Khớp cắn ngược hay còn được gọi hàm móm, là tình trạng lệch khớp cắn hay xảy ra. Người bị khớp cắn ngược không những làm giảm tính thẩm mỹ cho gương mặt mà còn gây ra nhiều vấn đề răng miệng. Niềng răng khớp cắn ngược là phương pháp giúp trả lại sự hài hòa cho hai hàm răng, giải quyết tình trạng lệch khớp cắn.
1. Khớp cắn ngược là gì? Dấu hiệu nhận biết khớp cắn ngược
Khớp cắn ngược là tình trạng lệch khớp cắn do sự phát triển không đồng đều giữa xương hàm trên và xương hàm dưới.
Trong khi xương hàm dưới phát triển quá dài, quá to thì xương hàm trên lại quá nhỏ, ngắn và cụp vào trong. Ngoài ra, khi các răng hàm dưới mọc không thẳng và có xu hướng nhô ra phía trước cũng sẽ gây ra khớp cắn ngược. Khớp cắn ngược ảnh hưởng rất nhiều đến sự cân đối, hài hoà của khuôn mặt. Bên cạnh đó, chức năng ăn nhai và cấu trúc khung xương hàm của người bị khớp cắn ngược cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Dấu hiệu nhận biết khớp cắn ngược:
- Hàm răng dưới nằm hoàn toàn ngoài hàm răng trên.
- Các răng trong có thể tiếp xúc nhau chuẩn ở mặt nhai, tuy nhiên, nhóm răng phía trước như răng nanh, răng cửa không chạm nhau, mức độ cắn ngược càng nặng thì độ lệch của hai hàm sẽ càng xa nhau.
- Cằm dô ra phía trước hay còn gọi là mặt lưỡi cày
- Ba phần trán, mũi, cằm không tương quan nhau, khi nhìn nghiêng sẽ thấy bị gãy ở giữa mặt
- Đường thẳng nối trán - mũi - cằm không thẳng hoặc có thể thẳng nhưng lại bị lệch trái hoặc phải
2. Khớp cắn ngược gây hậu quả gì?
Khớp cắn ngược không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị có thể dẫn đến những hậu quả không nhỏ cho người bệnh:
- Mất tính thẩm mỹ
Khớp cắn ngược sẽ làm khuôn mặt mất cân đối, hài hòa khi cằm bị dài và chìa ra ngoài bất thường. Và sự tác động của việc ăn nhai, thức ăn thì lâu ngày hàm răng sẽ ngày càng lệch lạc hơn, dẫn đến khuôn mặt méo, lệch, làm người bệnh mất tự tin, ngại giao tiếp, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc.
- Giảm chức năng ăn nhai
Khi hai hàm sai lệch với nhau thì khớp cắn sẽ không thể khít được, điều này làm việc nhai, cắn thức ăn sẽ trở nên khó khăn hơn. Người bệnh bị cản trở trong việc ăn uống sẽ dẫn đến chán ăn, lâu ngày còn có thể khiến cơ thể bị suy nhược.
- Ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm
Khớp cắn ngược lâu dài nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp thái dương hàm, có thể gây ra bệnh lý viêm khớp thái dương. Triệu chứng của người viêm khớp thái dương hàm phải đối mặt là tình trạng đau đầu, mệt mỏi, dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng.
- Phát âm bị hạn chế
Cấu trúc hàm ảnh hưởng rất lớn đến việc phát âm. Hàm không chuẩn có thể dẫn đến nói ngọng, nói không rõ ràng, nói lắp, nói chuyện kém thu hút. Không những vậy, để phát âm một số từ, đôi khi có thể khiến khuôn miệng bị méo, lệch, không chuẩn .
3. Các phương pháp niềng răng khớp cắn ngược
3.1. Niềng răng với mắc cài
Nếu các răng mọc lệch là nguyên nhân gây ra khớp cắn ngược thì niềng răng là phương pháp hiệu quả để dịch chuyển và tái tạo lại thế để tạo sự hài hòa giữa hai hàm răng. Phương pháp niềng răng khớp cắn với mắc cài hiện nay có 3 loại là mắc cài kim loại, mắc cài sứ và mắc cài pha lê.
Về kỹ thuật, các phương pháp này đều thực hiện điều chỉnh và cố định răng bằng cách sử dụng bộ khí cụ gồm dây cung và mắc cài để hàm cắn ngược trở về đúng vị trí khớp cắn. Từ đó mang lại giúp khách hàng thực hiện việc ăn nhai một cách thoải mái và có được vẻ ngoài như ý cùng sự tự tin và nụ cười rạng rỡ. Đây là phương pháp có chi phí thấp, khung niềng chắc chắn và có độ ổn định cao. Các dây cung cũng tạo ra lực siết mạnh nên hạn chế tình trạng đứt, vỡ trong quá trình niềng.
Mắc cài sứ hoặc mắc cài pha lê là giải pháp cho tình trạng này. Màu sắc của mắc cài sáng, trắng tương tự màu răng nên trông sẽ thẩm mỹ hơn rất nhiều. Chất liệu sứ hoặc pha lê cũng an toàn và ít gây kích ứng cho người sử dụng. Mắc cài pha lê còn giúp tình trạng lệch khớp cắn nhanh cải thiện hơn.
