Rối loạn giấc ngủ: Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thị Minh Phương - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Khái niệm rối loạn giấc ngủ được sử dụng để chỉ tình trạng ảnh hưởng tới chất lượng, thời gian giấc ngủ và tác động đến khả năng hoạt động bình thường của một người trong khi họ thức.

1. Dấu hiệu rối loạn giấc ngủ

Có hơn 100 các rối loạn giấc ngủ riêng biệt, được phân loại dựa trên nguyên nhân, triệu chứng, tác động lên tâm lý và sinh lý, và các tiêu chuẩn khác. Tuy nhiên, hầu hết các rối loạn giấc ngủ có thể được đặc trưng bởi 1 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau :

  • Bạn có vấn đề về bắt đầu giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ
  • Bạn thấy khó tỉnh táo vào ban ngày
  • Bạn có rối loạn nhịp sinh học (circadian rhythm) gây cản trở lịch ngủ lành mạnh
  • Bạn dễ có những hành vi bất thường làm gián đoạn giấc ngủ của bạn

Nếu bạn có bất kỳ một trong các dấu hiệu kể trên nghĩa là bạn có thể bị rối loạn giấc ngủ và nên tư vấn với bác sĩ.

Trong thực tế, khoảng 1/3 số người trưởng thành tại Mỹ ngủ ít hơn 7 giờ/ đêm và hơn 70 % học sinh trung học ngủ ít hơn 8h / đêm các ngày trong tuần.

2. Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ


Thường xuyên tiểu đêm do viêm đường tiết niệu gây rối loạn giấc ngủ
Thường xuyên tiểu đêm do viêm đường tiết niệu gây rối loạn giấc ngủ

Hầu hết mọi người thi thoảng có thể có vấn đề về giấc ngủ do gặp stress, do lịch trình bận rộn, hoặc một vài ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài như thay đổi múi giờ, thay đổi nơi ngủ, sử dụng chất kích thích như cà phê vv.. Tuy nhiên nếu các vấn đề này xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng lên cuộc sống hàng ngày thì đó là biểu hiện bạn bị rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn giấc ngủ có thể là triệu chứng của một số tình trạng bệnh lý như:

Các rối loạn giấc ngủ này có thể hết nếu bệnh chính được điều trị.

3.Các dạng rối loạn giấc ngủ hay gặp nhất


Mất ngủ có thể dẫn đến bị trầm cảm
Mất ngủ có thể dẫn đến bị trầm cảm

3.1 Mất ngủ ( Insomnia )

Là hiện tượng khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ. Một số trường hợp có thể kết hợp cả 2 triệu chứng. Thông thường bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày, cảm giác thèm ngủ hơn. Mất ngủ có thể xảy ra khi bạn di chuyển sang vùng có múi giờ khác (hiện tượng Jet lag), khi lo lắng, stress, có vấn đề về tiêu hóa hoặc thay đổi hormone.

Mất ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và chất lượng cuộc sống, và có thể gây:

  • Trầm cảm
  • Khó tập trung
  • Kích thích
  • Tăng cân
  • Giảm khả năng làm việc hoặc học tập.

Mất ngủ rất hay gặp ở người cao tuổi hoặc ở phụ nữ. Có 3 dạng mất ngủ:

  • Mất ngủ mạn tính: Khi mất ngủ thường xuyên xảy ra ít nhất 1 tháng
  • Mất ngủ từng đợt: khi xảy ra ngắt quãng theo chu kỳ (intermittent)
  • Mất ngủ thoáng qua: xảy ra thoáng qua chỉ một vài đêm tại một thời điểm.

3.2 Ngừng thở khi ngủ ( sleep apnea )


Ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn
Ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn

Được đặc trưng bởi những cơn ngừng thở trong lúc ngủ. Đây là tình trạng y tế nghiêm trọng vì gây thiếu oxy cho cơ thể, và sẽ làm bạn tỉnh giấc khi ngủ.

Có 2 dạng ngừng thở khi ngủ:

  • Ngừng thở khi ngủ tắc nghẽn (Obstructive sleep apnea): xảy ra khi đường thở bị hẹp hoặc tắc, thông thường do một số yếu tố như hẹp cổ họng, lưỡi to, hàm dưới nhỏ, béo phì (cổ ngắn, to). Người có tình trạng này thường tỉnh dậy nhiều lần trong đêm với cảm giác nghẹt thở, hoặc thở hổn hển , và cảm giác mệt mỏi hoặc không tỉnh táo vào ban ngày.
  • Ngừng thở khi ngủ trung ương (Central sleep apnea): xảy ra khi não ngừng chuyển (gửi) các thông tin tới các cơ hô hấp, ví dụ như đột quỵ vùng thân não, hoặc một số thuốc an thần.

3.3 Parasomia

Là nhóm các rối loạn giấc ngủ gây ra các cử động hoặc hành vi bất thường trước, trong khi ngủ hoặc vào giai đoạn chuyển giao từ ngủ sang thức, bao gồm: mộng du, nói mơ, rên rỉ khi ngủ, ác mộng, bóng đè, đái dầm trong khi ngủ.

Mộng du là hiện tượng dậy khỏi giường và đi trong khi vẫn ngủ. Người mộng du có thể chỉ đi trong phòng, nhưng đôi khi họ có thể đi ra ngoài. Nếu cố đánh thức người mộng du có thể khiến họ có những hành vi hung hăng, bạo lực.

Bóng đè là hiện tượng thường xảy ra ngay khi sắp thức dậy, hoặc đội khi xảy ra khi bắt đầu ngủ. Người bị bóng đè có cảm giác bị liệt hoàn toàn kéo dài vài phút, tuy nhiên có thể khiến cho họ thấy lo lắng khi ngủ.


Người bị mộng du khi ngủ
Người bị mộng du khi ngủ

3.4 Rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ (Sleep-related movement disorders)

  • Hội chứng chân không nghỉ (Restless leg syndrome): là nhu cầu cấp thiết phải cử động chân vì cảm giác khó chịu, hoặc đau/ tê bì 2 chân. Cử động chân giúp cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Hội chứng này có thể xảy ra ban ngày, tuy nhiên đa số thường xảy ra vào ban đêm, khi bắt đầu đi ngủ.
  • Rối loạn vận động chi có tính chu kỳ (Periodic limb movements disorder): người có rối loạn này sẽ có những cử động cơ thể có tính chu kỳ vào ban đêm và gây gián đoạn giấc ngủ. Trong hầu hết các trường hợp, các cử động này chỉ xảy ra ở chân và bệnh nhân thường không biết.
  • Nghiến răng khi ngủ ( Sleep - related bruxism): Người bệnh có biểu hiện nghiến răng trong giấc ngủ. Lâu dần, có thể gây đau hàm, mòn răng bất thường.

3.5 Chứng ngủ rũ (Narcolepsy)

Đặc trưng bởi những cơn buồn ngủ không cưỡng được và những cơn ngủ ngắn vào ban ngày. Bạn có thể đột nhiên cảm thấy rất mệt mỏi và ngủ thiếp đi mà không có dấu hiệu báo trước. Cataplexy là một thể của chứng ngủ rũ, trong cơn người bệnh có thể yếu cơ hoặc liệt cơ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe