Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thục Vỹ - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Các bó sợi thần kinh tạo nên các dây thần kinh, là những cấu trúc phức tạp bên trong não bộ. Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh là phương pháp để chẩn đoán những bệnh lý liên quan đến thần kinh, trong đó các sợi trục thần kinh bị tổn thương.
1. Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh là gì?
Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ khuếch tán sức căng là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, được áp dụng để phát hiện, tìm kiếm các tổn thương liên quan đến sợi trục thần kinh. Từ đó, hạn chế những tổn thương do quá trình can thiệp, điều trị gây ra.
2. Chỉ định/ Chống chỉ định chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh
Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Vị trí khối u não ở cạnh các bó sợi trục thần kinh hoặc khối u phát triển và xâm lấn các bó sợi trục thần kinh.
- Tìm kiếm và phát hiện những tổn thương có liên quan giữa vùng dị dạng mạch máu não và bó sợi trục thần kinh.
- Bệnh nhồi máu não, chảy máu gây ra những tổn thương là chất trắng, xơ cứng đa ổ, ...
- Bệnh động kinh, hoặc dị tật bẩm sinh về não như não chẻ, lạc chỗ chất xám.
Chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh chống chỉ định trong những trường hợp sau:
- Chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân có sử dụng thiết bị điện tử trong người như máy tạo nhịp tim.
- Chống chỉ định tương đối với bệnh nhân có kim loại có từ tính trên người.
- Bệnh nhân mắc chứng sợ ánh sáng hoặc không thể ở một mình.
- Trường hợp bệnh nhân bị kích thích, không có khả năng nằm yên, thì có thể sử dụng thuốc an thần.
3. Quy trình thực hiện chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh
Quy trình chụp các bó sợi thần kinh bao gồm các bước như sau:
- Bước 1: Đặt người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp, lựa chọn và xác định vị trí cuộn thu tín hiệu, di chuyển bàn chụp đi vào khoang từ trường của máy chụp, định vị vùng cần chụp.
- Bước 2: Tùy vào mục đích chụp, lựa chọn những chuỗi xung chẩn đoán phù hợp. Các chuỗi xung thường dùng là T1, T2, FLAIR, hướng cắt bao gồm cắt ngang, đứng ngang và đứng dọc.
- Bước 3: Tiến hành thực hiện các chuỗi xung khuếch tán thông thường, sau đó tính toán bản đồ hệ số khuếch tán biểu kiến để có thể đánh giá tổn thương. Tùy vào tổn thương phát hiện để thực hiện những chuỗi xung cần thiết.
- Bước 4: Chụp các bó sợi thần kinh với chuỗi xung và hướng phù hợp với mục đích cần phát hiện, chẩn đoán.
- Bước 5: Kỹ thuật viên thực hiện chạy từng xung và xử lý hình ảnh, lựa chọn hình ảnh cần thiết để in và gửi bác sĩ. Kết quả hình ảnh thu được phải đảm bảo các bó sợi trục thần kinh phải hiển thị rõ nét, không nhòe, không rủ, đủ các chuỗi xung. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ phân tích và đưa ra chẩn đoán.
Lưu ý, trong quá trình chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh cần theo dõi mạch, huyết áp và tri giác của người bệnh. Sau thủ thuật, yêu cầu người bệnh ở lại để tiếp tục theo dõi.
Nhờ vào sự phát triển của y học hiện đại, ngày nay, những tổn thương, bệnh lý liên quan đến các dây, sợi thần kinh được phát hiện và chẩn đoán nhờ vào kỹ thuật chụp cộng hưởng từ các bó sợi thần kinh. Tuy nhiên để đem lại hình ảnh tốt nhất để có phác đồ điều trị phù hợp thì bệnh nhân nên chọn các địa chỉ có hệ thống máy móc chụp cộng hưởng từ hiện đại chất lượng.