Quy trình vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não gồm có nhiều bước phải thực hiện lần lượt, mục tiêu cuối cùng là nhằm chủ động kiểm soát nếu túi phình chưa vỡ hay khắc phục xuất huyết não nếu túi phình đã vỡ. Dù là trong bệnh cảnh nào, việc hiểu biết rõ về các bước mổ phình động mạch não như sau sẽ củng cố tính đúng đắn cho quyết định điều trị này.
1. Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não là gì?
Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não là phẫu thuật nhằm cắt đứt dòng lưu lượng máu chảy đến phình động mạch não. Can thiệp này được thực hiện nhằm để dự phòng trước biến cố vỡ mạch máu và xuất huyết trong sọ não. Đây là một phẫu thuật mở hộp sọ và tương đối phức tạp. Trong đó, bác sĩ phẫu thuật bộc lộ các túi phình động mạch bằng cách cắt sọ và đặt một chiếc kẹp kim loại xuyên qua đáy phình động mạch để máu không thể tiếp tục vào trong túi phình này. Trong những năm gần đây, kẹp kim loại bằng titan thường được sử dụng với những ưu điểm về tính trơ nổi bật hơn so với các chất liệu kim loại khác.
2. Chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật?
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật sẽ rất khác biệt nhau trong bệnh cảnh người bệnh được đưa đến phòng cấp cứu với phình động mạch não đã vỡ và phình động mạch não chưa vỡ.
Đối với tình huống phình động mạch não đã vỡ và đang đe dọa tính mạng, bệnh nhân cần được đưa ngay vào phòng mổ sau khi các bác sĩ đã xác định được vị trí của túi phình động mạch và huyết áp tạm thời đã được kiểm soát ổn định. Để giảm huyết áp, bác sĩ có thể sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch, tăng thông khí trên máy thở hoặc với các thuốc an thần. Một đường cảm ứng do áp suất động mạch xâm lấn có thể được đưa vào động mạch tại cổ tay của bạn để theo dõi huyết áp. Lúc này, người bệnh cần có không gian tuyệt đối nghỉ ngơi tại giường, hạn chế kích thích để huyết áp và các chỉ số sinh tồn khác mau chóng được ổn định hơn.
Trong trường hợp túi phình động mạch não không vỡ, người bệnh sẽ được sắp xếp thực hiện các xét nghiệm tiền phẫu, như xét nghiệm máu, điện tâm đồ, X-quang ngực... vài ngày trước khi phẫu thuật. Bên cạnh đó, người bệnh và thân nhân hay người đại diện sẽ được bác sĩ giải thích lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình can thiệp. Nếu đồng ý, người bệnh cần điền vào giấy tờ và ký giấy chấp thuận. Sau đó, bác sĩ gây mê sẽ thăm khám và hỏi về tiền căn y tế của bạn như dị ứng thuốc, phản ứng gây mê, các cuộc phẫu thuật trước đó... nhằm đánh giá khả năng người bệnh có thể chịu đựng được ca mổ này. Ngoài ra, bác sĩ cũng cần biết các thuốc người bệnh đang dùng, bao gồm kê toa lẫn không kê toa, các loại thảo dược... Nếu đang dùng các loại thuốc chống viêm không steroid và aspirin, người bệnh cần ngưng trong vòng một tuần trước khi phẫu thuật diễn ra.
Bệnh nhân sẽ được sắp xếp nhập viện vào buổi sáng trước phẫu thuật. Không được ăn hoặc uống gì từ thời điểm nửa đêm cho đến khi lên bàn mổ. Một đường truyền tĩnh mạch với dung dịch ưu trương được đặt trong tĩnh mạch tại cánh tay người bệnh. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, một bác sĩ gây mê sẽ giải thích những ảnh hưởng của thuốc mê và sẽ tiến hành gây mê.
3. Quy trình vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não diễn ra như thế nào?
Quy trình vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não có sáu bước. Toàn bộ các bước này sẽ diễn ra trong thời gian từ 3 đến 5 giờ đồng hồ hoặc có thể lâu hơn nếu bước cắt sọ có nhiều phức tạp.
Lần lượt các bước trong quy trình vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não được trình bày sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị bệnh nhân
- Bệnh nhân sẽ nằm ngửa trên bàn mổ và được gây mê toàn thân.
- Khi đã mê hoàn toàn và thở máy qua nội khí quản, đầu của người bệnh sẽ được đặt trong một thiết bị cố định hộp sọ ba chân, gắn vào bàn để giữ đầu nguyên vị trí trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Vùng tóc trên hộp sọ cần can thiệp sẽ được cạo sạch và rạch da đầu, bộc bộ xương sọ.
- Một ống dẫn lưu có thể được đặt trong cột sống thắt lưng rút bớt dịch não tủy, giúp cho não thư giãn hơn trong khi phẫu thuật. Ngoài ra, áp lực sọ não cũng có thể giảm bớt khi người bệnh được truyền một loại dung dịch ưu trương là mannitol.
Bước 2: Thực hiện phẫu thuật cắt sọ
- Tùy thuộc vào vị trí túi phình mạch não, một vạt xương sọ tại vị trí đó sẽ xác định và chuẩn bị cắt đi.
- Sau khi da đầu đã được chuẩn bị sẵn, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch da để lộ hộp sọ. Da và cơ bắp được nhấc ra khỏi xương và gấp lại.
- Tiếp theo, các lỗ nhỏ được tạo ra trên nền hộp sọ bằng các mũi khoan. Các lỗ khoan cho phép mở ra lối vào của hộp sọ bằng một cái cưa đặc biệt.
