Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu.
Co giật cục bộ là một trong những thể co giật hay gặp trong những tình huống lâm sàng, liên quan đến sự hoạt động một cách bất thường của những sóng điện bên trong não bộ con người.
1. Co giật cục bộ là gì?
Co giật cục bộ hay còn có tên gọi khác là co giật từng phần là hiện tượng sóng điện não hoạt động bất thường quá mức hoặc hoạt động đồng thời dẫn đến tình trạng co giật khu trú trong đó co giật khởi phát từ một vùng hay bộ phận nào đó của não bộ hay chính xác hơn là vùng vỏ não. Theo nhiều nghiên cứu, thùy thái dương của não là vị trí dễ có những khởi phát của co giật cục bộ nhất, tuy nhiên những vị trí khác của não vẫn có thể diễn ra co giật cục bộ với những tỷ lệ khác nhau. Co giật cục bộ có thể khiến bệnh nhân mất trí nhớ, mất ý thức trong những cơn co giật hoặc cũng có thể không làm bệnh nhân mất ý thức. Co giật cục bộ được xem là một trong những yếu tố dẫn đến co giật toàn thể thứ phát.
Trên lâm sàng, co giật cục bộ được phân làm 2 loại như sau:
- Co giật cục bộ đơn giản: Là co giật cục bộ không làm mất đi ý thức của người bệnh, có một số biểu hiện lâm sàng về vận động, cảm giảm, thần kinh thực vật cũng như tâm thần
- Co giật cục bộ phức tạp: Là loại co giật làm bệnh nhân bị mất ý thức.
- Cơn co giật cục bộ toàn thể thứ phát: Là hiện tượng xuất hiện sau khi co giật cục bộ khởi phát trước đó.
Trong đó, co giật cục bộ phức tạp khá nặng nề, làm bệnh nhân bị suy giảm hoặc mất ý thức, kèm theo đó là hiện tượng rối loạn nhận thức và rối loạn phản ứng với những tác nhân kích thích xung quanh bệnh nhân. Co giật cục bộ phức tạp có thể diễn ra ở cả người lớn và trẻ em, nhất là người già cả lớn tuổi và trẻ nhỏ. Một số biểu hiện lâm sàng của co giật cục bộ phức tạp là cơn co giật xảy ra một cách đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, có nhiều triệu chứng về vận động, cảm giác giác quan, thần kinh thực vật và triệu chứng liên quan đến tâm thần. Thời gian xảy ra co giật cục bộ phức tạp trong khoảng 2 – 3 phút, thậm chí nếu nặng hơn thì có thể lên đến nhiều giờ đồng hồ.
Co giật cục bộ phức tạp bao gồm 3 giai đoạn như sau:
- Cơn thoáng: Xảy ra trong khoảng vài giây hoặc vài phút trước khi bệnh nhân co giật mất ý thức. Thông thường, bệnh nhân vẫn có khả năng nhớ lại giai đoạn này sau khi hết cơn co giật, tuy nhiên vì thời gian xảy ra ngắn nên người nhà và nhân viên y tế khó có thể quan sát được những biểu hiện cụ thể trong giai đoạn này. Cơn thoáng trong co giật cục bộ bao gồm cơn thoáng cảm giác, là khi bệnh nhân khó chịu toàn thân, rùng mình hoặc tê, cóng cả người, đôi khi có cảm giác ấm hoặc lạnh, rát bỏng, điện giật hoặc cảm giác như chuột rút tùy vào vị trí mà sóng điện não hoạt động ở não, cơn thoáng thị giác khiến bệnh nhân nhìn thấy những hình ảnh như tia sáng, vệt sáng..., cơn thoáng thính giác khiến bệnh nhân có thể nghe một vài âm thanh như tiếng chuông, tiếng nổ..., cơn thoáng chóng mặt làm bệnh nhân có cảm giác như đang xoay vòng tròn và thường do sóng điện não hoạt động bất thường ở vùng thái dương trên...
