Răng bị chết tủy là một trong những tình trạng răng miệng, cần phải điều trị nha khoa. Bài viết sau đây sẽ cung cấp tới bạn đọc những thông tin hữu ích về tình trạng này.
1. Thế nào là răng chết tủy?
Răng chết tủy là tình trạng tủy răng bị tổn thương, gây ra nhiễm trùng, viêm tủy nặng, cuối cùng không xử lý kịp thời dẫn đến tình trạng chết tủy.
Nhận biết răng chết tủy thông qua những dấu hiệu sau đây: Răng gần như không có bất cứ cảm giác đau nhức hay ê buốt nào nếu tủy răng bị hoại tử. Do đó, người bệnh gặp khó khăn trong quá trình phát hiện và điều trị bệnh.
Tuy nhiên, thông qua các dấu hiệu sau đây người bệnh có thể phát hiện ra tình trạng chết tủy:
- Men răng ngả sang màu xám và nâu đen do không được nuôi dưỡng liên tục. Tình trạng ố màu, đổi màu răng chỉ xảy ra ở một răng duy nhất khi răng chết tủy.
- Sờ hoặc chạm và gõ vào răng không có bất kỳ cảm giác nào.
- Hôi miệng kéo dài dai dẳng ngay cả khi đã vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Bởi vì răng chết tủy có thể gây tiết mủ ra ngoài chóp răng, gây ra mùi hôi khó chịu trong khoang miệng.
- Trong trường hợp tủy răng bị chết trong thời gian dài, răng có thể bị lung lay, giảm chức năng nhai và nghiền nát thức ăn.
- Một số trường hợp, răng chết tủy có thể bị vỡ thành mảnh vụn, quan sát mặt răng thấy có lỗ sâu lớn, bên trong chứa mô màu hồng hoặc đỏ (viêm tủy triển dưỡng). Đây là hệ quả do tủy răng bị hoại tử trong một khoảng thời gian dài nhưng không được xử trí kịp thời.
Tủy răng là nguồn dinh dưỡng để nuôi sống mô răng. Một chiếc răng đã loại bỏ tủy (hoặc chết tủy) thì giống như nó đã chết. Răng sẽ mất đi cảm giác khi ăn uống cũng như giảm sức nhai.
Răng đã loại bỏ tủy, sau 1 năm sẽ bắt đầu xuất hiện các hiện tượng sừng hóa mô răng (tức là mô răng tự hủy dần đi). Sau khi lấy tủy, bạn có bọc sứ cho răng hay sử dụng cách khác thì răng cũng sẽ dễ bị nứt, vỡ, giòn hơn, dễ bị rụng.
2. Tình trạng răng chết tủy đổi màu do những nguyên nhân gì?
- Viêm nha chu: Răng không được vệ sinh sạch sẽ, đúng cách rất dễ xảy ra viêm lợi. Kéo dài lâu ngày có thể gây ra viêm nha chu. Viêm nha chu nếu không được điều trị kịp thời thì lợi sẽ bị chảy máu và có thể có mủ. Vi khuẩn thâm nhập vào chân răng rồi đến các ống tủy, sau đó lan tới buồng tủy. Tủy răng sẽ bị viêm nhiễm từ nhẹ đến nặng và sau đó dẫn tới tình trạng răng chết tủy.
- Sâu răng: Cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chết tủy răng. Răng bị sâu có thể trám lại nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, trong trường hợp lỗ sâu răng ăn hết thân răng rồi lan vào đến trong buồng tủy, trường hợp này là bị sâu răng rất nặng và nghiêm trọng.
- Răng chết tủy do răng bị sứt mẻ, do tai nạn hoặc tác nhân bên ngoài: Trường hợp này làm cho tủy không còn được bảo vệ bởi men răng và ngà răng. Tổn thương khiến các mạch máu và các dây thần kinh bị tổn hại, lâu dần tủy răng mất đi khả năng hoạt động và dẫn tới tình trạng chết tủy.
3. Các phương pháp điều trị răng chết tủy đổi màu
Điều trị tủy răng và làm sáng răng: Nếu trường hợp răng bị chết tủy ở giai đoạn sớm, nhẹ nhất, các bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện điều trị tủy cho người bệnh. Phương pháp này sẽ lấy đi hết phần tủy răng đã bị chết ra bên ngoài bằng các loại dụng cụ nha khoa. Sau đó thì tiến hành làm sạch buồng tủy và trám lại ống bít tủy bằng dụng cụ nha khoa chuyên dụng. Tiếp đến là phục hình lại cho thân răng để đảm bảo thẩm mỹ bằng các cách khác nhau, các phương pháp này tùy từng trường hợp cụ thể.
Các phương pháp làm sáng răng sau khi điều trị tủy cho răng bị chết tủy:
Xử lý răng chết tủy bị đổi màu là một trong những vấn đề thẩm mỹ cơ bản ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn về mặt giao tiếp xã hội.
Hiện nay, có rất nhiều lựa chọn khi điều trị thẩm mỹ nhưng tẩy trắng răng vẫn là một trong những thủ thuật an toàn ít xâm lấn, có thể bảo tồn được màu trắng cho răng, phương pháp này chi phí thấp mà vẫn đảm bảo hiệu quả với những răng bị đổi màu.
- Sử dụng một số hợp chất hóa học để làm thuốc tẩy trắng bao gồm: vôi clorua, oxalic acid, acetic acid, các hợp chất và dung dịch của chlorine, natri peroxide, Natri Hypochlorite, Hidrogén peroxid với nhiều nồng độ khác nhau, carbamide peroxide và natri perborate.
- Các loại sản phẩm tẩy trắng tuy khác nhau nhưng đều có cơ chế tác dụng tương tự nhau. Hydrogen peroxide sẽ phân hủy thành oxy và nước sau đó oxi sẽ oxi hóa và làm phá hủy các sắc tố hữu cơ tập trung chủ yếu trong ngà răng, qua đó răng sẽ trắng lên.
- Có thể sử dụng nhiệt, đèn, có thể cả dòng điện để hoạt hóa thuốc tẩy trắng nhằm đạt được kết quả nhanh hơn.
- Cần phải thăm khám lâm sàng và nghiên cứu kỹ lưỡng phim X quang trước khi lập kế hoạch điều trị tẩy trắng răng đã chết tủy.
- Trong trường hợp răng chết tủy đổi màu cần phải chụp phim quanh chóp để đánh giá chất lượng của việc điều trị nội nha. Tình trạng quanh chóp hay sự thiếu ngót có thể xảy ra, bác sĩ phải xác định được nguyên nhân gây đổi màu răng thì mới có kế hoạch điều trị thực sự đạt hiệu quả.
Một vài tác dụng phụ đã được tìm thấy khi tẩy trắng răng chết tủy đó là ngoại tiêu chân răng, thay đổi hình thái cấu trúc mô răng giảm hiệu quả của các loại vật liệu phục hồi và giảm khả năng đứt gãy của răng. Có khá nhiều kỹ thuật tẩy trắng răng chết tủy được sử dụng trong đó có ba kỹ thuật được mô tả nhiều trong các tài liệu, đó là:
- Tẩy trắng Walking (tẩy trắng từ trong buồng tủy): Tẩy trắng Walking là hình thức tẩy trắng được các nha sĩ khuyên dùng nhiều nhất bởi vì nó đơn giản, an toàn, ít nguy cơ và phù hợp với cả bệnh nhân và bác sĩ.
- Tẩy trắng inside/outside.
- Tẩy trắng tại phòng (in Office).
- Nhổ răng: Nếu như trường hợp sau thăm khám, bác sĩ nhận thấy tình trạng chết tủy không thể cải thiện, bảo tồn được các chức năng ăn nhai bằng phương pháp trên. Lúc này, nếu răng chết tủy đã không còn có tác dụng gì thì các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhổ răng để bảo toàn cho các răng cạnh bên.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tủy răng
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.