- Các bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt đi một cửa sổ xương. Vạt xương cắt được nâng lên và gỡ bỏ để lộ lớp vỏ cứng bảo vệ của não, được gọi là màng cứng.
- Màng cứng cũng sẽ được mở ra, bộc lộ nhu mô não.
Bước 3: Tiếp cận túi phình động mạch
- Khi màng cứng được mở ra, nhu mô não sẽ được bộc lộ.
- Bằng cách làm việc dưới kính hiển vi, bác sĩ phẫu thuật sẽ định vị cẩn thận các động mạch và lần theo nó đến túi phình động mạch cần can thiệp.
- Trước khi đặt clip, bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm soát lưu lượng máu đi vào và đi ra khỏi túi phình động mạch.
- Xử lý phình động mạch cần hết sức cẩn trọng vì có thể gây vỡ. Nếu vỡ xảy ra trong khi phẫu thuật, một clip tạm thời có thể được đặt trên động mạch đoạn gốc để cầm máu.
- Tùy thuộc vào kích thước và vị trí túi phình động mạch, việc kiểm soát lưu lượng máu đôi khi có thể phải cần tiếp cận tại đoạn động mạch cảnh ở cổ thông qua một vết mổ riêng.
Bước 4: Kẹp clip túi phình
- Thông thường túi phình động mạch được giữ chặt bởi các mô liên kết xung quanh. Do đó, cần phải bóc tách túi phình khỏi các cấu trúc khác trước khi được chuẩn bị để kẹp.
- Các nhánh động mạch nhỏ cũng cần phải được lưu ý để chúng không bị kẹp đồng thời trong clip.
- Đoạn clip được mở ra và được đặt ngang cổ phình mạch. Khi đã đảm bảo kiểm soát toàn diện, hai hàm của clip sẽ đóng chặt túi phình động mạch từ ngay động mạch gốc.
- Nhiều clip có thể cùng lúc được sử dụng với các túi phình khác nhau.
- Các clip được làm bằng chất liệu titan và sẽ tồn tại trên động mạch vĩnh viễn.
Bước 5: Kiểm tra clip
- Sau khi kẹp, bác sĩ phẫu thuật sẽ cần kiểm tra lại clip để chắc chắn rằng clip không kẹp nhầm vào làm hẹp cả động mạch gốc hoặc các động mạch khác trong hàm của clip.
- Thậm chí, phần túi phình động mạch não còn được đâm xuyên bằng kim để đảm bảo rằng máu không còn lấp đầy trong đó.
Đồng thời, người bệnh cũng được chụp lại hệ thống động mạch não ngay trong phòng phẫu thuật để có thể xác nhận lưu lượng máu qua động mạch gốc.
Bước 6: Đóng nắp sọ
- Màng cứng sẽ được đóng lại bằng chỉ khâu.
- Vạt xương được đậy lại và được cố định vào hộp sọ bằng các tấm titan với ốc vít.
- Các cơ và lớp da cũng được khâu lại với nhau.
- Cuối cùng, một băng gạc mềm sẽ được đặt trên che đậy vết mổ.
4. Cần chăm sóc gì sau phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não?
Sau khi phẫu thuật kết thúc, người bệnh sẽ được đưa vào phòng hồi sức để tiếp tục theo dõi các dấu hiệu sinh tồn cho đến khi tỉnh dậy
Tiếp đó, bệnh nhân sẽ được chuyển đến đơn vị chăm sóc chuyên sâu về thần kinh để theo dõi trong suốt những ngày nằm viện. Thuốc giảm đau sẽ có chỉ định khi cần thiết. Một số người bệnh có thể bị buồn nôn và đau đầu sau phẫu thuật; tuy nhiên, các triệu chứng này có thể kiểm soát được bằng thuốc.
Người bệnh cũng được khuyến khích sinh hoạt tại giường hay có thể tự đi lại nhẹ nhàng quanh phòng ngay khi có thể. Nếu mọi thứ ổn định, sau một vài ngày, bệnh nhân có thể được xuất viện.
Đối với các trường hợp bị phình động mạch vỡ, người bệnh cần ở lại khoa hồi sức trong 14 đến 21 ngày và được theo dõi các dấu hiệu co thắt mạch máu. Đây là một phản xạ sinh lý của mạch máu não khi xảy ra xuất huyết não và hệ quả sẽ dẫn đến nhồi máu não thứ phát. Hiện tượng co thắt động mạch có thể xảy ra sau từ 3 đến 14 ngày. Các dấu hiệu co thắt bao gồm yếu tay hoặc chân, nhầm lẫn, buồn ngủ hoặc kích thích, vật vã.
Khi được về nhà, người bệnh cần được hướng dẫn cách chăm sóc vết mổ và phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng, đồng thời nên nghỉ ngơi thường xuyên, tránh căng thẳng hay vận động quá sức. Nếu người bệnh có di chứng tổn thương não thì có thể phối hợp vật lý trị liệu hoặc phục hồi chức năng.
Tóm lại, phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não là phương pháp kinh điển nhằm can thiệp dự phòng hay giải quyết hậu quả của các trường hợp có túi phình động mạch trong não. Chỉ định của việc can thiệp phụ thuộc vào đặc điểm của túi phình nhưng thành công của cuộc mổ còn phụ thuộc vào sự tuân thủ quy trình, đòi hỏi tính tỉ mỉ và chính xác theo từng bước như trên.
Nguồn tham khảo: winchesterhospital.org, bafound.org, sciencedirect.com
XEM THÊM