- Mất ý thức: Là tình trạng bệnh nhân không có khả năng phản ứng và đáp trả trong lúc cơn co giật cục bộ xảy ra, ngoài ra bệnh nhân có thể sẽ không nhớ được những sự kiện đã diễn ra trong giai đoạn này sau khi hết cơn. Khi có bất cứ tác nhân ngoại lai nào kích thích thì bệnh nhân không thể nhận thức và phản ứng lại trong giai đoạn mất ý thức này.
- Triệu chứng tự động: Là tình trạng diễn ra một số dấu hiệu điển hình trong co giật cục bộ phức tạp ở nhiều cơ quan khác nhau. Cụ thể hơn, bệnh nhân sẽ biểu hiện nhai, nuốt, liếm láp và chép môi kèm theo chảy nước dãi trong lúc cơn co giật diễn ra. Trên khuôn mặt, bệnh nhân có thể biểu hiện nhăn mặt, cười, bĩu môi hoặc khóc và la ré, giận giữ. Với các chi thì bệnh nhân có thể cầm nắm, cọ xát, chạy nhảy vòng tròn và những hành vi kích động bất thường khác. Bệnh nhân sẽ có những biểu hiện về ngôn ngữ bất thường như kêu la, huýt sáo hoặc lặp lại nhiều lần những câu nói bất thường. Các triệu chứng cơ quan khác như nôn mửa, thở nhanh, khó thở, đánh trống ngực, tăng huyết áp, tiểu không tự chủ, cương dương, nổi da gà, vã mồ hôi, co cứng các cơ, gấp duỗi các chi khó khăn, rối loạn trương lực cơ, đầu và mắt hướng về phía đối ngược với ổ động kinh.
2. Bệnh co giật có chữa được không?
Để chẩn đoán chính xác co giật cục bộ thì ngoài những dấu hiệu lâm sàng như trên thì bệnh nhân cần được làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như sau:
- Xét nghiệm đo điện não đồ EEG ngoài cơn và trong cơn: Cho phép khảo sát những hoạt động của sóng não trong bệnh lý co giật cục bộ.
- Chụp cắt lớp vi tính não bộ: Là phương pháp có giá trị trong chẩn đoán co giật cục bộ vì có thể thấy được những tổn thương cũng như vị trí tổn thương ở những cấu trúc của não
- Chụp cộng hưởng từ não: Có giá trị cao trong việc tìm thấy những tổn thương dạng xơ hóa, u não hoặc những bất thường trong cấu trúc vỏ não.
Bệnh co giật cục bộ cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý như rối loạn giấc ngủ bao gồm mộng du, ác mộng, miên lành... hoặc những bệnh lý liên quan đến loạn thần, co giật do tâm lý...
Để điều trị co giật cục bộ thì thuốc chống động kinh được xem là một trong những lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Theo nghiên cứu, khoảng 47% - 60% các trường hợp co giật cục bộ khởi phát có thể được kiểm soát tốt bằng cách sử dụng thuốc chống động kinh thứ I, một số khác có thể không đáp ứng với thuốc chống động kinh mặc dù đã kết hợp nhiều loại thuốc chống động kinh cho bệnh nhân trong những trường hợp này. Một số thuốc chống động kinh thứ I được sử dụng trên lâm sàng như Carbamazepine, Valproate de Sodium, Phenytoin... Bên cạnh đó, Oxcarbazepine, Topiramate, Phenobarbital, Clonazepam, Lamotrigine... cũng là những thuốc chống động kinh thứ II được áp dụng trên bệnh nhân co giật cục bộ.
Co giật cục bộ là tình trạng co giật xảy ra khu trú tại một phần nào đó của não bộ, dẫn đến việc bệnh nhân có thể bị mất ý thức hoặc không trong quá trình diễn ra cơn co giật cục bộ. Để có thể điều trị hiệu quả nhất căn bệnh này thì cần nhận biết co giật cục bộ là gì, khác với những loại co giật khác như thế nào để việc áp dụng phương pháp điều trị được chính xác nhất cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM