương tự như rối loạn lưỡng cực I với biểu hiện của sự thay đổi về mặt tâm trạng từ mức cao và mức thấp theo thời gian. Tuy nhiên, trong rối loạn lưỡng cực II sẽ tăng lên về tâm trạng không bao giờ đạt đến hưng cảm hoàn toàn. Sự tăng lên về tâm trạng (hay còn được gọi là các giai đoạn hưng cảm, hay chứng hưng cảm) ít dữ dội hơn trong rối loạn lưỡng cực II.
Người bị ảnh hưởng bởi rối loạn lưỡng cực II sẽ có ít nhất một giai đoạn hưng cảm trong đời. Hầu hết những người bị rối loạn lưỡng cực II thường có các giai đoạn trầm cảm hơn. Giữa các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm, nhiều người mắc chứng rối loạn lưỡng cực II vẫn có một sống cuộc sống bình thường như bao người khác.
Rối loạn lưỡng cực II thường phải trải qua một giai đoạn trầm cảm kéo dài ít nhất hai tuần và có ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ kéo dài khoảng bốn ngày mà không có giai đoạn nào là hưng cảm điển hình. Hiện loại rối loạn lưỡng cực này được đánh giá phổ biến hơn ở phụ nữ.
2. Người có nguy cơ bị rối loạn lưỡng cực II
Hầu như bất kỳ ai cũng có thể phát triển chứng rối loạn lưỡng cực II. Khoảng 2,5% dân số Hoa Kỳ mắc một số dạng rối loạn lưỡng cực, tương đương gần 6 triệu người.
Hầu hết người bị rối loạn lưỡng cực II đều ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu những năm 20 tuổi khi các triệu chứng rối loạn lưỡng cực mới bắt đầu. Gần như tất cả mọi người mắc chứng rối loạn lưỡng cực II đều phát triển nó trước tuổi 50. Những người có thành viên trong gia đình mắc chứng lưỡng cực có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác.
3.Các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực II
Trong giai đoạn hưng cảm, tâm trạng tăng cao có thể biểu hiện dưới dạng hưng phấn hoặc cáu kỉnh. Các triệu chứng trong giai đoạn hưng cảm bao gồm:
- Có các ý tưởng thay đổi đột ngột
- Tự tin quá mức
- Giọng nói nhanh và lớn
- Tăng năng lượng, tăng động và giảm nhu cầu ngủ
Thông thường, khi ở bên người bệnh có giai đoạn hưng cảm sẽ làm chúng ta có cảm giác tương đối dễ chịu vì họ luôn pha trò, quan tâm sâu sắc đến mọi người đồng thời truyền cho người khác tâm trạng tích cực của mình.
Tuy nhiên, rối loạn lưỡng cực II cũng có thể dẫn đến hành vi thất thường và không lành mạnh. Các giai đoạn hưng cảm đôi khi có thể tiến triển thành điên hoàn toàn ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của người bệnh, đây là hiện tượng cũng rất phổ biến trong rối loạn lưỡng cực I. Trong cơn hưng cảm, người bệnh có thể tiêu tiền ngay cả khi họ không có, họ có thể tìm kiếm quan hệ tình dục với những người mà bình thường họ không muốn và tham gia vào các hành vi bốc đồng với khả năng gây ra hậu quả nguy hiểm.
Phần lớn những người bị rối loạn lưỡng cực II phải trải qua các triệu chứng trầm cảm kéo dài hơn là trải qua các triệu chứng hưng cảm. Trầm cảm có thể xảy ra ngay sau khi cơn hưng cảm giảm đi. Một số người quay qua quay lại giữa trạng thái hưng cảm và trầm cảm, trong khi những người khác lại có tâm trạng bình thường kéo dài giữa các đợt. Nếu không được điều trị, một đợt hưng cảm có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng. Các giai đoạn trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực II cũng tương tự như trầm cảm lâm sàng thông thường với sự biểu hiện của tâm trạng chán nản, mất niềm vui, thiếu năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc vô dụng và ý nghĩ tự tử. Các triệu chứng trầm cảm của rối loạn lưỡng cực có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc có khi hàng năm.
4. Điều trị rối loạn lưỡng cực II
Người bị rối loạn lưỡng cực II thường giả vờ đang hạnh phúc và lạc quan không ngừng. Vì vậy, một khi chứng hưng phấn không gây ra các hành vi không lành mạnh thì tình trạng này thường không được chú ý, do đó không được điều trị. Điều này trái ngược với chứng hưng cảm hoàn toàn, vì theo lý thuyết các nguyên nhân gây ra các vấn đề trong hoạt động cần điều trị bằng thuốc và có thể phải nhập viện. Những người bị rối loạn lưỡng cực II có thể được hưởng lợi từ các loại thuốc phòng ngừa giúp làm dịu tâm trạng trong thời gian dài. Những loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa hậu quả tiêu cực của chứng hưng phấn cũng như giúp ngăn ngừa các đợt trầm cảm ghé thăm.
4.1 Thuốc định tâm trạng
- Lithium (Eskalith, Lithobid) là thuốc có nguồn gốc kim loại đơn giản ở dạng viên có hiệu quả cao trong việc kiểm soát sự thay đổi tâm trạng trong rối loạn lưỡng cực. Lithium có thể mất vài tuần để phát huy hết tác dụng nên phù hợp hơn cho việc điều trị lâu dài so với các đợt giảm hưng cảm cấp tính. Nồng độ lithi trong máu và các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm phải được theo dõi định kỳ để tránh tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.
- Carbamazepine (Tegretol) là loại thuốc chống hưng cảm được sử dụng để điều trị chứng hưng cảm từ những năm 1970. Chúng có thể được dùng để điều trị chứng trầm cảm lưỡng cực hoặc ngăn ngừa các mức cao và thấp của tâm trạng trong tương lai. Bệnh nhân sử dụng thuốc cần phải được xét nghiệm máu để theo dõi chức năng gan và số lượng bạch cầu trong khi sử dụng thuốc.
- Lamotrigine (Lamictal) là thuốc đã được FDA đồng ý cho sử dụng để điều trị duy trì cho người lớn bị rối loạn lưỡng cực. Chúng có tác dụng giúp trì hoãn các đợt tâm trạng trầm cảm, hưng cảm và các giai đoạn hỗn hợp giữ trầm cảm và hưng cảm.
- Valproate (Depakote) là loại thuốc chống động kinh có tác dụng làm dịu tâm trạng, giúp lithium khởi phát nhanh hơn và cũng có thể được sử dụng để ngăn ngừa mức cao và thấp của tâm trạng.
- Một số loại thuốc chống động kinh khác như oxcarbazepine (Trileptal), đôi khi cũng được kê đơn để điều trị thử nghiệm cho các triệu chứng tâm trạng hoặc các đặc điểm liên quan ở những người bị rối loạn lưỡng cực.
4.2 Thuốc chống loạn thần
Thông thường các cơn hưng cảm không liên quan đến rối loạn tâm thần và sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động. Thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như aripiprazole (Abilify), asenapine (Saphris), cariprazine (Vraylar), quetiapine (Seroquel), olanzapine (Zyprexa), risperidone (Risperdal) và ziprasidone (Geodon) và những thuốc khác được sử dụng trong điều trị chứng loạn cảm cũng được sử dụng để điều trị trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực II.
4.3 Benzodiazepines
Benzodiazepines là nhóm thuốc bao gồm alprazolam (Xanax), diazepam (Valium) và lorazepam (Ativan) cũng được sử dụng để kiểm soát ngắn hạn các triệu chứng cấp tính liên quan đến chứng hưng cảm như mất ngủ hoặc kích động.
4.4 Thuốc chống trầm cảm
Seroquel và Seroquel XR là thuốc duy nhất được FDA chấp thuận đặc biệt cho điều trị các chứng trầm cảm lưỡng cực II. Thuốc chống trầm cảm thông thường như fluoxetine (Prozac), paroxetine (Paxil), và sertraline (Zoloft) đôi khi cũng được sử dụng trong bệnh trầm cảm lưỡng cực II và được cho là ít có khả năng gây ra hoặc làm trầm trọng thêm chứng giảm hưng phấn so với trường hợp rối loạn lưỡng cực I. Liệu pháp tâm lý, chẳng hạn như liệu pháp nhận thức hành vi cũng có thể hữu ích vì rối loạn lưỡng cực II thường có các đợt tái phát cần phải điều trị liên tục để ngăn ngừa tái phát.
5. Rối loạn lưỡng cực II có thể ngăn ngừa được không?
Nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực còn là một dấu chấm hỏi chưa được trả lời. Vì vậy, rất khó để xác định liệu rối loạn lưỡng cực II có thể được ngăn ngừa hoàn toàn hay không.
Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm nguy cơ phát triển các đợt hưng cảm hoặc trầm cảm trong tương lai khi rối loạn lưỡng cực đã phát triển thông qua các buổi trị liệu với nhà tâm lý học hoặc nhân viên xã hội kết hợp với thuốc ổn định tâm trạng. Sự kết hợp này sẽ làm cho bệnh nhân ít nhập viện hơn và cảm thấy tốt hơn. Liệu pháp tâm lý có thể giúp mọi người bệnh nhận biết rõ hơn các dấu hiệu cảnh báo của đợt tái phát đang phát triển và cũng có thể đảm bảo rằng các loại thuốc theo toa được sử dụng đúng cách.
6. Rối loạn lưỡng cực II khác với các loại rối loạn lưỡng cực khác như thế nào?
Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực I trải qua cơn hưng cảm hoàn toàn, tức là một trạng thái trầm trọng đi kèm với các hành vi thất thường. Các triệu chứng hưng cảm dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng trong cuộc sống, gây ra các vấn đề pháp lý hoặc cá nhân lớn.
Trong rối loạn lưỡng cực II, các triệu chứng của tâm trạng cao không bao giờ đạt đến hưng cảm hoàn toàn. Rối loạn lưỡng cực II là một dạng rối loạn cao hơn của mức tâm trạng nhẹ. Các giai đoạn trầm cảm của rối loạn lưỡng cực II thường kéo dài hơn và thậm chí có thể nghiêm trọng hơn so với rối loạn lưỡng cực I. Do đó, chúng ta không nên xem rối loạn lưỡng cực II đơn giản như là một dạng rối loạn lưỡng cực tổng thể nhẹ.
Tốt nhất khi bạn hoặc người thân xuất hiện dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực II, hay có tình trạng trầm cảm kéo dài, mất ngủ.... Bạn cần tới gặp bác sĩ để có hướng can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com