Rối loạn chuyển hóa purin và tăng axit uric máu là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút và nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác như tăng huyết áp, suy tim, đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh thận mạn tính,...
1. Các khái niệm liên quan
1.1 Purin là gì?
Purin là một hợp chất hữu cơ dị vòng, có trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống với hàm lượng cao hoặc thấp. Trong cơ thể con người, purin được chia thành 2 loại:
- Purin nội sinh: Kết quả của quá trình chuyển hóa axit nucleic trong cơ thể. Hiểu đơn giản thì purin nội sinh được hình thành bên trong cơ thể người;
- Purin ngoại sinh: Là purin được đưa từ bên ngoài vào trong cơ thể thông qua việc ăn uống hằng ngày. Mọi loại đồ ăn, thức uống thu nạp vào cơ thể đều có chứa purin với hàm lượng cao hoặc thấp. Tùy thuộc vào chế độ ăn của mỗi người, purin ngoại sinh có thể ít hoặc nhiều.
1.2 Mối quan hệ giữa chuyển hóa purin và axit uric
Chức năng của purin có liên quan mật thiết với axit uric. Khi purin trong cơ thể chuyển hóa sẽ tạo ra axit uric. Loại axit này có chức năng kích thích não bộ để giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, axit uric cũng có nhiệm vụ như một chất chống oxy hóa cho cơ thể.
Acid uric là một axit yếu, thường bị ion hóa thành muối urat hòa tan trong huyết tương, tồn tại dưới dạng muối urat. Tổng lượng axit uric trong cơ thể là khoảng 1200mg ở nam giới và 600mg ở nữ giới. Axit uric được đào thải chủ yếu qua thận (70%). Việc đào thải axit uric ở thận chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như yếu tố di truyền, bệnh lý của hội chứng chuyển hóa, sử dụng thuốc ảnh hưởng tới chức năng thận, suy thận. 30% lượng axit uric còn lại được đào thải qua đường tiêu hóa.
Nồng độ axit uric máu trung bình ở nam giới là 5,1 ± 1,0 mg/dl (420 μmol/L), ở nữ giới là nữ 4,0 ± 1 mg/dl (360 μmol/L). Nếu nồng độ axit uric vượt qua mức giới hạn trên thì được gọi là tăng axit uric máu.
2. Nguyên nhân gây tăng axit uric máu
Một số nguyên nhân gây tăng axit máu gồm:
- Tăng tổng hợp axit uric máu:
- Do bẩm sinh thiếu hụt men hypoxanthine phosphoribosyltransferase hoặc tăng hoạt tính men phosphoribosyl - pyrophosphate synthetase;
- Ăn quá nhiều các loại thực phẩm có chứa purin;
- Tăng tái tạo các nucleotide;
- Bệnh dự trữ glycogen, bệnh cơ nặng,...;
- Giảm bài xuất axit uric:
- Suy thận: Do ức chế bài tiết urat ở ống thân hoặc tăng tái hấp thu urat ở ống thận;
- Tăng huyết áp dẫn tới cường chức năng tuyến cận giáp;
- Tăng đề kháng insulin;
- Sử dụng một số loại thuốc làm tăng axit uric máu;
- Mắc bệnh thận do nhiễm độc chì;
- Phối hợp tăng tổng hợp và giảm bài xuất axit uric: Do uống rượu bia:
- Thường uống rượu kèm với ăn các thức ăn giàu purin nên làm tăng lượng axit uric trong cơ thể (do purin từ thức ăn và rượu);
- Rượu làm hạn chế quá trình bài tiết urat qua nước tiểu, giữ lại các purin của thức ăn, làm tăng axit uric trong máu.
