Răng lấy tủy có bị tiêu xương không?

Khi điều trị các bệnh liên quan đến tủy răng, việc điều trị tủy là kỹ thuật nha khoa bắt buộc, đôi khi còn cần diệt tủy răng hoàn toàn. Vậy răng lấy tủy có bị tiêu xương không?

1. Tủy răng đóng vai trò như thế nào?

Trong mỗi chiếc răng luôn có chứa tủy răng, tủy răng được ví như nhựa sống của răng. Tủy răng có cả ở bộ phận thân răng (buồng tủy) và chân răng (ống tủy), do răng có thể có 1, 2, 3 hoặc 4 chân răng nên tương ứng có thể có đến 4 ống tủy ở một răng. Tủy răng trong mỗi ống tủy là những sợi mô mảnh, phân nhánh từ buồng tủy thân răng xuống đến tận vùng chóp răng. Tủy răng chứa rất nhiều mạch máu giúp dẫn khoáng, dinh dưỡng nuôi răng. Quan trọng hơn, tại đây còn có các dây thần kinh giúp dẫn truyền xung động cảm giác của vùng răng. Tủy răng khỏe mạnh còn đóng vai trò chữa lành cho những tổn thương ở vị trí ngà răng.

2. Chỉ định lấy tủy răng trong trường hợp nào?

Nha sĩ sẽ chỉ định lấy tủy răng cho bệnh nhân khi răng của họ có lỗ sâu, vỡ mẻ, chấn thương, viêm... dẫn đến tình trạng viêm tủy răng. Khi tủy răng bị viêm, ổ viêm sẽ có xu hướng lan xuống phía dưới vùng chóp gây tiêu xương răng, thậm chí là u nang xương hàm. Răng sau đó cũng mất dần chức năng ăn nhai do bị cụt dần, cảm giác đau khi nhai, mụn rò mủ, nếu vào đợt cấp cơn đau răng khủng khiếp sẽ lan lên đầu khiến người bệnh vô cùng khó chịu.

Lúc này nha sĩ phải kiểm tra và cho chỉ định điều trị tủy răng bằng cách lấy bỏ phần tủy viêm này, sau đó sát trùng thật sạch ống tủy rồi hàn kín lại bằng chất hàn chuyên dụng, cuối cùng phục hồi lại chiếc răng như mới.

Ngoài ra việc điều trị tủy còn được chỉ định để tránh các cơn đau buốt sau khi làm răng thẩm mỹ cần mài đi nhiều mô răng. Việc điều trị tủy răng trong trường hợp này chỉ là can thiệp dự phòng, nha sĩ thường sẽ hỏi ý kiến của bạn trước khi thực hiện.

Có thể thấy trong trường hợp bệnh nhân có các bệnh lý viêm đau hoặc đã bị tiêu xương răng hàm phía dưới rồi thì việc lấy tủy là rất tốt, không những không gây hại mà còn là một nỗ lực cứu răng.

Tuy nhiên nếu lấy tủy để làm răng sứ, cầu răng sứ... đồng nghĩa với việc lấy tủy 1 chiếc răng khỏe mạnh thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ do không phải tất cả các ca lấy tủy đều thành công. Trên thực tế hệ thống ống tủy răng rất phức tạp, nhiều trường hợp chân răng cong, phân nhiều nhánh phụ, các ổ vi khuẩn cứng đầu khó có thể tiếp cận và làm sạch, khi đó có thể sẽ phải nhổ bỏ răng.

Một số người bị đau âm ỉ do viêm tủy mãn tính những vẫn nhất quyết không điều trị tủy vì sợ làm hỏng răng, nhưng thực tế chiếc răng đau là do răng đã hỏng rồi, mục đích điều trị tủy là lấy hết tủy viêm và giảm bớt sự khó chịu.

Tủy răng có chứa thần kinh, mạch máu giúp duy trì cảm giác cho chiếc răng. Khi răng đã được lấy tủy sẽ không còn cảm giác như ê buốt, đau khi nhai nữa. Nhiều người cho rằng lấy tủy răng ăn uống sẽ không còn cảm thấy ngon, điều này là hoàn toàn sai vì cảm giác vị giác, tức là độ ngon của thức ăn, vị mặn, ngọt, đắng, cay... chỉ nằm ở lưỡi, do dây thần kinh V3, thừng nhĩ, dây IX, X chi phối và không liên quan gì đến thần kinh tủy răng.

3. Răng lấy tủy có bị tiêu xương không?

Diệt tủy răng được xem là giải pháp tạm thời trong quá trình điều trị các vấn đề bệnh lý tủy chân răng. Tuy nhiên về lâu dài, răng đã diệt tủy có thể phát sinh tình huống gãy rụng, mất răng. Nếu không kịp thời trồng răng giả, tình trạng mất răng sau khi lấy tủy có thể dẫn đến biến chứng tiêu xương tụt lợi.

Tuy nhiên không phải trường hợp nào lấy tủy răng cũng dẫn đến tiêu xương răng. Răng sau khi lấy tủy với kỹ thuật tốt sẽ tồn tại rất lâu dài trên cung hàm, thậm chí răng đã lấy tủy có thể tồn tại đến hết đời. Việc thực hiện các động tác nhai nghiền, phát âm, thẩm mỹ của răng đã lấy tủy giống hệt chiếc răng thật nếu chúng ta có quá trình chăm sóc răng tốt.

4. Chăm sóc răng sau khi diệt tủy răng

Sau khi lấy tủy răng, răng được xem như đã chết nên rất dễ bị tác động bởi các yếu tố nhiệt độ, lực... Răng dễ bị lung lay, gãy, vỡ, mẻ bất cứ lúc nào vì vậy một chế độ ăn uống và chăm sóc đúng cách là vô cùng quan trọng giúp đảm bảo độ bền của răng đã lấy tủy được lâu hơn:

  • Khi ăn uống, đặc biệt là với các loại thức ăn cứng và dai, bệnh nhân nên hạn chế đưa thức ăn đến khu vực răng có răng đã lấy tủy để tránh tác động lực quá lớn lên răng.
  • Luôn luôn duy trì việc vệ sinh răng miệng thường xuyên để tránh việc thức ăn bám vào răng và hình thành cao răng, sâu răng.
  • Khi chải răng đã lấy tủy cần phải thao tác nhẹ nhàng, tránh đánh răng quá mạnh vì lực tác động lớn có thể làm mẻ răng, vỡ răng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe