Bài viết được viết bởi Bác sĩ cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ - Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Mặc dù rối loạn chức năng sàn chậu không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của nữ giới đặc biệt đối với những người sau sinh và sau mãn kinh gây rối loạn nhiều hệ cơ quan như: Tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, bế tắc đường tiết niệu dưới, táo bón, đau khi giao hợp.
1. Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?
Rối loạn chức năng sàn chậu ( bao gồm rối loạn chức năng hệ sinh dục, tiết niệu, tiêu hóa) là bệnh lý phổ biến phổ biến toàn cầu, chiếm tỷ lệ 25% ở phụ nữ nói chung.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của BS Nguyễn Thị Tân Sinh phụ nữ Việt Nam vào những năm 1996 cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn chức năng sàn chậu chiếm đến 25,4% ở những người trong độ tuổi sinh đẻ và 35% ở phụ nữ quanh tuổi mãn kinh. Các bệnh lý của sàn chậu gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của phụ nữ.
2. Biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu
Các rối loạn sinh dục biểu hiện:
- Giảm ham muốn, giao hợp bị đau, giảm tiết dịch
- Không thỏa mãn trong quan hệ tình dục.
Các rối loạn về tiết niệu bao gồm 2 loại tiểu không kiểm soát:
- Són tiểu do mót tiểu khẩn cấp: cảm giác buồn tiểu đến đột ngột và mạnh, người bị mắc không nhịn được đến 2 phút để đến được nhà vệ sinh
- Són tiểu do gắng sức: són tiểu khi có các hoạt động gắng sức như ho, hắt hơi, cười to, bế con, mang vác vật nặng, lên cầu thang, tập thể dục, khi quan hệ tình dục.
Các rối loạn tiêu hóa :
- Không tự chủ trung tiện, không giữ được theo ý muốn khi buồn đánh hơi
- Đại tiện ( són phân )
3. Ảnh hưởng của rối loạn chức năng sàn chậu
Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các rối loạn trên ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý, công việc, chất lượng sống và hạnh phúc gia đình.
3.1 Ảnh hưởng đến sức khỏe
Do hạn chế hoạt động thể lực, không dám tập thể dục thể thao, nguy cơ thừa cân, tiểu đường, cao huyết áp cao hơn, đặc biệt vào thời kỳ mãn kinh. Mất ngủ vì ban đêm dậy đi tiểu. Không dám uống nước dẫn đến viêm đường tiết niệu, táo bón.
3.2 Ảnh hưởng tâm lý
Buồn nản, kém tự tin, coi mình là người không khỏe mạnh, không may mắn.
3.3 Ảnh hưởng công việc
Mất khả năng tập trung làm việc do thường xuyên phải ngừng công việc để đi vệ sinh, thay giặt. Hạn chế các công việc phải đứng lâu, thay đổi tư thế nhiều.
3.4 Ảnh hưởng đến chất lượng sống
Không thoải mái khi tham gia các hoạt động vui chơi tập thể vì thường có cảm giác đau ở vùng cửa mình, vùng thắt lưng chậu hoặc vùng bụng dưới ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
3.5 Ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình
Lảng tránh quan hệ tình dục do giảm hưng phấn, giảm khoái cảm, do đau hoặc ra nước tiểu khi quan hệ. Người chồng cũng cảm thấy kém thỏa mãn do cơ thể vợ giảm độ “khít” hoặc “khô khan”. Thiếu hòa hợp kéo dài trong quan hệ tình dục không được giải quyết là mối đe dọa cho hạnh phúc gia đình.
4. Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu
4.1 Điều trị bằng tập phục hồi chức năng (PHCN) sàn chậu
Tập PHCN được Tổ chức Tự chủ Quốc tế (ICS) khuyến cáo là lựa chọn đầu tiên do hiệu quả cao ( 78-85%), an toàn, không đau đớn, ít tác dụng phụ. Tập sớm sau sinh có tác dụng dự phòng tiểu không tự chủ và sa sinh dục. Tập PHCN giúp giảm đau, tăng độ khít âm đạo, tạo thỏa mãn trong quan hệ tình dục. Tỷ lệ cải thiện cao 88%-90%.
Tập phục hồi chức năng có các bài tập bằng tay với hướng dẫn viên ( bác sĩ, điều dưỡng). Nội dung chủ yếu giúp nhận biết cơ đáy chậu và co đúng cách để phục hồi độ mạnh, độ dẻo dai của các nhóm cơ này. Các bài tập trên máy bằng kích thích xung điện hoặc phản hồi sinh học giúp tăng cường mạch máu, phục hồi phản xạ thần kinh. Kết quả được ghi nhận rõ ràng sau 10 đến 12 buổi tập.
4.2 Điều trị bằng thuốc
Giảm co thắt bất thường của cơ bàng quang ( là nơi giữ nước tiểu được sản xuất ra từ thận). Các thuốc được áp dụng trong trường hợp tiểu không tự chủ do mót tiểu khẩn cấp
Giảm co thắt bất thường của cơ bàng quang ( là nơi giữ nước tiểu được sản xuất ra từ thận). Các thuốc được áp dụng trong trường hợp tiểu không tự chủ do mót tiểu khẩn cấp
4.3 Điều trị bằng phẫu thuật
Có rất nhiều kỹ thuật nhằm sửa chữa những thay đổi về giải phẫu của hệ thống nâng đỡ vùng đáy chậu. Ngày nay các kỹ thuật đã được cải tiến, đơn giản và an toàn hơn nhiều so với trước. Tuy vậy chi phí còn khá cao ( khoảng 1300$) và còn có những tai biến không mong muốn.
Nguyên lý cơ bản của phẫu thuật là dùng vật liệu bổ xung ( vòng đai) để nâng cổ bàng quang bị sa thấp, hoặc “ghép” cơ khi cơ cổ bàng quang quá yếu không thực hiện được chức năng co thắt đóng chặt không cho thoát nước tiểu ra ngoài khi có động tác gắng sức ( ho, hắt hơi..) hay chống lại cơn co thắt cơ bàng quang mạnh khi buồn tiểu mà chưa đến được nhà vệ sinh.
Tại các nước phát triển, phụ nữ sau sinh được tham gia 10 buổi tập phục hồi chức năng, làm vững chắc lại hệ thống nâng đỡ đáy chậu, tầng sinh môn, phòng các rối loạn sinh dục tiết niệu. Các khoa Phụ Sản đều có đơn vị Phụ Niệu để khám và điều trị. Ở Việt Nam, đặc biệt khu vực phía Bắc chưa có bệnh viện nào có khoa Phụ Niệu và cơ sở tập phục hồi chức năng sinh dục tiết niệu. Vì vậy theo nghiên cứu của BS Nguyễn Thị Tân Sinh, có tới 91% phụ nữ mắc bệnh có nhu cầu chữa bệnh nhưng không dám đi khám do xấu hổ và không biết khám ở đâu.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm và điều trị bệnh tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác và đem lại hiệu quả cao trong quá trình điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
XEM THÊM