3. Hệ lụy khi bị tăng axit uric máu
Tăng axit uric máu làm tăng nguy cơ mắc phải một số bệnh lý sau:
- Xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim: Tăng axit uric máu có liên quan trực tiếp tới tình trạng xơ mỡ động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Những bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa khi bị tăng axit uric máu sẽ có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim và đột tử do bệnh tim mạch;
- Tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ: Axit uric làm co mạch các tế bào nội mạc mạch máu, kích hoạt các hormone cân bằng huyết áp và dịch ngoại bào trong cơ thể người, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và đột quỵ;
- Đái tháo đường tuýp 2: Đây là bệnh lý thường đi kèm với tình trạng tăng axit uric;
- Bệnh thận mạn tính: Tăng axit uric máu và bệnh thận mạn tính có sự tác động qua lại với nhau. Cụ thể, nồng độ axit uric trong máu cao làm suy giảm chức năng thận và khi chức năng thận bị giảm sút thì khả năng đào thải axit uric kém đi;
- Bệnh gút: Là bệnh thường gặp nhất do rối loạn chuyển hóa purin dẫn tới tăng axit uric máu. Biểu hiện của bệnh là các cơn đau đột ngột, dữ dội ở khớp, tiến triển thành mãn tính, gây biến dạng, mất chức năng khớp, đi kèm với nhiều bệnh lý liên quan như bệnh thận mạn tính, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch,...;
- Thoái hóa khớp: Axit uric có xu hướng tăng dần theo tuổi tác, thúc đẩy tình trạng thoái hóa sụn khớp.
4. Kiểm soát tăng axit uric máu như thế nào?
Tăng axit uric máu do rối loạn chuyển hóa purin có liên quan trực tiếp đến các bệnh lý nghiêm trọng trên. Vì vậy,cần có biện pháp toàn diện, hữu hiệu để kiểm soát tình trạng tăng axit uric máu. Việc điều trị phù hợp sẽ bao gồm: Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động hợp lý và sử dụng thuốc.
4.1 Mục tiêu điều trị
Mục tiêu của việc điều trị nhằm giảm, kiểm soát axit uric, đưa axit uric máu về mức 360μmol/L cho mọi bệnh nhân và dưới 300μmol/L cho những bệnh nhân bị lắng đọng tinh thể urat ở các mô hoặc có bệnh thận mạn tính. Việc đưa, duy trì axit uric máu về mức mục tiêu giúp kiểm soát được các bệnh liên quan như bệnh gút, bệnh thận mạn tính, bệnh tim mạch,... đồng thời phòng ngừa các biến chứng nặng của bệnh ở khớp và các cơ quan khác, giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
4.2 Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt để kiểm soát tăng axit uric máu
- Hạn chế sử dụng bia, rượu, phủ tạng động vật, thịt đỏ (bò, trâu, dê, chó) hải sản, nấm, đậu, chè đặc, tiêu, ớt,...;
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả chín;
- Uống nhiều nước: 2 - 4 lít nước/ngày;
- Giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì: Bằng cách duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường vận động thể dục thể thao;
- Tăng cường sử dụng một số thực phẩm có ít hoặc không chứa nhân purin: Rau cần, súp lơ, dưa chuột, cà, cải xanh, cải bắp, củ cải, khoai tây, dưa hấu, bí đỏ, bí xanh, đậu đỏ, táo, lê, nho, sữa bò,...
4.3 Sử dụng thuốc kiểm soát tình trạng tăng axit uric máu
- Thuốc ức chế men xanthin oxidase: Allopurinol và febuxostat;
- Thuốc tăng cường đào thải axit uric;
- Thuốc tiêu hủy axit uric;
- Thuốc sinh học kháng IL 1β: Có tính kháng viêm mạnh, khống chế các cơn gút cấp kháng với các phương pháp điều trị thông thường.
Tình trạng rối loạn chuyển hóa purin liên quan chặt chẽ với tăng axit uric máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút, rối loạn lipid máu, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính, bệnh mạch vành,... Tương tự các bệnh chuyển hóa khác, tình trạng này có thể kiểm soát bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt và sử dụng dài hạn các loại thuốc làm giảm axit uric máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.