Túi phình động mạch não là sự phình ra của động mạch ở nơi có thành mỏng, yếu. Dưới áp lực máu trong động mạch cao, chúng sẽ có nguy cơ vỡ và gây xuất huyết nội sọ, khiến người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch hay để lại di chứng nặng nề về sau. Chính vì thế, việc chỉ định vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não cần được cân nhắc sớm, nhằm phòng tránh biến cố và cải thiện dự hậu lâu dài.
1. Phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não là gì?
Mục tiêu của phẫu thuật kẹp phình động mạch não là tách túi phình ra khỏi dòng tuần hoàn bình thường của lưu lượng máu não. Phẫu thuật được thực hiện trong điều kiện người bệnh đã được gây mê toàn thân và mở nắp sọ. Phần nhu mô não sẽ được nhẹ nhàng thu gọn lại để dễ dàng xác định vị trí của túi phình động mạch. Một clip nhỏ bằng kim loại sẽ được đặt trên cổ túi phình động mạch não để chặn dòng máu bình thường tiếp tục đi vào trong túi. Như vậy, các clip được làm bằng titan, một kim loại có tính trơ cao và sẽ tồn tại trên động mạch não một cách vĩnh viễn.
Trong thực hành lâm sàng, chứng phình động mạch não khác nhau về kích thước và hình dạng của phình. Chúng có thể có cổ có gốc trên động mạch chính và một vòm phát triển tròn như một quả bóng. Đây là điều kiện dễ dàng nhất để đặt clip. Ngược lại, có một số chứng phình động mạch não có cổ rộng hoặc phình dạng ống không có cổ rõ ràng thì sẽ khó khăn hơn để can thiệp đặt clip. Chính vì thế, các clip đòi hỏi cần được tạo ra với nhiều hình dạng, kích cỡ và độ dài khác nhau; đồng thời, chỉ định can thiệp bằng phẫu thuật cũng cần được cân nhắc xem xét trước đó.
2. Chỉ định can thiệp túi phình động mạch não trong từng bệnh cảnh như thế nào?
Túi phình động mạch não có thể được chẩn đoán trong từng bệnh cảnh rất khác biệt nhau, như tình cờ phát hiện, phình mạch có triệu chứng hay phình mạch gây biến chứng. Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng, túi phình động mạch được tiếp cận can thiệp theo hai nhóm là không vỡ và đã vỡ.
2.1. Túi phình động mạch không vỡ
Việc quản lý tối ưu các trường hợp mắc phải phình động mạch không vỡ vẫn luôn được nghiên cứu. Hiện các nhà khoa học vẫn còn chưa trả lời được câu hỏi điều gì xảy ra nếu chúng không được điều trị. Đồng thời, những rủi ro liên quan đến việc tích cực điều trị chứng phình động mạch không vỡ ngay từ đầu thì không thể hoàn toàn phòng tránh được. Như vậy, khi quyết định có nên điều trị chứng phình động mạch không vỡ hay không, nguy cơ của điều trị sẽ được so sánh với nguy cơ nếu không can thiệp gì.
Cụ thể, quyết định về điều trị phải tùy thuộc cho từng bệnh nhân. Bác sĩ sẽ cân nhắc đến các yếu tố như sau:
- Túi phình động mạch lớn có nhiều khả năng vỡ
- Túi phình động mạch não nằm ở một số khu vực của não có thể dễ bị vỡ hơn
- Những bệnh nhân bị vỡ phình động mạch não trước đó có thể tăng nguy cơ bị vỡ phình mạch trong tương lai
- Bệnh nhân có tiền sử gia đình phình động mạch có thể có nhiều khả năng bị vỡ hơn
2.2. Túi phình động mạch vỡ
Một khi túi phình động mạch đã vỡ và gây chảy máu trong nội sọ thì sẽ có nguy cơ cao vỡ tái phát, đặc biệt là trong vòng 48 đến 72 giờ sau biến cố đầu tiên. Với mỗi lần xuất huyết não như vậy, cơ hội phục hồi của người bệnh giảm đi, nguy cơ để lại di chứng tăng lên. Vì lý do này, phình động mạch vỡ được điều trị lý tưởng càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đang hôn mê sâu, có kèm theo nhiều bệnh lý nặng khác hoặc tuổi cao, dự hậu ngắn, việc điều trị có thể làm tình trạng của họ trở nên tồi tệ nhanh hơn. Trong những tình huống này, chỉ định điều trị thường được trì hoãn cho đến khi bệnh nhân ổn định hơn sẽ được xem xét lại.
3. Trường hợp nào là có chỉ định vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não?
Vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não sẽ là một chỉ định điều trị phình động mạch não hiệu quả trong những bệnh cảnh sau đây:
- Túi phình động mạch não đã vỡ và gây chảy máu vào khoảng trống giữa não và hộp sọ, được gọi là xuất huyết dưới nhện. Nguy cơ chảy máu não tái phát sẽ là 22% trong vòng 14 ngày đầu sau biến cố đầu tiên. Vì vậy, thời điểm quyết định phẫu thuật rất quan trọng - thường trong vòng 72 giờ kể từ lần chảy máu đầu tiên.
- Túi phình động mạch não không vỡ có thể không gây ra triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ trong quá trình kiểm tra sức khỏe định kỳ hay đi khám vì một bệnh lý khác. Nguy cơ vỡ phình động mạch não là khoảng 1% mỗi năm nhưng có thể cao hơn hoặc thấp hơn tùy thuộc vào kích thước và vị trí của túi phình. Tuy nhiên, khi đã vỡ xảy ra, nguy cơ tử vong là 40% và nguy cơ di chứng là 80%.
Ngoài ra, tương tự như các phẫu thuật khác, các bệnh nhân được chỉ định vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não phải đảm bảo được khả năng chịu đựng cuộc mổ. Khả năng này sẽ được quyết định thông qua sự thăm khám của bác sĩ gây mê, đánh giá dựa trên tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng quát, chức năng tim phổi cũng như chất lượng cuộc sống hiện tại và dự hậu trong tương lai.
4. Cân nhắc chỉ định vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não so với can thiệp nội mạch như thế nào?
Quyết định tiến hành phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não hay can thiệp nội mạch sẽ phụ thuộc vào kích thước của túi, vị trí và hình dạng cổ túi phình.
Những ưu điểm là hạn chế xâm lấn của can thiệp nội mạch sẽ thích hợp hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe kém, có nhiều bệnh đồng mắc nặng hoặc túi phình động mạch ở một số vị trí nhất định khó tiếp cận. Tuy nhiên, ở nhóm bệnh nhân dưới 40 tuổi, sự khác biệt về hiệu quả và tính an toàn giữa phẫu thuật và can thiệp nội mạch là không đáng kể. Trong khi đó, với kẹp túi phình động mạch não bằng clip qua đường mở nắp sọ còn được chứng minh tính bảo vệ lâu dài khỏi nguy cơ xuất huyết não tốt hơn, có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân hơn.
Về việc so sánh kết quả dài hạn giữa hai phương pháp này, rất nhiều nghiên cứu vẫn đang được diễn ra. Kẹp clip túi phình động mạch não đã chứng minh hiệu quả lâu dài trong nhiều thập kỷ. Trái lại, can thiệp nội mạch bằng coil vẫn là một kỹ thuật tương đối mới và tính bảo vệ lâu dài của nó thực sự vẫn chưa được hiểu biết trọn vẹn.
Do đó, chỉ định điều trị tốt vẫn mang tính cá nhân hóa cao. Ngoài ra, việc tiến hành phương pháp can thiệp nào còn tùy thuộc vào điều kiện sẵn có, cơ sở vật chất cũng như trình độ, kỹ thuật và kinh nghiệm của phẫu thuật viên ngoại thần kinh.
Tóm lại, kẹp túi phình động mạch não bằng cách phẫu thuật là phương thức điều trị kinh điển của chứng phình động mạch não. Mặc dù phương pháp can thiệp nội mạch hiện đại hạn chế xâm lấn và được ưa chuộng hơn, việc kẹp clip túi phình vẫn giữ những lợi ích nhất định không thay thế được. Chính vì thế, chỉ định vi phẫu thuật kẹp túi phình động mạch não vẫn luôn cần được cân nhắc tùy vào từng bệnh cảnh, nhằm đem lại hiệu quả điều trị tốt cho người bệnh.
Nguồn tham khảo: silverneurosurgery.com, sciencedirect.com, bafound.org