Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Trần Thị Linh Chi - Phó trưởng khoa nhi sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Co giật có thể xuất hiện khi trẻ bị sốt cao, khi trẻ bị sốt cao co giật gây hoang mang cho người chăm sóc trẻ. Tuy sốt cao co giật thường lành tính nhưng nếu tái phát nhiều lần có thể gây tổn thương não của trẻ.
1. Trẻ sốt bao nhiêu độ thì co giật
Sốt là tình trạng gia tăng thân nhiệt hơn so với mức bình thường do đáp ứng với một nguyên nhân gây bệnh nào đó. Sốt thường xảy ra khi cơ thể phản ứng lại với sự nhiễm khuẩn hay virus gây ra do tổn thương mô hoặc bệnh tật.
Sốt cao co giật là tình trạng trẻ bị co giật khi sốt tới một mức độ nhiệt nào đó, thông thường co giật có thể xảy ra khi trẻ bị sốt cao trên 39 độ C. Trường hợp này có thể xảy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ từ 12 tháng đến 18 tháng tuổi. Do ở độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi não của trẻ chưa phát triển đầy đủ và rất nhạy cảm với các rối loạn nhiệt độ. Khi được trên 6 tuổi thì não đã trưởng thành và sẽ không còn nguy cơ bé bị co giật do sốt cao nữa.
Cơn co giật thường ngắn hơn 15 phút và tự chấm dứt. Trong cơn co giật, trẻ gồng cứng, co rút người và rung giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép và hơi thở nông, khò khè, nghiến chặt răng, tiêu tiểu không tự chủ. Trẻ sẽ mất ý thức tạm thời (không biết việc gì đang xảy ra). Sau cơn co giật trẻ sẽ phục hồi ý thức hoàn toàn, nhưng mệt mỏi, buồn ngủ và không nhớ gì về cơn co giật.
Co giật do sốt cao thường là tình trạng lành tính và hầu như ít khi gây hại cho trẻ.
2. Làm gì khi trẻ bị sốt cao co giật
Khi trẻ bị co giật do sốt cao các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh và đừng nên hốt hoảng vì đa số các cơn co giật thường chỉ kéo dài dưới 5 phút và hầu như hiếm khi gây hại đến sức khỏe của bé. Không cần nhất thiết phải mang trẻ đến bệnh viện ngay lập tức mà hãy dành thời gian để thực hiện các biện pháp khẩn cấp dưới đây:
- Hãy ghi nhớ thời gian bắt đầu cơn co giật, để xác định chính xác khoảng thời gian của một cơn co giật. Thời gian co giật là điều quan trọng trong việc đánh giá độ nặng của sốt cao co giật. Vì khi trẻ co giật kéo dài trên 5 phút và hoặc có kèm theo triệu chứng cứng cổ, nôn mửa hoặc có vấn đề về hô hấp cần gọi cấp cứu ngay.
- Tránh gây tổn thương ngoài da cho trẻ khi co giật: Cất tất cả các vật cứng, sắc nhọn ở xung quanh trẻ và đặt trẻ nằm ở nơi thăng bằng, rộng rãi (Ví dụ dưới sàn nhà), chắc chắn trẻ sẽ không bị ngã khỏi giường, nhưng cũng không cố giữ chặt trẻ. Dùng một khăn mềm vào miệng cho trẻ đề phòng trẻ cắn vào lưỡi.
- Khai thông đường thở: Ðặt trẻ ở tư thế nằm ngửa và đầu nghiêng về một bên hoặc cho trẻ nằm nghiêng về một bên để đường thở thông suốt, tránh nghẹt đờm, dãi. Nếu có thể, nên nhẹ nhàng dùng ngón tay trỏ lấy hết mọi thứ trong miệng trẻ như núm vú cao su, đàm nhớt, chất nôn ói.
- Hạ sốt cho trẻ càng nhanh càng tốt, làm rút ngắn cơn co giật: Cởi bỏ quần áo (bao gồm cả tã lót), lau toàn thân trẻ bằng nước ấm, nước ấm gây giãn mạch giúp thoát nhiệt nhanh cho trẻ, chú ý không dùng nước mát vì gây co mạch làm gia tăng thân nhiệt. Lau 2 giờ 1 lần, mỗi lần không quá 30 phút. Sau khi ngưng lau 10 phút mới đo lại nhiệt độ cho trẻ. Ðắp khăn được làm ướt bằng nước ấm ở những vùng có mạch máu lớn nằm sát da như cổ, nách, bẹn. Chấm dứt việc lau khi nhiệt độ hậu môn thấp hơn hay bằng 38,5 độ C.
- Sử dụng thuốc hạ sốt: Loại thường được chọn là Paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng/lần dùng thuốc đặt hậu môn 3-4 lần/ngày nếu trẻ sốt liên tục, do trẻ trong cơn không thể uống được nên cần dùng thuốc đặt hậu môn. Lưu ý những gia đình có trẻ dưới 6 tuổi nên có thuốc hạ sốt bằng đường đặt hậu môn thường xuyên trong tủ lạnh.
3. Những điều cần tránh khi bé bị sốt cao co giật
- Khi trẻ lên cơn co giật không nên tìm cách chống lại cơn co giật của trẻ bằng cách giữ trẻ thật chặt vì có thể gây tổn thương ở một số bộ phận cơ thể, hoặc có thể làm gãy xương trẻ.
- Không được cho trẻ ăn, uống bất cứ 1 thứ gì vì có thể gây sặc.
- Không nên dùng vật cứng để gang mồm trẻ vì sợ trẻ cắn vào lưỡi bởi rất ít khi trẻ cắn vào lưỡi trong cơn co giật; việc gang vật cứng vào miệng trẻ làm tổn thương niêm mạc miệng, làm gãy răng, sứt lợi trẻ.
- Kể cả khi thời tiết lạnh cũng không ủ ấm, mặc thêm quần áo cho trẻ mặc dù trong cơn sốt cao trẻ có thể bị rét run mà phải tìm cách hạ nhiệt nhanh chóng bằng cách bỏ bớt quần áo trên người trẻ.
4. Cách phòng ngừa sốt cao co giật
Có khoảng 1/3 số trẻ sốt cao co giật thường bị tái phát co giật khi sốt. Nên cần lưu ý những điều dưới đây phòng ngừa tái phát co giật khi trẻ sốt cao.
- Với trẻ có tiền sử sốt cao co giật nên hạ sốt bằng thuốc sớm khi trẻ sốt trên 38 độ C.
- Phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt cho trẻ bằng cách cặp nhiệt độ khi trẻ có dấu hiệu sốt.
- Nên đưa trẻ đi khám và điều trị nguyên nhân gây sốt ngay khi mới sốt.
- Khi trẻ sốt cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều lần hơn, cởi bớt quần áo, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát và không bao giờ được ủ ấm hoặc bọc kín trẻ.
Khi trẻ sốt cao trên 39 độ C có thể gây ra co giật. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp sốt cao co giật thường lành tính và không gây tổn thương não. Nên các bậc phụ huynh cần bình tĩnh xử lý và cần áp dụng các biện pháp tránh tái phát cho trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.