Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu ở nữ giới

Bài viết bởi Bác sỹ Cao cấp Nguyễn Thị Tân Sinh - Giám đốc Trung tâm Phụ sản kiêm Trưởng khoa Phụ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Rối loạn chức năng sàn chậu (bao gồm rối loạn chức năng hệ sinh dục, tiết niệu, tiêu hóa) là bệnh lý phổ biến toàn cầu, chiếm tỷ lệ 25% ở phụ nữ nói chung, nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người bệnh.

Nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Thị Tân Sinh ở Báo phụ nữ Việt Nam vào năm 1996 cũng cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn chức năng sàn chậu chiếm đến 25,4% ở những người trong độ tuổi sinh đẻ và 35% ở phụ nữ quanh tuổi mãn kinh. Các bệnh lý của sàn chậu gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của phụ nữ.

1. Sàn chậu nữ là gì?

Sàn chậu được hình thành từ nhiều khối cân và cơ đan xen nhau, hình tứ giác, nằm bên trong khung xương chậu, bám ở phía trước vào khớp mu, phía sau vào xương cùng cụt và hai bên vào khung xương chậu.


Giải phẫu sàn chậu nữ
Giải phẫu sàn chậu nữ

Sàn chậu được chia thành hai phần: Tam giác niệu dục ở phía trước (nâng đỡ các cơ quan tiết niệu và sinh dục) và tam giác hậu môn ở sau (nâng đỡ hậu môn trực tràng)

Sàn chậu như một cái võng nâng đỡ các cơ quan thuộc ba hệ thống: hệ tiết niệu (bàng quang), hệ sinh dục (âm đạo) và hệ tiêu hóa (trực tràng) giúp các cơ quan này không bị sa xuống.

Một phần của niệu đạo, âm đạo và trực tràng xuyên qua sàn chậu. Tại vị trí sàn chậu bị xuyên qua bởi các cấu trúc này, các cơ vòng xung quanh có thể co giãn giúp điều khiển chức năng đại tiện, tiểu tiện, sinh hoạt tình dục bình thường.

2. Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?

Sàn chậu có hai chức năng chính:

  • Nâng đỡ và cố định các tạng trong tiểu khung
  • Kiểm soát chức năng đại tiện, tiểu tiện và tình dục bình thường

Khi sàn chậu không thể đảm nhiệm tốt hai chức năng trên của mình gọi là rối loạn chức năng sàn chậu.

Nguyên nhân thường gặp là:

  • Thừa cân, béo phì
  • Mang thai, đặc biệt nếu tăng cân quá mức, tiểu đường thai kỳ
  • Sinh đẻ (con to, đẻ nhiều lần, sang chấn trong đẻ),
  • Mãn kinh (giảm nội tiết dẫn đến suy yếu hệ thống cơ, dây chằng, thần kinh ...)

Mang thai gây rối loạn chức năng sàn chậu
Mang thai gây rối loạn chức năng sàn chậu

Rối loạn chức năng sàn chậu có những biểu hiện như sau:

Đường tiểu:

  • Són tiểu khi ho, hắt hơi, cười to, chạy nhảy hoặc mang vật nặng
  • Cảm giác buồn tiểu đến nhanh, đột ngột, mạnh, són tiểu trước khi đến được nhà vệ sinh
  • Tiểu đêm > 1 lần, tiểu ngày > 8 lần/ngày
  • Tiểu khó phải rặn, cảm giác đi tiểu không hết

Đi tiêu:

  • Són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hay chạy nhảy
  • Không giữ được theo ý muốn khi buồn đánh hơi hoặc buồn đi đại tiện
  • Táo bón kéo dài, đi đại tiện khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống

Sa các cơ quan: sa tử cung, bàng quang, trực tràng, ruột

Rối loạn tình dục

  • Giao hợp đau, giảm cảm giác ham muốn
  • Cảm giác cửa mình rộng, có hơi .

Đau vùng chậu mãn tính

Đau vùng thắt lưng chậu, bụng dưới, cửa mình


Đau vùng chậu mãn tính có thể gây rối loạn chức năng sàn chậu
Đau vùng chậu mãn tính có thể gây rối loạn chức năng sàn chậu

3. Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu?

  • Điều trị dự phòng: Tập luyện cơ sàn chậu sau sinh và sau mãn kinh
  • Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu

Tùy thuộc loại rối loạn chức năng sàn chậu và mức độ, bác sĩ chuyên khoa sẽ khám, đánh giá và tư vấn phương pháp, liệu trình điều trị.

Người bệnh cần tập luyện cơ sàn chậu theo hướng dẫn của nhân viên y tế hoặc với máy kích thích điện cơ, máy biofeedback để nhận biết nhóm cơ cần tập. Điều trị thuốc khi có viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo.

Một số trường hợp cần can thiệp phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả. Các phương pháp mổ nhằm phục hồi hoặc tăng cường cho hệ thống nâng đỡ sàn chậu đã bị suy yếu hay thay đổi.


Tập luyện cơ sàn chậu giúp điều trị bệnh
Tập luyện cơ sàn chậu giúp điều trị bệnh

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe