Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và can thiệp nội và ngoại mạch máu.
Chụp và nút động mạch phế quản là một kỹ thuật điều trị được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân ho ra máu từ nhẹ, trung bình đến nặng và có tái phát.
1. Phế quản là gì?
Phế quản người theo giải phẫu là một ống dẫn khí ở hệ hô hấp dưới, nằm nối tiếp ngay dưới khí quản, ngang mức các đốt sống ngực số 4-5. Phế quản được phân chia thành các nhánh nhỏ để đưa khí đi sâu vào vùng trong của phổi và hình thành cây phế quản.
Tình trạng ho ra máu có thể do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là từ khí quản và phổi. Theo thống kê hơn 90% trường hợp ho ra máu nguyên nhân xuất phát từ phổi là bởi các tổn thương ở nhánh động mạch phế quản.Thủ thuật nút mạch phế quản là một trong những giải pháp được đưa ra giúp cải thiện tình trạng đó.
2. Nút mạch phế quản là gì?
Nút mạch phế quản thực chất là kỹ thuật làm hiện hình động mạch trên màn hình tăng sáng bằng cách tiêm trực tiếp thuốc đối quang vào động mạch. Sau đó dựa vào hình ảnh để luồn ống nhỏ chuyên dụng vào động mạch, đến phế quản, bơm các viên tắc mạch vào vị trí tổn thương để ngăn ngừa tình trạng ho ra máu ở bệnh nhân.
3. Khi nào chụp nút mạch phế quản
Nút mạch phế quản được chỉ định khi bệnh nhân ho ra máu nặng, hoặc nhẹ ho ra máu số lượng tương đối ít nhưng kéo dài ngày và chưa có điều kiện phẫu thuật triệt để hoặc bác sĩ không chỉ định phẫu thuật.
Nút mạch phế quản được chống chỉ định tuyệt đối khi bệnh nhân gặp các rối loạn đông máu dạng nặng (prothrombin < 70%), tiểu cầu < 50G/l.
Trong trường hợp bệnh nhân dị ứng thuốc đối quang hoặc đang suy tạng nặng cũng được xem xét không áp dụng nút mạch phế quản.
4. Quy trình chụp nút mạch phế quản
4.1 Chuẩn bị
Sau khi thăm khám và xác định nguồn gốc ho ra máu xuất phát từ động mạch phế quản đồng thời bệnh nhân trong tình trạng đủ điều kiện để có thể thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ chỉ định chụp nút mạch phế quản và hướng dẫn bệnh nhân chuẩn bị trước như:
- Nhịn ăn, uống trong vòng 6 giờ trước khi tiến hành nút mạch phế quản, có thể uống không quá 50ml nước.
- Xét nghiệm chức năng đông máu và chảy máu
- Xét nghiệm chức năng thận
- Đo điện tim.
4.2 Chụp nút mạch phế quản
- Tại phòng thực hiện thủ thuật: Người bệnh được yêu cầu nằm ngửa dưới màn tăng sáng của , các loại thiết bị theo dõi nhịp thở, điện tâm đồ, huyết áp, mạch, SpO2 được lắp đặt và theo dõi. Đối với người bệnh không tỉnh táo hoặc trẻ nhỏ chi nút mạch phế quản có thể gây mê nếu cần thiết.
- Vùng bẹn hai bên của bệnh nhân được tiến hành sát khuẩn đây chính là đường vào động mạch đùi dẫn đến động mạch phế quản. Toàn bộ người bệnh được che phủ bằng săng, toan chỉ hở vị trí chọc mạch.
- Bác sĩ tiến hành luồn một ống kích thước nhỏ (microcatheter) từ vùng đùi vừa được sát khuẩn lên động mạch chủ, sau đó luồn một cách chọn lọc vào động mạch phế quản theo màn hình tăng sáng.
- Bơm thuốc cản quang và tiến hành chụp hình động mạch phế quản để xác định vị trí phế quản bị tổn thương dẫn đến ho ra máu.
- Tiếp tục luồn ống thông nhỏ hơn vào lòng ống thông đến vị trí mạch tổn thương ở phế quản
- Các vị trí tổn thương hoặc động mạch giãn bất thường ở phế quản sẽ được nút tắc bằng một số vật liệu nút mạch phế quản chuyên dụng như hạt PVA, keo sinh học, vòng xoắn kim loại hay spongel..
- Sau khi chụp và nút mạch phế quản , bác sĩ tiến hành rút các loại ống thông ra khỏi lòng mạch. Vị trí mở lòng mạch được cầm máu bằng cách ép tay 15 phút và ép bằng dụng cụ trong 6 giờ sau đó.
Thời gian tiến chụp và nút mạch phế quản số hoá xoá nền là khoảng từ 60 đến 90 phút. Khi thực hiện nút mạch phế quản bệnh nhân sẽ không gặp phải cảm giác khó chịu hay đau đớn. Bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi các thông số chức năng như huyết áp, nhịp tim, trong suốt thời gian làm thủ thuật và 4 giờ sau khi làm thủ thuật.
Sau khi làm thủ thuật bệnh nhân phải giữ thẳng chân luồn nút mạch phế quản cũng như nằm yên tại chỗ. 2 giờ sau đó, bệnh nhân có thể ăn uống trở lại, sau 18 giờ có thể đi đứng cũng như sinh hoạt bình thường. Nếu không có biến chứng xảy ra sau 3 ngày, bệnh nhân được phép xuất viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.