Tuy nhiên, nhược điểm của các phương pháp niềng răng mắc cài là tính thẩm mỹ không cao, nhất là đối với niềng răng mắc cài kim loại vì nhìn sẽ rất lộ và người đối diện có thể nhìn thấy dễ dàng các mắc cài. Điều này có thể khiến bệnh nhân trở nên mất tự tin, thậm chí tránh né việc giao tiếp trong quá trình niềng răng. Ngoài ra, niềng răng mắc cài có thể làm người bệnh khó chịu khi nhai do mắc cài gây vướng, cộm lợi. Mắc cài sứ và pha lê lại có độ bền thấp hơn, dễ vỡ hơn so với mắc cài kim loại.
3.2 Niềng răng trong suốt
Niềng răng trong suốt Invisalign được xem là phương pháp niềng răng khớp cắn ngược hiện đại và đạt hiệu quả tối ưu nhất hiện nay. Kỹ thuật niềng răng trong suốt là phương pháp điều chỉnh răng về vị trí mong muốn bằng cách sử dụng một khay trong suốt vừa khít với hàm.
Đây là giải pháp khắc phục những nhược điểm của phương pháp niềng răng truyền thống là tính thẩm mỹ cao, dễ dàng vệ sinh, hạn chế đau đớn và tiết kiệm thời gian đi lại cho bệnh nhân. Hiệu quả của phương pháp niềng răng trong suốt được đảm bảo vì mỗi khay chỉnh hàm đều được thiết kế chuyên biệt phù hợp với từng tình trạng hàm của người bệnh. Nhược điểm lớn nhất của cách niềng răng này là chi phí rất cao, không phù hợp cho tất cả mọi người.
4. Quy trình niềng răng khớp cắn ngược
Các bác sĩ sẽ dựa vào từng trường hợp cụ thể mà tư vấn phương pháp chỉnh nha phù hợp cho mỗi bệnh nhân, tuy nhiên, quy trình niềng răng khớp cắn ngược cơ bản sẽ trải qua các bước sau :
Bước 1: Khám trực tiếp người bệnh và đưa ra phác đồ điều trị
Bác sĩ sẽ khám tổng quát tình trạng răng miệng hiện tại của người bệnh và chỉ định chụp X Quang để đánh giá mức độ sai lệch và xác định nguyên nhân gây khớp cắn ngược. Sau khi đã có đầy đủ các thông tin, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chi tiết cho người bệnh, bao gồm các thông tin về:
- Các bước thực hiện quy trình niềng răng.
- Thời gian niềng răng.
- Lựa chọn loại niềng răng phù hợp theo mong muốn và khả năng của người bệnh.
- Chi phí của toàn bộ quá trình niềng răng.
- Đưa ra các kết quả có thể đạt được sau từng giai đoạn niềng răng.
- Dặn dò những điều cần lưu ý khi thực hiện niềng răng.
- Lịch tái khám.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng và lấy dấu hàm
Trước khi được lấy dấu hàm, người bệnh sẽ được làm vệ sinh răng miệng như lấy cao răng, đánh bóng răng,... mục đích là để quá trình này giúp cho quá trình lấy dấu được đảm bảo chính xác và thuận lợi. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ điều trị dứt điểm các bệnh lý nha khoa như sâu răng, răng mọc lệch nhiều,... để nhằm giúp tăng hiệu quả chỉnh nha.
Bước 3: Gắn mắc cài hoặc đeo khay niềng lên răng
Bác sĩ sẽ tiến hành quá trình niềng răng bằng việc sử dụng các khí cụ chỉnh nha để gắn trực tiếp các mắc cài lên thân răng và cố định lại bằng các dây cung. Trong khi đó, nếu người bệnh lựa chọn niềng răng trong suốt thì sẽ được bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách tháo lắp theo số thứ tự trên máng.
Bước 4: Tái khám định kỳ theo hẹn
Tái khám theo định kỳ trong quá trình niềng răng là bước vô cùng quan trọng vì sẽ giúp kiểm tra tiến độ niềng răng và bác sĩ có thể thực hiện các điều chỉnh cần thiết nếu có bất kỳ vấn đề gì. Thông thường thì khoảng từ 4 đến 6 tuần người bệnh sẽ tái khám một lần.
Thời gian niềng răng trung bình sẽ kéo dài từ 2 - 3 năm tùy mức tình trạng của hàm và quá trình chăm sóc răng miệng. Thời gian này có thể rút ngắn được từ 1 đến 3 tháng người bệnh đáp ứng tốt với quá trình điều trị và vệ sinh răng miệng kỹ càng hàng ngày.
Bước 5: Tháo niềng và đeo hàm duy trì
Sau khi các răng đã về đúng vị trí trên hàm đạt yêu cầu, người bệnh sẽ được tháo niềng và đeo hàm duy trì để ổn định xương hàm và ngăn việc răng trở lại vị trí cũ. Thời gian đeo hàm duy trì thường từ 3 đến 6 tháng, hoặc có thể kéo dài đến 1 năm.
Khớp cắn ngược là bệnh lý răng miệng ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ và chức năng ai nhai của người bệnh. Niềng răng khớp cắn ngược là giải pháp hiệu quả giúp cải thiện tình trạng này. Tùy vào tình trạng hàm, nhu cầu và khả năng chi trả của từng người bệnh mà sẽ được bác sĩ tư vấn lựa chọn phương pháp niềng răng phù hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.